07:07, 24/07/2013

Cần thận trọng khi đưa thông tin lên mạng

Chỉ cần 1 cái nhấp chuột, bạn có thể tìm bất kỳ thông tin nào trên google. Bạn cũng có thể “lang thang” trên thế giới ảo suốt ngày này qua ngày khác mà không thấy chán, nào là email, chát, nào là vào facebook, twitter…

Chỉ cần 1 cái nhấp chuột, bạn có thể tìm bất kỳ thông tin nào trên google. Bạn cũng có thể “lang thang” trên thế giới ảo suốt ngày này qua ngày khác mà không thấy chán, nào là email, chát, nào là vào facebook, twitter… Có một điều bạn đừng quên, đó là cần thận trọng trước mọi thông tin, đặc biệt là các thông tin ở những trang mạng không chính thống. Bởi lẽ khi thông tin được kiểm chứng thì trước đó đã để lại hậu quả vô cùng to lớn, “được vạ thì má đã xưng”!


Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu, mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, không thể phủ nhận các tiện ích mà internet mang lại, nhưng bên cạnh đó nó như con dao hai lưỡi, nếu người sử dụng thông tin không kiểm chứng, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.


Có thể đưa ra các minh chứng sau: Đầu tháng 2-2013, thị trường tài chính tiền tệ và chứng khoán Việt Nam đã chao đảo trước tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt. Tin đồn được tung lên các diễn đàn mạng không chỉ gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, mà còn làm giảm lòng tin của người dân đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nhiều người nhận định, tin đồn khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VnIndex giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ trong chỉ 1 phiên giao dịch. Sau gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II- Bộ Công an mới tìm ra 3 đối tượng tung tin đồn thất thiệt nêu trên.


Mới đây nhất, trên các trang mạng bùng nổ thông tin cho rằng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM về việc khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, và phụ nữ quá 33 tuổi không được mang thai. Đây là thông tin hoàn toàn thiếu chính xác. Trước tình hình đó, ngày 18-7, TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phải lên tiếng, khẳng định: “Thông tin một số báo đăng cho rằng Tổng cục Dân số khuyến khích phụ nữ sinh thêm con là không đúng và dễ gây hiểu lầm, trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ”. Về thông tin phụ nữ quá 33 tuổi không được mang thai, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận (phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội) cũng đã bác bỏ và khẳng định: “Hoàn toàn không có đề xuất nào như thế. Cho đến nay UBND Thành phố chưa hề nhận được hoặc có bất kỳ thông tin nào về đề xuất này”.


Thực tế cho thấy, bất cứ một thông tin nào khi đưa lên các website không chính thống hoặc trên các diễn đàn diễn đàn mạng, chỉ cần đánh trúng tâm lý người dùng là sẽ lan truyền rất nhanh, không cần biết đúng hay sai, thừa hay thiếu, thời điểm xảy ra như thế nào. Đã có biết bao cảnh báo, chỉ rõ rằng nguyên nhân của sự việc này là do người đọc quá chủ quan, nhẹ dạ khi tiếp nhận thông tin; không kiểm tra lại hay không mảy may nghi ngờ trước một thông tin giật gân, câu khách.


Để thể hiện mình là người đọc thông thái, chúng ta nên đọc thông tin từ trang mạng của những cơ quan chính thống nhằm tránh bị nhiễu thông tin. Khi tiếp nhận bất kỳ một thông tin nào, hãy suy xét, tìm hiểu kỹ, nhìn nó dưới nhiều góc độ, phương diện, không nên chỉ nghe một phía rồi lại lan truyền rộng rãi. Với những người làm báo và mọi người dân, mọi thông tin phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ sự thật. Trách nhiệm và lương tâm của người viết không cho phép chúng ta dễ dãi trước một chi tiết dù là nhỏ nhất.


Ngọc Thu