04:05, 11/05/2013

Những con tàu “nằm ì” trên biển

Thời gian qua, tại các vùng biển Khánh Hòa có một số tàu thuyền neo đậu dài ngày không đảm bảo an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường.

Thời gian qua, tại các vùng biển Khánh Hòa có một số tàu thuyền neo đậu dài ngày không đảm bảo an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường. Mặc dù UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục Hàng Hải Việt Nam đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở các chủ tàu di dời những con tàu này khỏi vùng biển Khánh Hòa, nhưng đến nay, vẫn còn một số tàu “nằm ì” tại khu vực vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh.    


Còn 3 tàu chưa di dời


Ngày cuối tuần, chúng tôi đến Khu du lịch Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Từ Khu du lịch Dốc Lết, hướng tầm mắt về phía biển, chúng tôi thấy một chiếc tàu du lịch biển đang neo cạnh Hòn Lớn. Anh bạn tôi tỏ ra vui mừng nói: “Du lịch Ninh Hòa dạo này phát triển quá, có cả tàu biển đưa khách du lịch đến thăm”. Nghe vậy, chị Trần Thị Hồng (phường Ninh Hải) đang bán hải sản gần đó giải thích: “Đó là tàu Jupiter chuyên chở khách du lịch biển. Cách đây mấy năm, tàu này vào vịnh Vân Phong nhưng không hề có khách du lịch. Không hiểu chiếc tàu này vào đây làm gì mà cứ nằm ì ở đó không chịu đi”. Nghe chị Hồng nói vậy, chúng tôi quyết định thuê ghe của ngư dân sang Hòn Lớn để quan sát con tàu.

Tàu Phu Hai - 5.
Tàu Phu Hai - 5.

 

Vào lúc 15 giờ ngày 10-5, tàu Phu Hai - 5 do Công ty Antel Invesment (Nga) làm chủ, neo đậu tại vùng cảng biển vịnh Cam Ranh từ ngày 13-3-2009 đến nay đã được di dời khỏi vùng biển tỉnh Khánh Hòa. Được biết, tàu Phu Hai - 5 đã hợp đồng với một đơn vị tàu lai có trụ sở tại TP. Đà Nẵng để di chuyển con tàu đến tỉnh Thái Bình sửa chữa.

Trên chiếc ghe đưa chúng tôi từ Khu du lịch Dốc Lết ra Hòn Lớn, anh Nguyễn Thành Long (phường Ninh Hải) cho biết: “Tàu Jupiter vào vịnh Vân Phong từ tháng 6-2010. Sở dĩ tôi nhớ rõ như vậy là vì khi nó vào, tôi đang làm lưới ghẹ trên biển. Tàu rất to nên độ giãn sóng lớn khiến chiếc ghe tôi suýt bị lật úp giữa biển. Tôi từng nghe, tàu Jupiter đến Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin để sửa chữa, nhưng do vướng quá nhiều thủ tục nên “nằm ì” tại đây”. Nói rồi, anh Long chỉ tay về khu vực 3 Hòn (thuộc vùng biển huyện Vạn Ninh) và cho chúng tôi biết, khi mới vào, tàu Jupiter neo ở đó. Qua mấy mùa mưa bão, tàu trôi dần về phía Hòn Lớn, cách bờ khoảng 4 hải lý. Thấy ghe chúng tôi chạy vòng vòng xem con tàu, một thanh niên ở trên tàu tự xưng là Trang hỏi: “Các anh là ai, chạy quanh con tàu có việc gì không?”. Nghe chúng tôi bảo thấy tàu đẹp nên thuê ghe ra xem và xin được lên tàu tham quan, người thanh niên này liền bảo: “Tôi và 10 người trên tàu chỉ là những người được thuê trông coi tàu, không có chủ tàu ở đây nên không thể cho người lạ lên tàu được, các anh rời đi cho”.


Chúng tôi tìm hiểu và được biết, trên vùng biển Khánh Hòa không chỉ có tàu Jupiter mà trước đây đã có hơn chục chiếc tàu vào các vùng cảng biển của Khánh Hòa neo đậu rồi chây ì không chịu di dời như: Ụ nổi Venture Dock 2, tàu VSP Moonstone, tàu Biển Việt 08, tàu Phu Hai 1, Phu Hai 5, các tàu đánh cá của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khai thác thủy sản Đại Dương... Theo Cảng vụ hàng hải Nha Trang, hiện nay, trên vùng biển Khánh Hòa còn tàu Jupiter và 2 con tàu khác đang neo đậu dài ngày trên vùng biển Khánh Hòa, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải. Đó là tàu Phu Hai 5, đang neo đậu tại vùng biển giáp ranh giữa phường Cam Phú và phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) và tàu Khánh Việt, đang neo đậu ở vùng biển cách cảng Cam Ranh (TP. Cam Ranh) khoảng 2 - 3 hải lý.

1
Ụ nổi Venture Dock II neo đậu tại vịnh Cam Ranh hơn 4 năm, nay đã được di dời khỏi vùng biển Khánh Hòa


Đến TP. Cam Ranh để tìm hiểu thực hư về những con tàu này, chúng tôi được biết, tàu Phu Hai - 5 có quốc tịch BeliZe, chủ tàu là Công ty Antel Invesment (Nga) do Công ty TNHH Thương mại Khánh Hòa làm đơn vị đại lý. Tàu có chiều dài 25m, đến vùng biển Khánh Hòa phục vụ việc vận chuyển sản phẩm của Công ty Sao Đại Hùng. Tuy nhiên, thời gian qua, do Công ty Sao Đại Hùng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm ăn thua lỗ nên không có sản phẩm để chở. Do đó, tàu neo đậu tại vùng biển Cam Ranh từ ngày 13-3-2009 đến nay. Tàu Khánh Việt neo đậu trong vịnh Cam Ranh từ ngày 2-3-2012. Tàu do Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) cho một công ty khác thuê. Tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn thua lỗ, công ty này không có khả năng chi trả cho ALC II. Khi tàu vận chuyển clinke về trạm xi măng Cam Ranh, ALC II đã quyết định thu hồi. Từ đó, tàu nằm lại trên vịnh Cam Ranh. Hiện nay, ALC II đã thuê Công ty Vận tải biển Giang Sơn (Khánh Hòa) trông coi, thay mặt chủ tàu bảo quản và đảm bảo mọi điều kiện theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải Nha Trang trong thời gian chờ đưa tàu vào khai thác.  


Bao giờ được di dời?


Để giải quyết dứt điểm tình trạng các tàu, ụ nổi “nằm ì” trên vùng biển Khánh Hòa gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, UBND tỉnh, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, yêu cầu các cá nhân, đơn vị chủ tàu có tàu neo đậu lâu ngày khẩn trương khắc phục sửa chữa, đưa các phương tiện vào hoạt động hoặc có biện pháp di dời dứt điểm ra khỏi vùng biển Khánh Hòa trước năm 2012. Ông Lê Lâm Tuyền - Phó Trưởng phòng An toàn Cảng vụ hàng hải Nha Trang cho biết, thời gian qua, Cảng vụ hàng hải Nha Trang rất nỗ lực giải quyết việc các tàu neo đậu dài ngày trên biển Khánh Hòa. Bởi đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn hàng hải tại khu vực tàu neo đậu. Cảng vụ đã nhiều lần mời các chủ tàu đến làm việc và ban hành văn bản ấn định thời hạn, giải pháp cụ thể để di dời các tàu khỏi vùng biển Khánh Hòa. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan, đến cuối năm 2012 đã có 12 tàu, ụ nổi được di dời ra khỏi vùng biển của tỉnh gồm: Ụ nổi Venture Dock II; tàu VSP Moonstone; tàu Biển Việt 08; tàu Phu Hai 1 và 8 tàu cá của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khai thác thủy sản Đại Dương; còn 3 tàu vẫn “nằm ì” trên biển gồm: Jupiter, Phu Hai - 5 và Khánh Việt.

1
Tàu Jupiter đang neo đậu cạnh Hòn Lớn (thuộc vùng biển thị xã Ninh Hòa).


Cũng theo ông Tuyền, vừa qua, đại diện tàu Jupiter đã có văn bản gửi Cảng vụ hàng hải Nha Trang, UBND tỉnh tạo điều kiện cho tàu neo đậu tại đây đến cuối năm 2013. Vì hiện nay, chủ tàu này đang chuẩn bị các bước để đưa tàu vào hoạt động như: Huy động vốn, chọn đơn vị sửa chữa... Trước đề xuất của chủ tàu, Cảng vụ hàng hải Nha Trang đã báo cáo UBND tỉnh và Cục Hàng hải Việt Nam. Trong thời gian chờ giải quyết, Cảng vụ hàng hải Nha Trang đã yêu cầu chủ tàu phải phải đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như an toàn trên tàu, khu vực neo đậu. Đối với tàu Phu Hai - 5, hiện nay, Cảng vụ hàng hải Nha Trang đã có văn bản báo cáo và xem xét các điều kiện an toàn để giải quyết cho tàu đi sửa chữa, chuẩn bị tốt các bước để thực hiện việc di dời trong tháng 5-2013. Đối với tàu Khánh Việt, Cảng vụ hàng hải Nha Trang đã yêu cầu chủ tàu báo cáo kế hoạch khai thác sắp tới. Trong quá trình neo đậu tại vùng biển Cam Ranh, chủ tàu và người thuê phải thực hiện các điều kiện để đảm bảo an toàn như: Tín hiệu đèn và bố trí thuyền viên canh giữ trên tàu; đồng thời phải giữ mối liên hệ thường xuyên và có báo cáo với Cảng vụ về các vấn đề liên quan. “Nếu các chủ tàu vẫn không thực hiện việc đưa tàu vào khai thác hoặc di dời ra khỏi vùng biển Khánh Hòa theo phương án cam kết, trong thời gian tới, Cảng vụ hàng hải Nha Trang sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này”- ông Tuyền nhấn mạnh.


KHÁNH HÀ - BÍCH LA