Năm 2012, Việt Nam thiệt hại tài sản khoảng hơn 15.000 tỷ đồng vì thiên tai, các nước ASEAN mỗi năm cũng mất trung bình khoảng 4,4 tỷ USD.
Năm 2012, Việt Nam thiệt hại tài sản khoảng hơn 15.000 tỷ đồng vì thiên tai, các nước ASEAN mỗi năm cũng mất trung bình khoảng 4,4 tỷ USD. Vì vậy, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) giữa các quốc gia là rất cần thiết. Chính vì thế, hội thảo với chủ đề “Xây dựng năng lực tìm kiếm cứu nạn trên biển” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức với sự tham gia của các nước trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Nha Trang ngày 18-7 được đánh giá là một phần quan trọng của nhóm công tác APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp trong năm 2013.
Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
Ông Nguyễn Thành Phương, đại diện Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, thống kê trong 5 năm qua, thiệt hại về người có xu hướng giảm, tuy nhiên thiệt hại về tài sản tăng. Ước tính từ năm 2008 - 2012, cả nước thiệt hại gần 74.000 tỷ đồng, trong đó cao nhất vào năm 2008 với thiệt hại trên 40.000 tỷ đồng, mới nhất năm 2012 thiệt hại trên 15.000 tỷ đồng. Việt Nam đã xây dựng 11 tình huống cơ bản để phòng, tránh thiên tai, tăng cường chỉ đạo, hợp tác giữa các địa phương... Tuy vậy, nước ta đang thiếu về trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng, chất lượng tàu thuyền không cao. Bên cạnh đó, thông tin yêu cầu cứu nạn trên biển thiếu chính xác, không kịp thời, gây khó khăn cho công tác cứu nạn...
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, các hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa trên biển chiếm hơn 90% tổng số giao dịch thương mại toàn cầu. Ở Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai như bão với trung bình 12 cơn mỗi năm, ngoài ra phải đối mặt với nhiều tai nạn, sự cố như tràn dầu, đắm tàu... điều này đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách ưu tiên cho việc tăng cường công tác cứu hộ cứu nạn (CHCN) nói chung và CHCN trên biển nói riêng như: Nâng cao năng lực cho các cơ quan CHCN, quan tâm thúc đẩy hợp tác CHCN với khu vực cũng như quốc tế, trong đó có APEC.
Ông Masatori Hisaki, Chỉ huy trưởng Bộ phận TKCN Nhật Bản cho rằng, các nước thành viên APEC cần cần tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực cho các thành viên về TKCN, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đầu tư nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai...
Tàu cứu nạn hàng hải của Việt Nam trong một lần cứu nạn thuyền viên nước ngoài ở Khánh Hòa. |
Hiến kế hay
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, bà Pannapa Na Nan, Cục Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan cho biết, nước này đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai bằng vệ tinh, trang bị cơ sở vật chất để sơ tán, hỗ trợ người dân. Đặc biệt, Thái Lan nhấn mạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng về CNCH là rất cần thiết. Nước này thường xuyên tập huấn, diễn tập phương án phòng, chống thiên tai, thảm họa cho chính quyền địa phường và người dân. Hiện nay, Thái Lan đã xây dựng được gần 6.400 cộng đồng dân cư tham gia huấn luyện kỹ năng CNCH, hơn 6.900 đội TKCN và hơn 1 triệu tình nguyện viên giám sát, ứng phó thiên tai.
Đại biểu Philippines cho rằng khi xảy ra thiên tai, các địa phương thường bị cô lập, do đó cần trang bị các họa đồ, thiết bị điện đàm hiện đại cho các địa phương cũng như các tàu thuyền... Chính phủ cần tính toán khu vực di tản hợp lý và bảo vệ các hạ tầng nhất là trang thiết bị y tế. Trong công tác TKCN, nên sử dụng các tàu thuyền nhỏ, tốc độ nhanh để linh động, đưa người dân đến khu vực an toàn kịp thời...
Đại biểu Hàn Quốc cũng chia sẻ, ở nước này việc dự báo thiên tai được hỗ trợ bởi các thiết bị vệ tinh, hệ thống dự báo thời tiết, công tác TKCN được hỗ trợ bằng máy bay, tàu thuyền, trang bị áo phao có hệ thống radio phát sóng vệ tinh... Ông Nguyễn Thành Phương cho rằng, ở Việt Nam trong thời gian đến cần tăng cường tuyên truyền nhận thức cho người dân địa phương, xây dựng lực lượng, phương tiện vật chất và diễn tập sẵn sàng đối phó với thiên tai...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng giới thiệu quy trình TKCN, ứng dụng các công nghệ và công cụ mới trong TKCN như: tối ưu hóa hệ thống thông tin liên lạc (Hàn Quốc), các công cụ hỗ trợ nâng cao như các loại máy bay, tàu, trực thăng (Trung Quốc), Việt Nam cũng đưa ra kịch bản diễn tập ứng phó thiên tai khu vực ASEAN+3 vào tháng 8 năm nay... Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực TKCN cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
ĐOÀN HƯƠNG GIANG