Tháng 7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành. Gần 1 năm sau, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời.
Tháng 7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có hiệu lực thi hành. Gần 1 năm sau, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD ra đời. Tuy nhiên, nhìn vào các vụ vi phạm quyền lợi NTD liên tục bị phanh phui trong thời gian gần đây như: Sữa không đạt tiêu chuẩn, nhiều loại củ, quả Trung Quốc nhiễm độc, bún và bánh canh chứa hóa chất làm trắng..., có thể thấy NTD dường như vẫn chưa thể yên tâm khi quyền lợi của họ vẫn đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.
Có quyền, vẫn sợ “kiện củ khoai”
Luật BVQLNTD quy định rất rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của NTD, trong đó có quyền được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa, yêu cầu bồi thường khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn chất lượng... Luật cũng nêu rõ 4 phương thức để NTD bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đó là: Thông qua thương lượng trực tiếp tổ chức, cá nhân kinh doanh; nhờ hòa giải; thông qua cơ quan trọng tài do hai bên thỏa thuận trước khi giao dịch; khởi kiện lên tòa án.
Thế nhưng, từ quy định cho đến thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa. Bà Dương Thị Chung (phường Phước Tiến, Nha Trang) cho biết, cách đây 1 tháng bà mua 2 hộp cá nục tại một cửa hàng bán lẻ về dùng. Vì sản phẩm có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng nên bà yên tâm sử dụng. Tuy nhiên sau khi ăn, cả gia đình đều bị đau bụng. Nghi ngờ hộp cá nục “có vấn đề” nhưng bà vẫn tặc lưỡi cho qua. Bà Chung cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bà mua phải thực phẩm kém chất lượng. Song chưa bao giờ bà “gõ cửa” cơ quan công quyền để nhờ can thiệp vì “giá trị hàng chẳng đáng bao nhiêu, cũng chưa ai bị bệnh nghiêm trọng gì nên không muốn đi lại phiền phức, mất thời gian”.
Chia sẻ của bà Chung cũng là tâm lý của đa số NTD. Theo bà Nguyễn Thị Trang, Phó Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh, sau 2 năm Luật BVQLNTD có hiệu lực, nhận thức về quyền và nghĩa vụ của NTD đã có sự cải thiện so với trước. Tuy nhiên, việc tuyên truyền luật vẫn chưa thể đến với tất cả người dân, và đặc biệt là tâm lý e dè, ngại va chạm đã ăn sâu vào ý thức của nhiều người. Họ thường chỉ khiếu nại với các ngành chức năng đối với trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, giá trị tài sản lớn. Một số khác chưa nắm rõ luật, không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của mình và thủ tục giải quyết ra sao. Ngoài ra, nhiều người thiếu kiến thức tiêu dùng nên khi mua hàng không yêu cầu bên bán cung cấp chứng từ, hóa đơn, phiếu bảo hành... nên khi khiếu nại, họ luôn nhận phần thiệt vì không đủ bằng chứng.
Người tiêu dùng cần mạnh lên tiếng khi quyền lợi bị xâm hại. (ảnh minh họa) |
Doanh nghiệp chưa tự giác
Mới đây, Hội BVQLNTD tiếp nhận khiếu nại của ông N.V.V (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) liên quan đến chiếc điện thoại iPhone 4S dung lượng 16GB mua tại một cửa hàng điện máy ở Nha Trang. Ông V. cho biết, ông mua điện thoại từ tháng 10-2012, thời hạn bảo hành 1 năm. Dùng được một thời gian ngắn thì điện thoại mất nguồn phải mang đi bảo hành. Đến tháng 2-2013, loa nghe trục trặc, ông mang máy đi bảo hành lần thứ 2. Dùng chưa lâu thì máy lại có vấn đề về bàn phím. Tuy nhiên, lần này, cửa hàng yêu cầu ông phải trả tiền để sửa. Ông V. cho rằng điều này là hoàn toàn vô lý, bởi máy vẫn còn trong thời hạn bảo hành và lỗi không phải do người dùng. Bức xúc không được giải quyết, ông khiếu nại lên Hội BVQLNTD. Chỉ đến khi có sự can thiệp của hội, bên bán mới chịu đổi cho ông chiếc điện thoại khác.
Trường hợp của ông V. chỉ là một ví dụ cho cách ứng xử thiếu thiện chí hợp tác của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Trang cho rằng, dù luật đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người kinh doanh và hình thức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến quyền lợi của NTD, đa số doanh nghiệp vẫn tìm cách né tránh, lách luật. Một số doanh nghiệp lợi dụng NTD thiếu kiến thức về hàng hóa nên “ép” NTD vào thế bí. Chỉ đến khi NTD kiên quyết đấu tranh và ngành chức năng can thiệp, họ mới biết “sợ”. Thế nhưng, không phải NTD nào cũng mạnh dạn và kiên trì bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng. Vì thế, không ít doanh nghiệp vẫn “nhờn” luật.
Nhìn vào số vụ vi phạm trong hoạt động thương mại mà các ngành chức năng tỉnh phát hiện từ đầu năm đến nay (hơn 1.200 vụ), có thể thấy ý thức chấp hành pháp luật nói chung và Luật BVQLNTD nói riêng của các đơn vị kinh doanh còn nhiều hạn chế. Trong số đó, tình trạng kinh doanh hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, doanh nghiệp không xuất hóa đơn cho người mua hay khách sạn niêm yết giá phòng thấp để gian lận thuế... vẫn rất phổ biến. Theo ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực BVQLNTD được giao cho nhiều đầu mối khác nhau. Tuy nhiên, do có hàng ngàn cơ sở kinh doanh lớn nhỏ đang hoạt động, lực lượng chức năng với nguồn lực, phương tiện hạn chế nên khó có thể kiểm soát hết.
Làm thế nào để Luật BVQLNTD trở thành “tấm lá chắn” hữu hiệu bảo vệ NTD trước những biến động của thị trường? Thiết nghĩ, khó có thể trông chờ vào sự tự giác của người kinh doanh, bởi đa số vẫn đặt lợi nhuận lên trên hết. Vì thế, NTD cần nhận thức rõ, im lặng trước các hành vi vi phạm quyền lợi NTD chính là “dung dưỡng” cho các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Bên cạnh đó, NTD dù “thông thái” đến đâu cũng khó có thể nhận biết được mọi thủ đoạn kinh doanh gian dối. Vì vậy, người dân trông cậy rất nhiều vào sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước.
THÁI VIỆT