TP. Nha Trang đang chuẩn bị xây dựng khu giết mổ tập trung tại xã Phước Đồng. Kinh nghiệm từ các địa phương đã xây dựng khu giết mổ tập trung cho thấy, để khu giết mổ tập trung phát huy hiệu quả đầu tư, thu hút người dân tham gia thì lộ trình, cơ chế, chính sách là rất quan trọng.
Bài 2: Mô hình nào cho Nha Trang?
TP. Nha Trang đang chuẩn bị xây dựng khu giết mổ tập trung (KGMTT) tại xã Phước Đồng. Kinh nghiệm từ các địa phương đã xây dựng KGMTT cho thấy, để KGMTT phát huy hiệu quả đầu tư, thu hút người dân tham gia thì lộ trình, cơ chế, chính sách là rất quan trọng.
Vẫn phải đầu tư
Những khó khăn, bất cập của việc đầu tư xây dựng KGMTT không thể cản trở quyết tâm làm lành mạnh thị trường sản phẩm thịt động vật hiện nay. Vì vậy, nhu cầu xây dựng KGMTT vẫn bức thiết hơn bao giờ hết.
TP. Nha Trang, đô thị lớn nhất tỉnh, trung tâm du lịch với nhiều nhà hàng, khách sạn, đồng thời là điểm trung chuyển một lượng thịt lớn đến các địa phương lân cận mỗi ngày. Tuy nhiên, lâu nay, việc giết mổ gia súc trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường là vấn đề gây nhiều bức xúc, đòi hỏi phải có giải pháp triệt để. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, TP. Nha Trang đã tìm kiếm nhiều địa điểm để đầu tư xây dựng KGMTT. Tuy nhiên, kết quả còn rất hạn chế. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho rằng, việc đầu tư xây dựng KGMTT tại TP. Nha Trang là rất quan trọng và bức thiết. Một thời gian dài, thành phố tìm kiếm vị trí để xây dựng nhưng không thành. Đến nay, địa phương đã tìm kiếm được địa điểm; tuy nhiên, kinh phí đầu tư, quy mô thế nào mới là quan trọng. Đơn vị tư vấn đã tính toán quy mô giai đoạn 1 của KGMTT tại xã Phước Đồng với số vốn 217 tỷ đồng. Đến thời điểm này, hầu như các ngành đều cơ bản thống nhất với quy mô đầu tư dự án.
Bài học lớn từ 2 huyện Diên Khánh và Cam Lâm về tính khả thi của KGMTT cho thấy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, có cơ chế thích hợp để thu hút các cơ sở giết mổ và có cái nhìn toàn diện.
Giải pháp nào?
Việc xây dựng KGMTT tại TP. Nha Trang được sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Sau khi đơn vị tư vấn hoàn thành công tác thiết kế, tỉnh yêu cầu TP. Nha Trang và các sở, ngành góp ý đề án, đồng thời huy động trí tuệ của các chuyên gia phản biện đề án. Mới đây, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã lấy ý kiến của các chuyên gia góp ý đề án.
Bảng tên khu giết mổ tập trung ở huyện Cam Lâm đã xuống cấp. |
KGMTT tại xã Phước Đồng: Giai đoạn đầu xây dựng 9/12ha. Các hạng mục chính gồm: khu giết mổ heo (công suất 480 con/ngày); bò (100 con/ngày); gà vịt (2.400 con/ngày); nhà làm việc; chợ đầu mối; kho bãi; kho lạnh; chuồng cách ly; khu xử lý thú chết; khu rửa xe; khu xử lý nước thải lưu lượng 630m3/ngày đạt quy chuẩn loại B… Tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 119 tỷ đồng. |
Ông Mai Hữu Thu - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, tình hình hiện nay tại TP. Nha Trang không thể trì hoãn việc xây dựng KGMTT. Tuy nhiên, quy mô, công suất thế nào cho phù hợp là điều quan tâm. Tỉnh cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách và tổ chức vận hành thí điểm KGMTT đã được xây dựng tại huyện Cam Lâm, từ đó đánh giá hiệu quả đầu tư; chỉ đạo xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, cơ chế quản lý, vận hành để thu hút các hộ nhỏ lẻ vào khu quy hoạch (lộ trình di dời, cơ chế tài chính về phí, lệ phí, chế tài xử phạt, rào cản kỹ thuật mang tính hành chính...); xây dựng và ban hành quy định cụ thể các tiêu chí về cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các yếu tố môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để khuyến khích các hộ hành nghề giết mổ tham gia...
Những vấn đề rút ra từ các địa phương có xây dựng KGMTT cho thấy, việc đầu tư, xây dựng là điều cần thiết, tuy nhiên, để KGMTT phát huy hiệu quả đầu tư, thu hút người dân tham gia thì lộ trình, cơ chế, chính sách rất quan trọng. Nhà nước cần tổ chức đối thoại để làm rõ nhu cầu, tâm tư của các hộ hành nghề giết mổ; đồng thời cần xây dựng tiêu chí, quy chế về KGMTT, tạo điều kiện cho các địa phương chưa xây dựng KGMTT có được hướng đi hiệu quả.
P.L