12:05, 19/05/2013

Những bài học lớn từ Bác Hồ

Trải qua 88 năm báo chí cách mạng Việt Nam, lúc bí mật, lúc công khai và kể cả khi đã giành được chính quyền, biết bao người làm báo đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc.

Trải qua 88 năm báo chí cách mạng Việt Nam, lúc bí mật, lúc công khai và kể cả khi đã giành được chính quyền, biết bao người làm báo đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc. Tôi - một trong số những người cầm bút vinh dự được sống, công tác gần Bác Hồ luôn nhớ về tấm gương của Bác, coi đó là những bài học lớn. Những bài học ấy hiện hữu ngay trong những mẩu chuyện thật về Bác.


Phải biết quý trọng tiếng Việt


Những ngày đầu kháng chiến, phim dùng để quay rất hiếm. Vì phải tiết kiệm phim nên việc ghi lại hình ảnh Bác Hồ không được nhiều. Năm 1951, cần dựng một bộ phim có hình ảnh Bác, các anh Phạm Văn Khoa, Mai Lộc xin phép Bác cho quay bổ sung. Bác đã đồng ý.


Cùng lúc đó, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh vừa tới. Anh Mai Lộc kéo ngay cuộn thước dây để đo từ ống kính đến mũi Bác xem bao xa cho độ nét ống kính thật chính xác. Anh gọi: “Khoa ơi, “quinze yard”. Anh Khoa gạt thước ống kính, không ngờ có tiếng của Bác: “Tại sao không nói tiếng Việt mà phải nói tiếng Tây?”. Thấy anh khóc, Bác bảo: “Bác mắng oan lắm sao mà khóc!”.


Thế rồi, anh Mai Lộc vẫn tiếp tục quay cảnh Bác đọc báo và làm việc với đồng chí Trường Chinh. Khi quay phim Bác xong, anh Mai Lộc vẫn còn buồn. Lúc này, Bác lại nói giảng hòa bằng tiếng Pháp: “Payer les artistes tout de suitr” (trả thù lao ngay cho diễn viên đi). Thế là, mấy Bác cháu lại cười. Bác cho mỗi người điếu thuốc lá Trung Hoa, rồi nói: Tiếng ngoại quốc, Bác biết nhiều hơn các chú, nhưng phải luôn luôn quý trọng tiếng mẹ đẻ.

1
Bác Hồ với thiếu nhi


Trọng văn hóa dân tộc


Bác rất trọng văn hóa dân tộc. Bác thích đọc Chinh phụ ngâm, yêu thơ... và tự hào về văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Người thường giới thiệu với khách quốc tế về văn hóa dân tộc Việt Nam.


Hôm đó, có đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Tiệp Khắc sang thăm Việt Nam, Bác chọn đoàn Văn công TCCT giới thiệu và biểu diễn. Trước giờ mở màn gần 1 giờ, Bác đến sớm xem đoàn chuẩn bị ra sao. Trong lúc diễn viên đang hóa trang, bất ngờ thấy Bác xuất hiện, anh em hô: “Bác đến!”. Mọi người vội chạy đến với Bác. Bác hỏi: “Hôm nay các cô, chú có bài tủ gì nào?”. “Thưa Bác, chúng cháu có nhiều bài hay, trong đó có cả bài hát Tiệp Khắc hát bằng tiếng Tiệp và tiếng Việt nữa ạ!”. Bác rất vui nhưng căn dặn khéo: “Các cô, chú chuẩn bị như thế thì tốt. Nhưng, phải cẩn thận kẻo khi hát tiếng Tiệp Khắc, họ lại tưởng các cô chú đang hát tiếng Việt; hay các cô chú hát tiếng Việt cho Bác nghe, Bác lại nghĩ các cô chú hát tiếng Tiệp Khắc!”... Đêm đó, sau buổi biểu diễn, mọi người nghĩ mãi mới hiểu ý nghĩa lời Bác căn dặn, đại ý: Người hát phải hát to, rõ lời như trong thanh nhạc thường nói: tiếng của người ca sĩ phải tròn vành vạnh.


Sinh thời, Bác thường nói với Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Tuyết - người ngâm thơ cho Bác nghe: “Bác thích giọng ngâm của cháu. Cháu có giọng quý như vậy nhưng đừng tự mãn đấy!”. Đầu năm 1968, Bác viết bài thơ Mừng xuân 68. Trước khi chị Tuyết ngâm bài thơ này, Bác vào phòng Bá Âm Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thử: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua... Bác hỏi mọi người: “Có được không?”. Mọi người khen. Bác bảo: “Hay thì vỗ tay đi!”. Không khí thật vui trong những ngày sắp Tết. Bài thơ còn mãi giọng ngâm của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Bác bận trăm công ngàn việc mà vẫn quan tâm đến anh em văn nghệ sĩ, báo chí!


Những đức tính quý báu của Bác


Tôi còn nhớ, trước khi thực hiện điều gì, Bác thường nhìn trước nhìn sau xem mình có sướng hơn dân không. Có lần, anh em đi phục vụ Bác, cơ quan chuẩn bị cơm nắm mang theo. Đến giờ ăn, Bác cháu cùng mang cơm nắm ra ăn. Thấy trong suất ăn của anh em quay phim không có giò mà suất của Bác lại có giò, Bác không đồng ý và lấy đũa chia ra mỗi người một tí. Bác nói: “Làm việc thì chức năng khác nhau nhưng ăn thì công bằng”.


Một đức tính quý khác của Bác là Bác rất thương người nông dân chân lấm tay bùn. Ngày đó, miền Bắc giáp Tết, thời tiết lạnh giá, thường mưa phùn, nông dân phải cấy xong mới có thể ăn Tết. Bác đi trên đường đê, nhìn xuống cánh đồng dưới đê phía xa xa thấy đoàn người mặc áo tơi đang lom khom cấy lúa, Bác tần ngần, nói: “Cúi lom khom lâu thế kia thì đêm về nằm chắc đau mình, khó ngủ”.


Các anh phục vụ Bác kể: Năm đó, Bác đi công tác Trung Quốc, thấy nước này chế tạo được máy cấy thay được sức người, Bác mừng lắm, bèn cho thư ký mời anh Nguyễn Lam - Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động đến gặp Bác. Bác nói: “Chú tìm cho Bác 2 thanh niên nhanh nhẹn để sang Trung Quốc học cách sáng chế chiếc máy cấy để tăng năng suất mà giảm sức lao động”. Bác nhấn mạnh: “Chú cứ cử thanh niên nhanh nhẹn nhưng phải là thanh niên nông dân, biết thông cảm khó khăn của nông dân thì mới có kết quả”. Khi sang Trung Quốc mới biết, chiếc máy cấy chạy điện mô tơ, lại phải có xăng, trong khi đó miền Bắc mô tơ xăng không có nhiều. Về sau, 2 người thanh niên này mới nghĩ ra sáng kiến làm cái thùng gỗ để mạ trong khung, mỗi lần cấy được 10 nắm mạ, cũng là một sáng kiến giúp cho nông dân đỡ khổ. Đồng chí Lê Hữu Lập - cán bộ ở Văn phòng của Bác kể: Chúng tôi thấy sáng kiến hay bèn trình với Bác để Bác tặng giấy khen và huy hiệu cho 2 thanh niên có sáng kiến. Bác nói: “Hôm nay, bác mời cô Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Phụ nữ cùng đi kiểm tra, nếu tốt, dùng được thì Bác ký gửi tặng giấy khen và huy hiệu cũng chưa muộn”. Sau khi đi cấy thử về, Bác nói với đồng chí Lê Hữu Lập: “Chữ ký của mình thì mình phải có trách nhiệm, không phải đề nghị ký là ký. Ăn lương của dân lại thiếu trách nhiệm và đổ lỗi cho cấp dưới là không nên”.


Một lần, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (người chăm sóc sức khỏe cho Bác) thấy Bác đọc báo nhưng phải đẩy xa tờ báo mới đọc được. Với kinh nghiệm của mình, ông biết Bác bị tăng số kính. Nhân sang Đức có loại kính tốt, ông bèn mua một chiếc. Ông dự định sẽ bảo nhà quay phim An Sơn, đợi Bác ngủ say vào đêm khuya thì sẽ đổi kính của Bác. Đúng giờ, nhà quay phim An Sơn vào phòng Bác đổi chiếc kính để trên bàn thì không may gây ra tiếng động... Bác giật mình thức giấc và quát: “Ai, đi đâu?”. Anh An Sơn sợ quá, líu cả giọng: “Thưa Bác, cháu muốn đổi kính để Bác đọc tốt hơn”. Lúc này, Bác bình tĩnh nói: “Bác cháu mình đi công tác hay đi mua kính cho Bác? Thôi, cất đi, cháu phải nhớ rằng, Bác không đưa tiền nhờ cháu mua, và tiền chắc hẳn không phải của cháu, như vậy phải lấy tiền của dân. Nếu Bác dùng chiếc kính mới này, Bác sẽ bảo được ai? Tiền của dân... Thôi cất đi”.


Tấm lòng của Bác với dân, đức tính liêm khiết của Bác..., chúng tôi vẫn mãi ghi nhớ trong tâm khảm.


Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng