08:04, 06/04/2013

Xã Sơn Lâm lay lắt chờ mưa

Nắng nóng kéo dài, sông suối, ao hồ trơ đáy; ruộng đồng, nương rẫy đang dần khô cháy; phụ huynh phải mang nước đến trường cho con… là tình trạng đã và đang diễn ra ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Nắng nóng kéo dài, sông suối, ao hồ trơ đáy; ruộng đồng, nương rẫy đang dần khô cháy; phụ huynh phải mang nước đến trường cho con… là tình trạng đã và đang diễn ra ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).


Nguy cơ mất mùa


Chúng tôi đến xã Sơn Lâm vào một ngày đầu tháng Tư. Ở đây, trời không có một ngọn gió, nắng như đổ lửa trên những nương rẫy. Nông dân ở thôn Du Oai và Cam Khánh đang chờ mưa trong nỗi tuyệt vọng. Nhìn hơn 1ha cà phê của mình đang khô cháy, ông Lê Minh Đức (42 tuổi, thôn Du Oai) thở dài: “Đã 3 tháng qua, ở đây gần như không có mưa. Vì thế, các ao dùng để chứa nước tưới cà phê của gia đình tôi đã trơ đáy. Không có nước, hàng trăm cây cà phê đang dần khô héo. Năm nay, mùa cà phê bết bát rồi chú à”. Rẫy cà phê của lão nông Lê Ngọc Thành (84 tuổi) bên cạnh nhà ông Đức cũng đang trong tình trạng tương tự. Ông Lê Ngọc Thành buồn bã: “Tôi đã sống gần hết cuộc đời nhưng chưa thấy năm nào hạn nặng như năm nay. Không có nước dài ngày, nhiều cây cà phê trổ bông đã không thể kết quả”.

Đồng ruộng nứt nẻ.
Đồng ruộng nứt nẻ.


Bên cạnh rẫy cà phê nhà ông Thành, ông Đức, con mương nhỏ dẫn nước từ trên núi xuống cũng đã gần cạn khô. Những thửa ruộng lúa nước ở gần đó đã khô khốc nứt nẻ từ bao giờ. Nhìn khung cảnh ấy, ai cũng dễ dàng nhận thấy nguy cơ mất mùa của nông dân nơi đây.


Nước giếng cạn, sông ô nhiễm


Trên đường đi, chúng tôi gặp mẹ con chị Nguyễn Thị Lan (thôn Cam Khánh) đang khệ nệ vác hai can nước lớn lên xe. Hỏi ra mới biết, từ nhiều tuần nay, chị Lan đã thường xuyên phải đi xin nước về dùng cho gia đình. Chị Lan than: “Giếng nước khô cạn, hệ thống nước tự chảy cũng không có nước; vì vậy, tôi phải đi đến các hộ gia đình ở thôn Du Oai xin nước về dùng. Hiện nay, phần lớn các hộ ở thôn Cam Khánh đều trong tình cảnh tương tự”. Ông Phạm Văn Minh - Trưởng thôn Cam Khánh cho biết, những ngày qua, nguồn nước sinh hoạt của 219 hộ dân trong thôn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy thôn có 61 giếng nước, nhưng hiện nay có hơn 2/3 đã bị cạn, số giếng còn lại chỉ sử dụng cầm chừng vì mực nước còn rất thấp. “Nếu tiếp tục không có mưa thì chỉ trong 2 - 3 tuần tới, những giếng nước còn lại cũng sẽ cạn kiệt. Tôi đang lo, khi đó, những giếng nước của người dân ở các thôn lân cận cũng sẽ không còn nước” - ông Minh nói.

Ao chứa nước để tưới cà phê của gia đình ông Lê Minh Đức đã trơ đáy.
Ao chứa nước để tưới cà phê của gia đình ông Lê Minh Đức đã trơ đáy.


Trước kia, khi có hạn hán kéo dài, người dân địa phương còn trông chờ vào nguồn nước sông Tô Hạp và Cô Róa chảy qua địa bàn. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm của hai con sông này đang ở mức báo động đã khiến người dân không dám sử dụng vì lo sợ bệnh tật. “Sông Tô Hạp ô nhiễm từ lâu; còn 2 năm qua, do tình trạng khai thác quặng tràn lan ở thượng nguồn đã khiến nước sông Cô Róa ô nhiễm nặng. Do đó, người dân ở thôn Cam Khánh chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là đi xin nước giếng ở thôn Du Oai về sinh hoạt”, ông Minh cho biết.


 

Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn: UBND huyện đang xây dựng phương án chống hạn cho tất cả cây trồng, vật nuôi, đồng thời thông báo các xã thống kê lại diện tích bị khô hạn. Huyện đã chuẩn bị 10 tấn bắp, hơn 200.000 cây keo để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do hạn hán. Về lâu dài, UBND huyện sẽ tiến hành khảo sát để xây dựng các hồ chứa nước chống hạn.

Mang nước đến trường cho con


Hạn hán kéo dài ở xã Sơn Lâm không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ, cuộc sống của người dân, mà còn lan đến cả ngôi trường mầm non duy nhất trên địa bàn. Gần 2 tuần nay, ngày nào khi đưa con đến trường, chị Phạm Thị Linh (thôn Cam Khánh) cũng mang theo can nước 5 lít để con sinh hoạt tại trường. Bà Lê Thị Tuyết Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Lan cho biết, hạn hán đã làm giếng nước của trường cùng với hệ thống nước tự chảy của xã cung cấp cho trường bị khô cạn. Do vậy, từ ngày 26-3, nhà trường đã phải vận động phụ huynh mang nước đến trường cho các cháu sinh hoạt. Bà Hằng bày tỏ: “Do nước phụ huynh mang đến đều là nước giếng nên trước khi đưa vào sử dụng cho các cháu, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Y tế xã để tiêu độc, khử trùng”.

1
Mang nước đến trường cho con.


Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong đời sống của người dân do hạn hán kéo dài, ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm nhận định: “Hạn hán đang ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 60% dân số toàn xã, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân; trong đó, thôn Du Oai và Cam Khánh là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên địa bàn xã có 160 giếng nước, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 30 giếng có nước. Hệ thống nước tự chảy cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 xã, do mực nước sông suối đã xuống rất thấp”. Theo ông Nguyên, trước kia, tuy trên địa bàn xã cũng đã xảy ra hạn hán kéo dài nhưng không nghiêm trọng bằng năm nay. Nguyên nhân khiến cho sông suối hay giếng nước trên địa bàn khô cạn không chỉ do thiên nhiên tác động mà còn có nhân tố con người. “Rừng đầu nguồn bị tàn phá đã kéo theo hệ thống nước ngầm sụt giảm, dẫn đến các giếng nước của người dân vơi dần” - ông Nguyên cho biết.


Hiện nay, chính quyền xã Sơn Lâm vẫn chưa có giải pháp nào để khắc phục hạn hán. Mọi việc đang trông chờ trời mưa.


THÀNH LONG - HOÀNG DUNG