Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đã được các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp khắc phục những tồn tại.
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đã được các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp khắc phục những tồn tại. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường về tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
- Thưa ông, ông có đánh giá gì về tình hình buôn lậu, hàng giả và GLTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Thời gian qua, các lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và GLTM của tỉnh gồm: Chi cục Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Cục Thuế tỉnh... đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ, các cửa khẩu, cảng biển, trên tuyến Quốc lộ 1A. 6 tháng đầu năm, các đơn vị thực hiện 4.477 lượt kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh, phương tiện vận chuyển hàng hóa, phát hiện 1.267 vụ vi phạm trong hoạt động thương mại. Trong đó, có 336 vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 11 vụ hàng giả, 920 vụ vi phạm về chế độ đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, kinh doanh sai nội dung, bán hàng không lập hóa đơn, chứng từ, gian lận thuế và các sai phạm khác. Ngành chức năng đã xử lý hành chính 1.228 vụ, xử lý hình sự 7 vụ, thu nộp ngân sách gần 24,3 tỷ đồng. Nhìn chung, tình hình buôn lậu, hàng giả và GLTM tuy có chuyển biến tích cực song vẫn diễn ra đa dạng về thủ đoạn và phương thức hoạt động.
- Những thủ đoạn, phương thức đó là gì, thưa ông?
- Các đối tượng buôn lậu thường xé lẻ hàng hóa, dùng xe đạp, xe máy để vận chuyển lâm sản trái phép, khi bị phát hiện sẵn sàng bỏ hàng hóa và phương tiện để chạy trốn. Các tụ điểm mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép tập trung chủ yếu ở các khu vực giáp ranh các huyện để dễ dàng tẩu tán hàng khi bị kiểm tra. Đặc biệt, trên tuyến đường Khánh Vĩnh - Lâm Đồng, các đối tượng thường sử dụng ô tô, lợi dụng địa hình đèo dốc, vận chuyển các loại gỗ có giá trị cao về ban đêm.
Tình trạng gian lận trong mua bán hàng hóa còn diễn ra khá phổ biến với các vi phạm như: Không niêm yết giá, kinh doanh sai nội dung, vi phạm về nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy... Đặc biệt, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng các chính sách ưu đãi về đầu tư, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp; mua bán hàng không có hóa đơn, bán hàng không đăng ký với cơ quan Thuế, lập hóa đơn giá trị gia tăng thấp hơn so với tiền hàng hóa thực tế... để buôn lậu và trốn thuế.
- Để kiểm soát tình hình buôn lậu, GLTM, sắp tới ngành chức năng sẽ tập trung những giải pháp gì, thưa ông?
- Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao nên hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, GLTM thường có xu hướng gia tăng. Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các phương án của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về kiểm tra mặt hàng xăng dầu, sắt thép, thuốc lá điếu nhập lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ... Công tác kiểm tra triển khai theo từng chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các khu vực mua sắm sôi động như: Chợ đầu mối, siêu thị, điểm giao nhận, phân tán hàng hóa, các cơ sở kinh doanh có quy mô; các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông; các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hàng hóa; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
A.THÁI (Thực hiện)