06:04, 12/04/2013

Nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh: Cần giải pháp đồng bộ

Thực trạng tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn quá thấp ở nhiều địa phương, không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa, nếu áp theo khung tham chiếu châu Âu, đã phản ánh phần nào những bất cập trong giáo dục...

Thực trạng tỷ lệ giáo viên (GV) tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn quá thấp ở nhiều địa phương, không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa, nếu áp theo khung tham chiếu châu Âu, đã phản ánh phần nào những bất cập trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngoại ngữ hiện nay trong xu thế hội nhập của thời đại.

Nhiều bất cập

Thứ nhất, thực trạng này có một phần trách nhiệm của các trường sư phạm, liên quan đến việc tuyển sinh và đào tạo. Trong quá trình học, sinh viên cũng không có điều kiện tiếp xúc, giao tiếp (GT) nhiều với người bản ngữ.

Hơn nữa, năng lực GT cũng không phải là một tiêu chí trong việc tuyển công chức. Cô T.A, Nha Trang, cho biết: “Tôi thi công chức ngạch GV tiếng Anh Trung học (TH) cơ sở, trải qua 2 phần thi: pháp luật và soạn giáo án, không thi về các kỹ năng GT”.

Ngoài ra, tốt nghiệp về giảng dạy tại các trường phổ thông (PT), GV cũng không có nhiều cơ hội, điều kiện trau dồi, rèn luyện tất cả các kỹ năng GT. Thực tế, ở các trường PT hiện nay, áp lực thi cử cộng với “bệnh thành tích” khiến cho việc dạy và học ngoại ngữ cũng chỉ chú trọng 2 kỹ năng đọc và viết.

 

k
Đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục.

Cô N.T, GV tiếng Anh Trường Trung học Phổ thông (THPT) N.T, TP. Cam Ranh nói: “Việc đạt chuẩn là cần thiết, nhưng thực tế là GV được đào tạo theo chuẩn của Việt Nam, tốt nghiệp về dạy ở trường PT, cũng theo chuẩn Việt Nam, nhưng bây giờ khảo sát theo chuẩn quốc tế là điều khó cho GV”.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ và cả năng lực sư phạm cho GV tiếng Anh, ông Nguyễn Cao Phúc, chuyên viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, cho biết, Sở GD-ĐT cũng đã nỗ lực cải thiện bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc cử GV đi dự các lớp bồi dưỡng theo chuẩn chung của châu Âu. Tuy nhiên, để có được năng lực, kỹ năng là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Vì thế, cần giải pháp đồng độ trong cách dạy, thi cử, tuyển dụng ngay từ cấp PT đến cao đẳng, đại học …

Thầy Văn Đương, nguyên GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn góp ý: “Đối với việc dạy và học ngoại ngữ thì môi trường tiếng rất quan trọng. Cần tạo điều kiện, ví dụ như tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu…, để cả GV và HS có tiếp xúc với người bản ngữ, từ đó sẽ hình thành phản xạ GT một cách tự nhiên”.

Hơn nữa, theo ý kiến của nhiều GV, ở bậc PT, không nên đưa những đề tài “cao siêu”, ví dụ như về inventions (phát minh, sáng chế) - sách giáo khoa (SGK) 8; space (không gian vũ trụ) - SGK 11… Chủ điểm không gần gũi, cộng với vốn kiến thức không nhiều, chẳng những không kích thích mà còn cản trở nhu cầu giao tiếp của HS. Nên dừng lại ở những chủ điểm gần gũi trong đời sống hằng ngày và từ đó mở rộng dần cách tiếp cận và khai thác.

 

k
Bên cạnh năng lực của giáo viên, cơ sở vật chất, cách bố trí lớp học, số lượng học sinh… cũng là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ theo phương pháp giao tiếp.

Bên cạnh đó, nên bố trí giờ đàm thoại nhiều hơn là học ngữ pháp. Một bài có thể phát triển kéo dài thêm tiết học để tất cả HS đều có điều kiện luyện tập đối thoại với nhau, với GV nhiều lần. Như vậy, khi tốt nghiệp THPT, mỗi HS có thể GT với người nước ngoài một cách tự nhiên về những vấn đề thông thường trong cuộc sống. Khi đã có kỹ năng, kiến thức nền tảng, các em cũng sẽ học chuyên sâu 1 cách dễ dàng hơn. Chương trình học, đào tạo như thế nào thì cách thi cử hay tuyển dụng cũng phải theo thế ấy.

Ngoài ra, “Để GV có thời gian, công sức chuyên tâm vào giảng dạy, nên giảm tải áp lực về công việc ‘sổ sách, giấy tờ’…Khi GV phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhất là GV trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, thì việc xử lý các công việc hành chính mất nhiều thời gian, khiến họ giảm bớt tư duy sáng tạo cho bài giảng của mình cũng như tiếp tục học tập, nâng cao trình độ” - cô T.D, Trường THCS L.T.K, Nha Trang, bày tỏ.

Tuy nhiên, không có giải pháp nào hoàn hảo, tối ưu nếu không có sự nỗ lực của chính bản thân người học, người dạy. Những GV không đạt chuẩn phải nghiêm túc nhìn nhận bản thân mình để cố gắng nỗ lực, tự hoàn thiện, trước hết là để có thể tự tin đứng trên bục giảng và hơn nữa, để đáp ứng với nhịp phát triển chung của xã hội, trong tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Như Thảo