Đầu tháng 4 vừa qua, hơn 800 hộ dân ở đảo Trí Nguyên (Nha Trang) đã nhận… nuôi “lăng quăng giống” (ấu trùng muỗi vằn) mang Wolbachia để tạo ra những con muỗi không còn khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết.
Đầu tháng 4 vừa qua, hơn 800 hộ dân ở đảo Trí Nguyên (Nha Trang) đã nhận… nuôi “lăng quăng giống” (ấu trùng muỗi vằn) mang Wolbachia để tạo ra những con muỗi không còn khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Tại buổi đặt lăng quăng, Tiến sĩ (TS) Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Ban dự án cho biết: Các biện pháp phòng, chống (PC) SXH đang được áp dụng trong cả nước hiện nay là phun hóa chất, loại bỏ các dụng cụ chứa nước, thả cá, diệt lăng quăng... Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này còn khá hạn chế trong dự phòng và kiểm soát dịch SXH. Vì thế, tìm kiếm một “vũ khí” phòng dịch khác hiệu quả hơn là mong muốn không chỉ trên thế giới mà ở cả Việt Nam. Những năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu lai tạo được loại muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi bị nhiễm Wolbachia, muỗi Aedes aegypti bị giảm tuổi thọ và ức chế được sự nhân lên của virus Dengue gây bệnh. Do vậy, dù có chích người mắc bệnh SXH rồi sau đó chích người khỏe mạnh, muỗi mang Wolbachia hầu như không truyền bệnh. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học cho thấy, khi thay thế quần thể muỗi tự nhiên bằng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, khả năng xảy ra các tác động không mong muốn là rất thấp và không đáng phải lo ngại... Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai dự án thả muỗi vằn đã nhiễm vi khuẩn Wolbachia vào cộng đồng (vào năm 2011). Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thứ hai thử nghiệm dự án này.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện. Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên trong cả nước được chọn để triển khai dự án này. Mỗi hộ dân ở đảo Trí Nguyên được nhận nuôi khoảng 20 con “lăng quăng giống”. |
Được triển khai từ năm 2006, qua các giai đoạn đầu Việt Nam đã “sản xuất” được loại muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không truyền virút gây bệnh SXH từ muỗi vằn bắt được ở đảo Trí Nguyên. Hiện nay, dự án bắt đầu bước vào giai đoạn thả ấu trùng muỗi mang Wolbachia ra cộng đồng để tiếp tục đánh giá khả năng thay thế của loại muỗi này đối với quần thể muỗi tự nhiên. “Khi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả ra trên đảo, chúng sẽ giao phối với muỗi tự nhiên. Nếu muỗi đực mang Wolbachia giao phối với muỗi cái tự nhiên sẽ đẻ ra trứng nhưng không phát triển thành muỗi. Những tình huống còn lại đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang Wolbachia. Dần dần, loài muỗi “có vắcxin” này sẽ áp đảo, thay thế muỗi tự nhiên. Từ đó, nó có thể phát huy vai trò làm giảm khả năng lây lan của bệnh SXH ở đảo Trí Nguyên. Đây là mục tiêu quan trọng nhất của dự án” - TS Trần Như Dương nói. Chị Nguyễn Thanh Hiền - người dân ở đảo Trí Nguyên chia sẻ: “Tuy vẫn có lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe nếu bị loại muỗi mới chích, nhưng sau khi được các nhà khoa học giải thích cặn kẽ, tôi và nhiều người dân ở đảo đồng ý tham gia dự án. Chúng tôi hy vọng có thể đẩy lùi được bệnh SXH, giảm nguy cơ dẫn đến chết người của loại dịch bệnh này”.
TS Trần Như Dương cho biết, trước khi tiến hành thử nghiệm ở đảo Trí Nguyên, từ năm 2009, các thành viên của dự án đã tham vấn cộng đồng ở đây trong một thời gian rất dài và đã nhận được sự đồng thuận của 97% số hộ dân trên đảo. Ngoài ra, trước khi thả ấu trùng nhiễm vi khuẩn Wolbachia, hơn 60 thành viên của dự án đã tiến hành làm giảm đáng kể quần thể muỗi Aedes aegypti có khả năng truyền bệnh SXH trên đảo liên tục trong 3 tháng bằng phương pháp cơ học.
Theo tính toán của các nhà khoa học, quần thể muỗi tại địa phương sau 3 tháng đặt ấu trùng muỗi mang Wolbachia sẽ còn ít hơn so với quần thể muỗi khi chưa làm giảm. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, trước và sau khi dự án kết thúc, toàn bộ người dân ở đảo Trí Nguyên đều được khám sức khỏe, đặc biệt là chú trọng ghi nhận mức độ mắc các bệnh truyền nhiễm ở cộng đồng. Các chỉ số an toàn ở cộng đồng sẽ được theo dõi chặt chẽ thông qua hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. “Nếu dịch SXH bùng phát thì chúng tôi sẽ lập tức dừng việc đặt ấu trùng muỗi, đồng thời nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn cho người dân nếu gặp phải vấn đề gì, hãy thông báo cho cộng tác viên hoặc cán bộ dự án. Các chuyên gia dự án sẽ đến, trao đổi, giải thích hay có những biện pháp ứng phó nếu cần thiết” - TS Dương khẳng định.
TS Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa là địa phương luôn có số ca mắc SXH thuộc hàng cao nhất ở miền Trung. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh đã có gần 5.300 ca mắc SXH, trong đó 5 trường hợp tử vong. Đặc biệt là cả 4 type virút gây bệnh SXH đều có ở Khánh Hòa. Tuy thực hiện nhiều giải pháp PC nhưng bệnh SXH vẫn gia tăng. Nếu dự án này thành công sẽ là một kết quả rất có ý nghĩa đối với chiến lược PC SXH ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Chúng tôi rất hy vọng việc thả muỗi mang Wolbachia thay thế quần thể muỗi tự nhiên sẽ là giải pháp hiệu quả để PC căn bệnh này”.
THẢO LY