01:04, 18/04/2013

Gieo thêm những niềm tin

Tuy kém may mắn trong cuộc sống nhưng nhiều người khuyết tật đã và đang nỗ lực chiến thắng số phận, tự học nghề để nuôi bản thân, giúp gia đình và tạo thêm nhiều việc làm cho người có cùng cảnh ngộ.

Tuy kém may mắn trong cuộc sống nhưng nhiều người khuyết tật (NKT) đã và đang nỗ lực chiến thắng số phận, tự học nghề để nuôi bản thân, giúp gia đình và tạo thêm nhiều việc làm cho người có cùng cảnh ngộ.

Nghị lực vươn lên

Xưởng mộc của anh Lê Viết Luận tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ.
Xưởng mộc của anh Lê Viết Luận tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ.


Những ngày này, tuy xưởng mộc của anh Lê Viết Luận (44 tuổi, xã Diên An, huyện Diên Khánh) nóng hầm hập nhưng vẫn không làm nản chí các thợ mộc khuyết tật đang làm việc. Đôi tay họ thoăn thoắt đục, đẽo tạo ra những đường nét, hoa văn uốn lượn, mềm mại trên những tấm gỗ. Anh Luận kể: “Năm hơn 2 tuổi, cơn sốt bại liệt kéo dài đã khiến đôi chân tôi teo dần, không thể đi đứng được. Từ đó, mọi sinh hoạt hàng ngày tôi đều phải dựa vào người thân trong gia đình. Lớn lên, nghĩ mình không thể dựa vào mọi người mãi được nên tôi quyết định xin vào một xưởng mộc gần nhà để học nghề”. Cần mẫn, chịu khó, vượt qua mặc cảm, anh Luận cố gắng học nghề. Khi đã thạo nghề, anh vay vốn mở xưởng mộc của riêng mình, tạo điều kiện cho những người cùng cảnh ngộ đến làm việc và học nghề.

1
Hàng ngày, ông Đinh Công Thạnh đều dành thời gian đến động viên, giúp đỡ hội viên.


Những NKT vừa học vừa làm ở xưởng mộc của anh Luận đều có thu nhập từ chính sản phẩm do họ làm ra. Anh Nguyễn Quốc Lâm (24 tuổi, thôn 3 xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) chia sẻ: “Chú Luận là người đã gieo niềm tin và hy vọng cho tôi. Nếu chú không tạo điều kiện cho tôi vào làm việc ở đây thì tôi không biết phải làm gì khi đôi chân không thể đứng vững được. Giờ đây, cuộc đời tôi như sang một trang mới, tôi có thể lo cho cuộc sống của mình bằng đồng lương hàng tháng”. Hiện nay, tại xưởng mộc của anh Luận có 7 NKT làm việc, thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

1
Anh Lê Viết Luận cần mẫn làm việc.


Anh Vũ Phùng Toàn (45 tuổi, phường Phương Sài, TP. Nha Trang) cũng có chung cảnh ngộ với anh Luận. Năm 6 tuổi, cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân của anh. Lớn lên, anh đi xin việc làm nhưng không có nơi nào nhận. Thế là anh quyết định học nghề sửa xe đạp. Sau hơn 3 tháng học nghề, anh được gia đình đầu tư cho bộ đồ nghề, nhưng do không có tiền thuê mặt bằng làm nghề, anh chọn một góc vỉa hè trên đường Thái Nguyên để mưu sinh. Hàng ngày, từ 6 giờ đến 23 giờ, anh cần mẫn làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình và người mẹ già yếu đang nằm viện vì bệnh thận. Mỗi ngày, anh kiếm được từ 100 đến 150 ngàn đồng. “Những gì có thể làm được tôi đều cố gắng hết sức để làm, không ỷ lại vào người khác”, anh Toàn tâm sự.

1
Anh Vũ Phùng Toàn sửa xe đạp cho khách.

Vì những người đồng cảnh ngộ

 

1
Ông Đinh Công Thạnh trên đường đi liên hệ đầu ra cho sản phẩm của hội viên.  

Cũng là NKT nên ông Đinh Công Thạnh (62 tuổi, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) hiểu rõ nhu cầu học nghề và được làm việc của những người cùng cảnh ngộ. Năm 2008, ông tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ NKT xã Diên Phú, được các thành viên tín nhiệm bầu giữ chức chủ nhiệm. Không phụ lòng mong đợi của hội viên, ông lặng lẽ đi khắp các tỉnh, thành (TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng...) để tìm tòi, học hỏi những ngành nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe của NKT về truyền lại cho hội viên. “Học được nghề nhưng kinh phí hỗ trợ, vốn ban đầu không có, tôi phải đi vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ” - ông Thạnh nói. Kiên trì, cần mẫn, ông đã vận động được gần 100 triệu đồng. Có kinh phí, ông tổ chức lớp học vót đũa tre, dệt thảm chùi chân, mộc, trồng hoa Tết cho 40 hội viên.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 39.900 NKT, nhưng mới chỉ có khoảng 5.000 người được hưởng chế độ theo Nghị định 67 và 13 của Chính phủ. Để giải quyết những bất cập, tồn tại, hiện nay, ngành LĐ-TB-XH đang tập trung triển khai Thông tư liên bộ số 28 của Bộ Y tế, LĐ-TB-XH, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo về triển khai rà soát, xác định mức độ tàn tật để kịp thời giải quyết đầy đủ các chính sách cho NKT.
 


Để có đầu ra cho sản phẩm, ông Thạnh đã đi khắp nơi liên hệ với các đầu mối thu mua, cung cấp nguyên liệu. Nhờ đó, sản phẩm của hội viên làm ra đến đâu đều được thương lái thu mua ngay đến đó. Mặt khác, để tạo điều kiện cho hội viên di chuyển thuận lợi, ông đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 11 xe lăn, 5 xe lắc và 11 cặp nạng bằng inox cho hội viên. Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, thôn 1, xã Diên Phú), thành viên Câu lạc bộ NKT xã Diên Phú cho biết: “Ông Thạnh là người đã mang lại sức sống mới cho chúng tôi. Không chỉ giúp đỡ chúng tôi có nghề nghiệp, vốn làm ăn, lo đầu ra cho sản phẩm, ông còn thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần, giúp chúng tôi sống lạc quan, vượt qua khó khăn để vươn lên. Với nghề vót đũa tre và dệt thảm chùi chân, hiện nay, mỗi tháng, tôi thu nhập hơn 1 triệu đồng để lo cho cuộc sống hàng ngày mà không phải dựa vào người khác...”.


Câu lạc bộ NKT xã Diên Phú không ngừng đa dạng các hoạt động, tìm hướng đi để nâng cao thu nhập, đời sống cho NKT. Ông Thạnh nói: “Cũng là NKT nên tôi hiểu được tâm nguyện của những người đồng cảnh ngộ. Do đó, tôi luôn cố gắng hết mình giúp đỡ NKT vươn lên, chứng minh mình là những người tàn nhưng không phế. Hầu hết hội viên trong Câu lạc bộ luôn lạc quan và biết tương trợ lẫn nhau. Hiện nay, NKT đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: vay vốn ưu đãi, cơ hội học tập, việc làm, bảo hiểm y tế... Chính vì vậy, tôi mong các ngành chức năng xem xét lại chế độ trợ cấp cho NKT, bởi hiện nay, vẫn còn nhiều NKT chưa được thụ hưởng những chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, để chúng tôi có điều kiện vươn lên trong cuộc sống bằng chính sự cố gắng của mình, rất mong địa phương quan tâm bố trí địa điểm sinh hoạt để thu hút NKT trên địa bàn tham gia sinh hoạt”.  


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có Hội Người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin... nhưng chưa có Hội NKT để tập hợp, thu hút NKT tham gia sinh hoạt. Anh Vũ Phùng Toàn bày tỏ: “Tôi rất muốn tham gia sinh hoạt trong một tổ chức hội dành riêng cho NKT. Bởi ở nơi đó, chúng tôi sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp, giúp đỡ nhau về vốn để có thể tự mưu sinh và nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương. Tôi mong trong tương lai không xa sẽ có địa chỉ để chúng tôi sinh hoạt...”. Đây có lẽ cũng là tâm sự chung của những người cùng cảnh ngộ như anh Toàn.


VĂN GIANG


Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH: Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện cho NKT tiếp cận học nghề, việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của NKT trong xã hội dần được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, hệ thống các văn bản chưa thật sự đồng bộ; tính khả thi của một số chính sách chưa cao; công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát thực hiện chưa thường xuyên; nguồn lực về tài chính và nhân lực chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.