10:04, 16/04/2013

Còn nhiều khó khăn

Kinh phí hoạt động hạn hẹp, công tác tuyên truyền về quyền trẻ em còn khô khan… là những nguyên nhân khiến cho việc triển khai mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng ở phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) còn nhiều khó khăn.

Kinh phí hoạt động hạn hẹp, công tác tuyên truyền về quyền trẻ em còn khô khan… là những nguyên nhân khiến cho việc triển khai mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng ở phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) còn nhiều khó khăn.


Cầm danh sách gần 50 trẻ em ở phường nghỉ học, ở nhà đi biển - những đối tượng nằm trong mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng của phường Ninh Thủy - chị Võ Thị Cẩm Nhung, cán bộ giáo dục trẻ em của phường đến từng nhà vận động các em đi học lại hoặc tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) Quyền trẻ em của phường để giúp các em có nơi vui chơi và hiểu rõ hơn về quyền và bổn phận của trẻ em. Tuy nhiên, đến nhà nào, chị cũng nhận cái lắc đầu từ chối của cha mẹ hoặc ngay chính các em. Chị Nguyễn Thị Thành - tổ dân phố Thủy Đầm, hộ gia đình có 2 con bỏ học đi biển phân bua: “Gia đình tôi có 6 đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chồng tôi đi biển, tôi ở nhà chạy chợ nên không kiếm đủ tiền để nuôi con. Anh em nó nghỉ học vừa đỡ được tiền học phí, sách vở vừa đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em”. Em Nguyễn Hoài Dân - 13 tuổi, tổ dân phố Bá Hà 1 nghỉ học từ đầu năm hồn nhiên giải thích: “Em không thích đi học lại vì học hoài không hiểu bài, ở nhà đi biển có tiền, mỗi ngày em kiếm được 30.000 - 40.000 đồng, có ngày kiếm hơn 100.000 đồng”. Vận động em vào CLB Quyền trẻ em để tham gia sinh hoạt em cũng từ chối vì... ngại và mắc cỡ.

 Ảnh img 0091: Chị Võ Thị Cẩm Nhung, cán bộ giáo dục trẻ em đang trao đổi với thành viên của Câu lạc bộ Quyền trẻ em về nội dung sinh hoạt kỳ tới.
Chị Võ Thị Cẩm Nhung, cán bộ giáo dục trẻ em đang trao đổi với thành viên của Câu lạc bộ Quyền trẻ em về nội dung sinh hoạt kỳ tới.

 

Theo khảo sát của phường Ninh Thủy, hiện nay, tổng số trẻ em bỏ học, đang tham gia lao động nặng nhọc là 49 em (hầu hết các em đi biển và thuộc hộ nghèo, đông con), tập trung chủ yếu ở các tổ dân phố Thủy Đầm, Ngân Hà, Bá Hà 1, Bá Hà 2. Chính quyền địa phương đã phối hợp với nhà trường nhiều lần tới nhà để tuyên truyền, hỗ trợ sách vở, vận động các em đi học lại, nhưng hầu hết các em đều không quay lại trường mà thích nghỉ học ở nhà đi biển kiếm tiền. “Hiện nay, tại địa phương có khoảng 200 tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, lượng tàu trên thu hút gần 2.000 nhân công lao động mỗi ngày. Hầu hết các tàu này đi về và trả tiền công theo ngày nên thu hút nhiều trẻ em nam ở các tổ dân phố gần biển bỏ học đi biển. Với lại, đây là nghề cha truyền con nối lâu đời nên cha mẹ các em xem việc đó là bình thường. Nhiều gia đình còn cho con nghỉ học đi biển để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Các tàu thuyền này phần lớn là của tư nhân. Khi làm việc trên tàu, các em không có hợp đồng lại “nhảy” việc lung tung nên chính quyền địa phương rất khó kiểm tra hay xử phạt trong việc sử dụng lao động trẻ em. Đây là nguyên nhân chính làm cho việc triển khai mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng ở phường gặp nhiều khó khăn” - ông Lê Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy nói.


Hiện nay, song song với việc tiếp tục vận động các em đã bỏ học quay lại trường, Ban chỉ đạo của địa phương tập trung tuyên truyền, giúp đỡ, vận động những trẻ có nguy cơ bỏ học ở phường tham gia CLB. Hiện nay, CLB đã vận động được 28 em tham gia, sinh hoạt mỗi tuần 1 lần vào ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, theo các cộng tác viên, để nội dung sinh hoạt CLB phong phú, mang tính tuyên truyền cao, thu hút nhiều em tham gia thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng những chuyên đề cụ thể, sinh động, nhiều thông tin, hình ảnh về quyền trẻ em để các CLB dựa theo đó sinh hoạt; hỗ trợ thêm kinh phí cho CLB để trang bị đồng phục cho các thành viên.  


Được biết, để tạo tiếng vang cho CLB Quyền trẻ em, dự kiến trong chương trình gây quỹ tuổi thơ năm 2013 của địa phương, lãnh đạo phường Ninh Thủy sẽ chọn những tiết mục văn nghệ của CLB để biểu diễn trong chương trình. Hy vọng, với những nỗ lực của địa phương, thời gian tới, mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng ở phường Ninh Thủy sẽ đi vào chiều sâu, giúp nhiều trẻ em của phường được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.


THẢO LY