Nhu cầu đặt hàng sa sút, giá cả nguyên vật liệu đắt đỏ, đặc biệt là nguồn gỗ khan hiếm đã khiến nghề đóng ghe ở thôn Tuần Lễ lâm vào thoái trào.
Nhu cầu đặt hàng sa sút, giá cả nguyên vật liệu đắt đỏ, đặc biệt là nguồn gỗ khan hiếm đã khiến nghề đóng ghe ở thôn Tuần Lễ lâm vào thoái trào.
Thôn Tuần Lễ là nơi có nghề đóng ghe truyền thống ở huyện Vạn Ninh. Thế nhưng, bây giờ, nghề này đang vào giai đoạn thoái trào, cả làng chỉ còn vài cơ sở đóng ghe nhưng cũng rất đìu hiu. Anh Phạm Đây (Xóm Mới), thợ đóng ghe có kinh nghiệm 20 năm nhưng nay không có đất “dụng võ”. “Giờ nhắc tới nghề đóng ghe, buồn lắm. Khách hàng vắng hoe. Trước đây, mỗi năm, khách đến đặt hàng khoảng 20 chiếc lớn nhỏ, nay chỉ 1 - 2 chiếc/năm, nhưng năm có, năm không”, anh Đây ngao ngán. Chỉ vào chiếc ghe khá lớn đã hoàn chỉnh công đoạn sơn phết, anh cho biết, đây là hàng do chính cơ sở tự làm để quảng bá chào khách. Theo anh Đây, các cơ sở đóng ghe trên địa bàn không còn mặn mà với nghề, nhiều cơ sở đóng cửa, bởi nếu duy trì sẽ không có tiền đóng thuế.
Cơ sở đóng ghe của ông Hồ Ân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Không có lãi, cha con ông tự làm, không dám thuê mướn nhân công, coi như cách lấy công làm lời. Lục đục bên chiếc ghe đóng dở, anh Hồ Thanh Huy - con trai ông Ân cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ sở của gia đình anh chỉ có 1 đơn hàng. Vợ ông Ân thì than: “Biển đói, giá vật tư cao, gỗ khan hiếm nên nghề đóng ghe không còn lãi. Cả làng trước đây có cả chục cơ sở, nay lác đác chỉ vài nơi còn gắng gượng...”.
Cơ sở đóng ghe của ông Hồ Ân. |
Ông Đào Văn Lương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vạn Ninh: Do năng lực còn yếu nên làng nghề chủ yếu đóng các loại ghe nhỏ có công suất thấp dưới 22CV, là loại ghe Nhà nước không khuyến khích. Làng nghề cần được tạo điều kiện đóng các loại ghe có công suất 45CV trở lên… |
Những người lớn tuổi cho biết, làng nghề đóng ghe ở đây đã có từ khá lâu, do một thợ ghe từ Tuy An (Phú Yên) vào sinh sống và truyền nghề cho trai tráng trong làng. Từ đó, hình thành nghề đóng ghe truyền thống theo kiểu cha truyền con nối. Anh Đây cũng được truyền nghề từ cha. Theo anh Đây, tuy làng nghề chuyên đóng ghe nhỏ nhưng những thợ ghe ở đây vẫn có thể đóng được những chiếc ghe lớn có chiều dài đến 17m, gắn máy 6 lốc.
Ông Huỳnh Tấn Kỳ - Phó Chủ tịch HĐND xã Vạn Thọ cho biết, thôn Tuần Lễ có nghề đóng ghe truyền thống chuyên đóng các loại ghe nhỏ gọi là vỏ lườn hay ghe mũi nhọn, có công suất dưới 25CV. Những năm 2005 - 2009, việc đánh bắt ven bờ thuận lợi, nguồn thủy hải sản khá dồi dào nên đơn hàng đều đặn, làng nghề phát triển, có đến 10 cơ sở đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, các cơ sở đóng ghe trên địa bàn lâm vào cảnh tiêu điều do khách hàng ngày càng thưa vắng. Nguyên nhân chính là do nguồn thủy sản cạn kiệt; vật tư, xăng dầu tăng cao dẫn tới thu nhập chuyến biển thấp nên ngư dân hạn chế đặt hàng. Bên cạnh đó, gỗ là vật liệu chủ lực làm nên giá thành chiếc ghe nhưng đang trong tình trạng đắt đỏ, khan hiếm; trong khi công nghệ đóng ghe theo kiểu cũ, lạc hậu đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến nghề đóng ghe nhanh chóng rơi vào mai một, chỉ còn một số cơ sở tâm huyết với nghề sản xuất theo kiểu lấy công làm lời...
Để tránh làng nghề bị mai một, tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở chuyển sang đóng mới những loại tàu thuyền có công suất lớn hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
VĨNH LẠC