Trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, các đại biểu đã tập trung thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề “Về chính sách giáo dục - đào tạo và hiệu quả sử dụng cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, các đại biểu đã tập trung thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề “Về chính sách giáo dục - đào tạo và hiệu quả sử dụng cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”. Nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này đã phần nào làm rõ thực trạng công tác đào tạo và sử dụng cán bộ người DTTS.
Trình bày báo cáo giám sát chuyên đề “Về chính sách giáo dục - đào tạo và hiệu quả sử dụng cán bộ người đồng bào DTTS”, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu, nhìn chung, việc thực hiện công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục. Việc thành lập các trường dân tộc nội trú (DTNT) trước đây nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng học sinh (HS) người DTTS tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng chưa có trường trung học cơ sở (THCS) theo học. Từ đó tạo nguồn cán bộ lâu dài ở khu vực này. Nhưng hiện nay, muốn phát triển và nâng cao chất lượng học tập của HS DTNT, ngành Giáo dục cần có giải pháp duy trì mô hình học tập của các trường DTNT đạt hiệu quả hơn. Về chế độ đãi ngộ, giáo viên trường DTNT được hưởng 70% phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên, nhưng hầu hết các trường DTNT lại đóng tại khu vực thị trấn theo quy định là khu vực I. Trong khi giáo viên trường THCS nằm trên địa bàn khu vực II khó khăn hơn lại không được hưởng chế độ nào khác ngoài lương. Tương tự, kinh phí nhà nước hỗ trợ HS trường DTNT cũng cao hơn HS trường THCS. Như vậy, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và HS người DTTS ở 2 mô hình trường học khác nhau. Tỷ lệ xét tuyển HS của các trường DTNT huyện chiếm tỷ lệ thấp, trường DTNT tỉnh cũng chỉ xét tuyển 30% trên tổng số HS học xong lớp 9 DTNT của huyện vào học. Số HS còn lại tiếp tục học lớp 10 trường THPT, hoặc về lại địa phương vừa học vừa làm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện. Đối với hệ sinh viên (SV) cử tuyển, chất lượng học tập của các SV hiện còn nhiều hạn chế, không theo kịp chương trình đào tạo. Quá trình học tập của SV chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa địa phương với nhà trường để có kế hoạch giúp đỡ hỗ trợ SV, dẫn đến tỷ lệ SV bỏ học còn cao. Việc bố trí sử dụng SV tốt nghiệp chưa gắn với kế hoạch, quy hoạch của địa phương. Một số cơ quan, phòng ban cấp huyện chưa thật sự quan tâm đến việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người đồng bào DTTS có trình độ chuyên môn để đảm nhận những chức vụ quan trọng trong các phòng, ban chuyên môn cấp huyện…
Ngày hội văn hóa thể thao các trường dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh minh họa |
Từ thực trạng đó, các thành viên đoàn giám sát đề nghị nên giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ là người đồng bào DTTS cho một cơ quan quản lý thống nhất. Nâng mức hỗ trợ kinh phí học tập đào tạo nguồn cán bộ dài hạn cho đối tượng SV là người đồng bào DTTS để các em an tâm học tập. Phân biệt rõ giữa đào tạo nguồn với việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho các HS, SV khác, nhằm hạn chế áp lực giải quyết việc làm sau khi các em ra trường. Có chính sách khuyến khích thu hút số HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp nghề tại địa phương. Đồng thời kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu nhận số lao động là người đồng bào DTTS vào làm việc tại các doanh nghiệp. Đề nghị ngành Giáo dục nghiên cứu đánh giá một cách khách quan, toàn diện về chức năng nhiệm vụ của hệ thống trường DTNT cấp huyện cho phù hợp với sự phát triển của ngành Giáo dục trong giai đoạn hiện nay của tỉnh.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, cần xây dựng đề án quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS từ cấp xã, đến cấp huyện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có kế hoạch ưu tiên tuyển dụng cán bộ người đồng bào DTTS vào làm một số vị trí của các cơ quan, phòng ban chuyên môn. Đối với các trường DTNT, cần có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế HS bỏ học, tỷ lệ HS yếu kém, nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên người DTTS.
Sau khi nghe bản báo cáo của đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về một số vấn đề như: Hoạt động của mô hình trường DTNT trong giai đoạn hiện nay; vấn đề bố trí công việc cho SV người DTTS sau khi ra trường… Khép lại vấn đề trên, ông Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, trong điều kiện hiện nay vẫn phải tiếp tục duy trì mô hình trường DTNT, nhưng cần nghiên cứu quy mô, cân nhắc hệ thống trường huyện với trường tỉnh sao cho phù hợp. Cần kết nối cử tuyển với việc quy hoạch của từng địa phương để đạt hiệu quả hơn.
N.Tâm (ghi)