Ngày 25-7, đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn huyện Diên Khánh.
Ngày 25-7, đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn huyện Diên Khánh.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra 4 cơ sở có số lượng bún sản xuất từ 400-500 kg/ngày ở các xã, phường: Diên Toàn, Thị trấn Diên Khánh và Diên Phú. Qua kiểm tra, về mặt pháp lý có 1 cơ sở có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, tập huấn vệ sinh ATTP, khám sức khỏe đầy đủ cho nhân viên, các cơ sở còn lại chỉ có giấy đăng ký kinh doanh. Ở cả 4 cơ sở đều không có hợp đồng mua bán thực phẩm, cơ sở vật chất nơi trực tiếp sản xuất bún ở các cơ sở này chưa hợp vệ sinh, nền nhà ẩm ướt, hố ga còn lộ thiên, có nhiều côn trùng…
Đoàn tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất bún ở Diên Khánh |
Qua quan sát, bún ở các cơ sở này không có màu trắng sáng lóng lánh, chỉ có màu trắng ngà của gạo, độ dai không nhiều. Theo các chủ cơ sở sản xuất bún tươi ở Diên Khánh, thì thời hạn sử dụng sản phẩm bún của họ chỉ từ 1- 1,5 ngày.
Đoàn đã tiến hành nhắc nhở các cơ sở phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về mặt pháp lý, chỉnh sửa lại nơi trực tiếp sản xuất bún tươi cho hợp vệ sinh và tiến hành lấy mẫu về để kiểm nghiệm. Ngày 26-7, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra và lấy mẫu để xét nghiệm tại một số cơ sở bán bún tại TP. Nha Trang.
Được biết, những ngày qua, tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả giám sát ATTP của Chi cục ATTP TP. Hồ Chí Minh và Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã phát hiện có hiện tượng sử dụng hóa chất cấm (Tinopal, acid Oxalic) và một số phụ gia được phép sử dụng nhưng vượt giới hạn cho phép (Natri sulfit, Natri benzoate) trong sản xuất bún, bánh phở, bánh canh tươi… Ngày 24-7, Cục ATTP, Bộ y tế công bố kết quả kiểm nghiệm 7 mẫu bún tươi tại TP. Hồ Chí Minh phát hiện tất cả các mẫu đều chứa chất tẩy trắng Tinopal, 2/7 mẫu bún có chứa axit Oxalic – một chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm; 1 mẫu có chứa chất bảo quản Natri Benzoat vượt giới hạn cho phép.
Được biết, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 87 vụ ngộ độc với 1.856 người mắc và có 18 người tử vong. Riêng Khánh Hòa không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
T.L