06:05, 15/05/2013

Người lao động hy vọng

Do có nhiều vướng mắc về các thủ tục pháp lý trong quá trình khởi kiện nên từ tháng 4-2011 đến nay, các khoản nợ lương của hơn 300 công nhân Công ty TNHH Sao Đại Hùng vẫn chưa được giải quyết.

Do có nhiều vướng mắc về các thủ tục pháp lý trong quá trình khởi kiện nên từ tháng 4-2011 đến nay, các khoản nợ lương của hơn 300 công nhân Công ty TNHH Sao Đại Hùng (gọi tắt là Công ty SĐH) vẫn chưa được giải quyết. Bằng sự nỗ lực của Công đoàn và các ngành chức năng, hiện nay, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã thụ lý và đang củng cố hồ sơ để xét xử. Người lao động (NLĐ) đang có nhiều hy vọng được nhận lại thu nhập chính đáng của mình.


Công ty đóng cửa, nợ lương người lao động

1
Từ năm 2010 đến nay, Công ty TNHH Sao Đại Hùng không còn hoạt động.


Công ty SĐH (Khu Công nghiệp - KCN Suối Dầu, huyện Cam Lâm) thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001 với 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất, chế biến hải sản xuất khẩu. Cuối năm 2009, Công ty SĐH thu hẹp sản xuất, cắt giảm 50% lao động; lúc này tranh chấp lao động xảy ra do giới chủ liên tục nợ lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội (BHXH). Tháng 5-2010, Công ty SĐH đóng cửa nhà máy, hơn 300 lao động không có việc làm, kèm theo đó là các khoản nợ quá hạn ngân hàng hơn 15 tỷ đồng và hơn 1,347 triệu USD; nợ BHXH, lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ khoảng 5,6 tỷ đồng...


Để khôi phục hoạt động của nhà máy, năm 2011, Công ty SĐH đã cam kết sẽ thanh toán các khoản nợ cho NLĐ nhằm xin Ban quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong điều chỉnh giấy phép đầu tư lần thứ 11. Thế nhưng, sau khi chuyển đổi giấy phép, Công ty SĐH vẫn không trả một khoản nợ lương nào cho NLĐ. Được biết, hiện nay, Công ty SĐH đã có người đại diện pháp nhân mới là ông Andrey Strokulev.


Những vướng mắc trong quá trình khởi kiện


Tháng 4-2011, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty SĐH đại diện cho hơn 300 NLĐ gửi đơn khởi kiện lên TAND tỉnh đòi lãnh đạo Công ty trả nợ lương. Thời điểm này, Ban quản lý KKT Vân Phong, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều cho rằng: Công ty SĐH nợ lương, BHXH của tập thể NLĐ là tranh chấp lao động tập thể về quyền, theo Điều 170b của Bộ Luật Lao động thì vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Nhưng theo TAND tỉnh, đây chỉ là tranh chấp dân sự về nợ tiền lương giữa người sử dụng lao động với NLĐ; do đó, thẩm quyền giải quyết thuộc TAND huyện Cam Lâm nên đã chuyển hồ sơ về TAND huyện Cam Lâm.


Tiếp nhận vụ việc, TAND huyện Cam Lâm yêu cầu CĐCS Công ty SĐH hướng dẫn NLĐ thực hiện đúng các thủ tục của một vụ kiện dân sự đòi nợ lương như: Từng cá nhân nộp đơn khởi kiện, bổ sung danh sách cá nhân mà Công ty SĐH đang nợ lương, mức lương... Ở thời điểm này, CĐCS không thực hiện được những yêu cầu của Tòa vì chủ doanh nghiệp (DN) không cung cấp danh sách nợ lương, còn NLĐ thì ở nhiều nơi... Do hết thời hạn chờ bổ sung, Tòa đã trả lại đơn khởi kiện cho CĐCS.


Bên cạnh đó, theo thủ tục hồ sơ xét xử một vụ án dân sự về đòi trả nợ lương, người khởi kiện phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh là đơn khởi kiện có căn cứ và hợp pháp. Nhưng ở vụ khởi kiện Công ty SĐH, tài liệu chứng cứ quan trọng nhất là bản xác nhận nợ lương của lãnh đạo Công ty, CĐCS và NLĐ vẫn chưa cung cấp, bổ sung được (do chưa có chế tài buộc lãnh đạo Công ty xác nhận, cung cấp).


Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, TAND huyện Cam Lâm cho rằng, hồ sơ khởi kiện của NLĐ chưa qua thủ tục hòa giải cơ sở hoặc hòa giải viên cấp huyện. Tuy nhiên, do Công ty SĐH đã ngừng hoạt động nên hội đồng hòa giải cơ sở (nếu có) thì cũng đã hết thời hiệu; chủ DN lại thay đổi liên tục và không có mặt tại Việt Nam nên không thể hòa giải. Hơn nữa, đến thời điểm này, Khánh Hòa chưa có hòa giải viên cấp huyện. Vụ việc cho đến thời điểm đó có vẻ như đi vào bế tắc.


Sát cánh cùng người lao động


Khi sự việc xảy ra, các ngành chức năng của tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc để giải quyết. Trong đó, tổ chức CĐ luôn theo sát vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ. Bà Nguyễn Thị Biên, Chủ tịch CĐ Các KCN-KKT tỉnh cho biết: “Ngay từ thời điểm Công ty SĐH cắt giảm lao động và liên tục nợ lương, phụ cấp, BHXH của NLĐ, chúng tôi đã phối hợp với lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh trực tiếp làm việc với chủ DN và NLĐ để nắm bắt tình hình. Đồng thời, sử dụng những biện pháp nghiệp vụ để một mặt tạo điều kiện cho DN tìm cách trả nợ, một mặt bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, DN đã nhiều lần cam kết trả nợ cho NLĐ nhưng không thực hiện. Nhận thấy tình hình ngày càng phức tạp, chúng tôi đã tiến hành hướng dẫn cho NLĐ làm đơn khởi kiện Công ty tại Tòa án. Mặt khác, yêu cầu DN trả nợ và cung cấp danh sách các khoản nợ của NLĐ. Thế nhưng, Công ty SĐH không cung cấp”.

1
Người lao động Công ty TNHH Sao Đại Hùng đình công đòi quyền lợi.


Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết. Đồng thời, tìm mọi cách để có được bản danh sách các khoản nợ có xác nhận của lãnh đạo Công ty SĐH. Ông Phạm Xuân Danh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Khi làm đơn khởi kiện Công ty SĐH tại Tòa, vì không có danh sách các khoản nợ cụ thể của từng NLĐ nên Tòa không có cơ sở thụ lý hồ sơ. Trong một lần tham gia cùng đoàn giám sát của HĐND tỉnh tại Công ty SĐH, chúng tôi đã tìm mọi cách yêu cầu chủ DN cung cấp và xác nhận danh sách nợ. Qua đấu tranh, cuối cùng, lãnh đạo Công ty SĐH phải cung cấp và xác nhận danh sách các khoản nợ của NLĐ”. Có được văn bản này như chìa khóa mở tung vấn đề bế tắc lâu nay, các cấp CĐ đã nhanh chóng liên hệ với NLĐ để hướng dẫn bổ sung hồ sơ khởi kiện.    


Ngày 7-3-2013, TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND huyện Cam Lâm tiến hành thụ lý đơn kiện của NLĐ để giải quyết theo thủ tục chung, coi như bước hòa giải không thành.


Người lao động hy vọng

 

Hiện nay, TAND huyện Cam Lâm đã thụ lý và đang củng cố hồ sơ để chuẩn bị xét xử. Do đó, những NLĐ đang bị Công ty SĐH nợ lương và các chế độ, chính sách khác cần nhanh chóng liên hệ với LĐLĐ tỉnh hoặc TAND huyện Cam Lâm để được hướng dẫn cụ thể về các thủ tục làm đơn khởi kiện.
 

Ông Nguyễn Trung Thành - Chánh án TAND huyện Cam Lâm cho biết: “Chúng tôi đã nhận được hơn 200 đơn kiện của NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn 100 đơn đầy đủ thủ tục để chúng tôi thụ lý. Số còn lại, chúng tôi đang hướng dẫn NLĐ bổ sung theo quy định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm đưa vụ việc ra xét xử để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”. Cũng theo ông Thành, không chỉ có NLĐ mà còn có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ như: Bảo vệ, điện, thuê xe, cung cấp nguyên liệu... cũng làm đơn khởi kiện Công ty SĐH tại Tòa. Đơn khởi kiện của BHXH tỉnh cũng được Tòa phục hồi để giải quyết.  

 
Ông Phạm Xuân Danh cho biết: “Chúng tôi đã cử người đại diện là ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trước Tòa. Hiện nay, các thủ tục hồ sơ đã hoàn tất; do đó, TAND huyện Cam Lâm cần sớm đưa vụ việc ra xét xử nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”.


Ngày 1-3-2013, Ban quản lý KKT Vân Phong, LĐLĐ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi hành án dân sự tỉnh trích lại một phần khoản tiền bán đấu giá tài sản thi hành án của Công ty SĐH, tương đương với các khoản nợ NLĐ (hơn 5,6 tỉ đồng) để thanh toán nợ lương, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. UBND tỉnh đã thống nhất với đề xuất trên của các cơ quan chức năng tại công văn số 1254 ngày 13-3-2013.

 

HƯƠNG GIANG