Cụ thể hóa từ phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã triển khai sâu rộng phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
Cụ thể hóa từ phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công đoàn (CĐ) ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã triển khai sâu rộng phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB-GV-CNV).
Phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” đã thu hút đông đảo nữ CB-GV-CNV trong ngành Giáo dục. Bà Trương Minh Hà - Chủ tịch CĐ ngành Giáo dục tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn xác định nội dung “Giỏi việc trường” là: thi đua giảng dạy và công tác tốt, cải tiến công tác soạn - giảng, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị; tham gia công tác nghiên cứu khoa học, nhiệt tình trong công tác đoàn thể. Về nội dung “Đảm việc nhà”, đó là: tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học giỏi; thực hiện tốt pháp lệnh dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa với chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Từ đó đã tạo động lực ở từng nữ CB-GV-CNV, giúp họ phấn đấu không ngừng để có nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội.
Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức thi nấu ăn. |
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Hàng năm, tỷ lệ nữ CB-GV-CNV đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành Giáo dục đạt hơn 90%. CĐ ngành Giáo dục tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động; gắn kết phong trào với cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo” và phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”… |
Bên cạnh đó, CĐ ngành Giáo dục còn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, quản lý cho nữ CB-GV-CNV bằng nhiều hình thức như: đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn, bồi dưỡng thường xuyên, liên kết với các trường đại học mở các lớp đại học tại chức, đại học từ xa... Nhờ đó, chị em vừa có điều kiện học tập, vừa có thể dạy học, công tác và chăm sóc gia đình. Đến nay, việc chuẩn hóa của đội ngũ nữ CB-GV-CNV mầm non đạt 100% (trên chuẩn 75%); tiểu học đạt 99,9% (trên chuẩn 71,5%); trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt 100%. Nếu năm 2008, toàn ngành chỉ có 68 GV nữ có trình độ thạc sĩ, 2 GV trình độ tiến sĩ, thì đến nay đã có 115 GV nữ có trình độ thạc sĩ (tăng 40%), 12 GV nữ có trình độ tiến sĩ và 1 GV nữ được phong hàm Phó Giáo sư.
Bên cạnh đó, CĐ ngành còn lồng ghép hoạt động bình đẳng giới vào công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và đề bạt cán bộ nữ, phát triển đảng viên... Nhờ đó, việc bổ nhiệm cán bộ ngành Giáo dục đã có sự quan tâm ưu tiên hơn ở cán bộ nữ. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ quản lý nữ của ngành là 48,7%, đảng viên nữ là 2.477 người (chiếm 61% số đảng viên trong toàn ngành). Hàng năm, CĐ ngành còn tổ chức các hội thi, hội thảo, hội nghị chuyên đề như: thi nấu ăn, cắm hoa, liên hoan tiếng hát GV, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học tự làm, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, vai trò của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Đồng thời, CĐ ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nữ CB-GV-CNV như: xây dựng quỹ tiết kiệm, quỹ tương trợ, tín chấp vay vốn ngân hàng, tổ chức thăm hỏi, trợ giúp khó khăn, khám sức khỏe định kỳ cho chị em; có các hình thức quan tâm, chăm sóc con CB-GV-CNV (như: trao học bổng, phát thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập…).
Bà Trương Minh Hà cho biết: “Thực hiện phong trào, ngoài làm tốt công tác chuyên môn, hầu hết chị em đều làm tốt vai trò “người xây tổ ấm”, cùng chồng nuôi dạy con ngoan, học giỏi, giữ vững nếp sống văn hóa gia đình. Điều đáng trân trọng là đã có những cô giáo tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng tự khắc phục được hoàn cảnh, vượt lên chính mình, phấn đấu trở thành người phụ nữ “Hai giỏi”, góp phần cùng tập thể tô điểm, tạo danh thơm cho nhà trường…”.
VĂN GIANG