Tai nạn giao thông xuất phát từ người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đang gia tăng và trở thành vấn nạn của xã hội. Thế nhưng, hiện nay, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Tai nạn giao thông (TNGT) xuất phát từ người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đang gia tăng và trở thành vấn nạn của xã hội. Thế nhưng, hiện nay, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Kiểm tra “ma men”
Người tham gia giao thông thực hiện đo nồng độ cồn. |
Hơn 20 giờ ngày 17-7, các quán nhậu trên một số tuyến đường ở TP. Nha Trang như: Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng khá đông khách. Chúng tôi theo các chiến sĩ tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang ra quân lập chốt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để kiểm tra “ma men”. Do có chương trình truyền hình trực tiếp trận đá bóng giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội Arsenal (Anh) nên 1 giờ sau khi trận đấu kết thúc, các “ma men” mới lục tục rời khỏi quán nhậu. Khi phát hiện 1 xe mô tô chạy hơi loạng choạng, tổ tuần tra đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe. Người điều khiển mô tô là anh Nguyễn Văn Thành (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) xuống xe và thắc mắc không biết mình đã vi phạm lỗi gì. Sau khi nghe các chiến sĩ CSGT giải thích và yêu cầu thổi hơi vào máy đo nồng độ cồn, anh Thành miễn cưỡng ngậm ống thổi. Máy lập tức cho ra kết quả nồng độ cồn là 0,462 miligam/lít khí thở, gần gấp đôi so với mức cho phép (nồng độ cồn cho phép 0,25 miligam/lít khí thở). Cầm tờ giấy in kết quả đo nồng độ cồn, anh Thành phân bua: “Cũng biết uống bia rượu vẫn điều khiển xe máy là vi phạm, nhưng do hôm nay muốn xem trận bóng đá giao hữu nên anh em mới kéo ra quán làm vài chai. Tôi uống có 2 chai bia, vẫn còn rất tỉnh táo, chắc là máy đo nhầm”. Anh lần lữa không chịu ký vào biên bản xử phạt... Sau 1,5 giờ đứng chốt, lực lượng CSGT đã kiểm tra gần chục trường hợp và đa số đều có nồng độ cồn vượt mức quy định. Có trường hợp như ông Trần Văn Tuấn (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang), máy đo báo kết quả độ cồn trong máu lên đến 0,532 miligam/lít khí thở. Khi các chiến sĩ CSGT thông báo khung xử phạt “bị tạm giữ giấy phép lái xe 60 ngày, giữ xe 10 ngày, phạt tiền 2,5 triệu đồng”, ông đã lớn tiếng cự cãi...
Tại vòng xoay dưới chân cầu Trần Phú - nơi có khá nhiều quán nhậu, trong 1 giờ lập chốt, các chiến sĩ CSGT TP. Nha Trang đã kiểm tra nồng độ cồn 6 trường hợp. Hầu hết các lái xe đều tỏ ra hợp tác sau khi nghe lực lượng CSGT giải thích về việc kiểm tra nồng độ cồn. Nhưng khi thổi vào máy vẫn có một số người phải thở đi thở lại 2 - 3 lần mới đo được, thậm chí có trường hợp sợ bị phạt nên khi thổi cứ liên tục dừng ngắt quãng hoặc thở nhẹ để máy không đo được. Sau khi thở, chiếc máy báo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Thông tin này được chuyển trực tiếp vào máy in để in ra phiếu kiểm tra, lái xe được yêu cầu ký vào phiếu kết quả để chứng thực.
Kiểm tra phương tiện trước khi ra quân đo nồng độ cồn. |
Cùng ngày, lực lượng CSGT Công an Diên Khánh cũng ra quân lập chốt trên các tuyến Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 8 - nơi tập trung nhiều quán nhậu. Các thành viên của Đội CSGT chia thành 2 tổ, chốt chặn ở 2 đầu của các tuyến đường; một số thành viên trong đội đóng vai thường dân đứng ở các quán nhậu để thông tin cho tổ khi thấy có “ma men” bước ra khỏi quán mà điều khiển phương tiện. Sau 30 phút, lực lượng đã tiến hành kiểm tra 4 trường hợp và đều có nồng độ cồn vượt quá quy định...
Khó xử lý vi phạm
Phát tờ rơi tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tại Bến xe phía Nam TP. Nha Trang. |
Việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã được quy định cụ thể và mức xử phạt khá cao, nhưng do gặp khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình xử lý nên thời gian qua, số trường hợp bị xử phạt về vi phạm này không nhiều. Ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội Trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang cho biết, việc xử lý người vi phạm an toàn giao thông (ATGT) khi tỉnh táo đã khó, xử lý người có uống bia, rượu càng khó khăn. Vì khi có bia, rượu trong người, họ không còn tỉnh táo và làm chủ bản thân nên ít chịu hợp tác, luôn tìm cách lẩn tránh. Một số trường hợp sau khi nghe lực lượng CSGT vận động, giải thích đã đồng ý hợp tác, nhưng khi ngậm ống lại không chịu thổi hoặc hít vào khiến máy đo cho kết quả không chính xác, buộc phải làm đi làm lại nhiều lần. Có trường hợp chấp nhận nộp phạt chứ cương quyết không thổi vì sợ ống thổi không đảm bảo vệ sinh, dễ lây bệnh (dù đã được giải thích mỗi người thổi 1 ống). Thậm chí có trường hợp say tới mức không thể thổi vào máy đo mà còn lớn tiếng kình cãi với người thực thi nhiệm vụ. Những trường hợp này, lực lượng CSGT đành phải mời về trụ sở Công an để giải quyết nên rất mất thời gian. Chưa kể, khi thấy cảnh sát chốt chặn, các “ma men” tìm đủ cách đối phó như: Đi đường khác hoặc ngồi nhậu lâu hơn, khiến công tác xử phạt gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, 6 tháng đầu năm, Đội chỉ mới xử phạt 9 trường hợp.
Bên cạnh đó, theo quy định, đối với những trường hợp không chịu hợp tác vẫn có thể bị xử phạt lỗi không chấp hành việc đo nồng độ cồn, nhưng để xử phạt tội này cần phải có 2 người làm chứng. Trung tá Mang Kéo - Đội trưởng Đội CSGT Công an Diên Khánh cho biết: “Tâm lý chung của người dân là khi thấy người say ai cũng ngại đụng chạm, vì thế ít người chịu đứng ra làm chứng. Điều đó gây nhiều khó khăn cho chúng tôi khi muốn xử lý những trường hợp này. Ngoài ra, khi bị kiểm tra, xử lý, người say ít chịu hợp tác mà lại còn lớn tiếng gây gổ. Để tránh sự tò mò, hiếu kỳ của người dân, chúng tôi rất hạn chế kiểm tra, xử phạt ở ngoài đường mà thường mời họ về trụ sở để làm việc. Mỗi lần ra quân xử lý về nồng độ cồn, chúng tôi phải huy động tối đa lực lượng và việc xử lý rất mất thời gian. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, chúng tôi chỉ mới xử lý được 4 trường hợp”.
Lãnh đạo của nhiều đội CSGT thừa nhận, do lực lượng mỏng, lại phải chốt chặn và thực hiện xử lý nhiều vi phạm giao thông khác nên thời gian qua, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn vẫn chưa được triển khai tích cực.
Sẽ tích cực kiểm tra
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong số các vụ TNGT xảy ra có khoảng 40% số vụ liên quan đến rượu, bia; khoảng hơn 10% số người tử vong vì TNGT liên quan đến rượu, bia. Thời gian qua, UBND tỉnh đã quy định về việc cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính. Công tác tuyên truyền tại nhiều địa phương cũng được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, mà nòng cốt là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa triển khai Dự án “Phòng, chống và kiểm soát lái xe khách sử dụng rượu, bia tại bến xe” với các hoạt động như: Tuyên truyền, kiểm soát việc vi phạm quy định về nồng độ cồn ngay tại các bến xe; phòng, chống việc lạm dụng rượu, bia đối với các lái xe khách...
Cũng theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT ở các địa phương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn. Ông Phan Văn Cường - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: “Theo chỉ đạo, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trong đó lồng ghép việc kiểm tra về nồng độ cồn và sẽ tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”. Ông Mang Kéo cho biết, thời gian tới, Đội CSGT huyện Diên Khánh sẽ tổ chức chuyên đề kiểm tra về công tác này tại một số tuyến đường có nhiều quán nhậu như: Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 8, Khánh Lê - Lâm Đồng; 23-10... nhằm làm giảm những TNGT liên quan đến rượu bia.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các Đội CSGT, để công tác này có hiệu quả, ngoài những biện pháp xử lý, cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là việc nâng cao ý thức của người dân. Nhà nước cần có những quy định cụ thể đối với nơi sản xuất, địa điểm kinh doanh rượu bia. Nghiêm cấm không cho bán rượu, bia đối với lứa tuổi vị thành niên hoặc người đi phương tiện cá nhân. Ngoài ra, việc quảng cáo cũng phải nói đến tác hại của việc lạm dụng bia, rượu.
NGHĨA HÀ
I