09:04, 26/04/2013

66 năm, từ Báo Thắng đến Báo Khánh Hòa...

Tháng 4-1947, báo Thắng (tiền thân của báo Khánh Hòa) xuất bản số đầu tiên tại chiến khu Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh), đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng tỉnh. 66 năm qua, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Khánh Hòa đã vượt qua nhiều khó khăn, ....

Tháng 4-1947, báo Thắng (tiền thân của báo Khánh Hòa) xuất bản số đầu tiên tại chiến khu Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh), đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng tỉnh. 66 năm qua, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Khánh Hòa đã vượt qua nhiều khó khăn, một lòng trung thành phục vụ sự nghiệp kháng chiến thống nhất đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp...

“Tiếng nói” từ chiến khu

Trong ký ức của nhà thơ Giang Nam (người từng làm báo Thắng từ năm 1948), báo Thắng chính là hiện thân cho tinh thần vượt khó của những người chiến sĩ cách mạng. Nhà thơ cho biết: Ngày 26-4-1946, tại hội nghị mở rộng ở thôn Đại Điền Đông (Diên Điền, Diên Khánh), Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có nghị quyết về xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh lấy tên là báo Thắng. Tên báo thể hiện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Sau 1 năm chuẩn bị, tháng 4-1947, báo Thắng ra đời số đầu tiên với 4 trang, tại chiến khu Hòn Dữ. Buổi đầu, đội ngũ làm báo Thắng chỉ có 5 người, do đồng chí Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách. “Lúc đầu, phần nội dung tờ báo do anh Vỹ và anh Lý Văn Sáu (tên thật là Nguyễn Bá Đàn) viết, về sau có thêm anh Võ Văn Sung và tôi”, nhà thơ Giang Nam kể. Báo được làm bằng kỹ thuật in đá (in li-tô) với mực sác-bô-ne, mỗi tháng ra 2 - 3 số, mỗi số chỉ khoảng 600 - 700 bản nhưng đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng. “Với nhiều bài viết có nội dung sắc bén, vạch trần bộ mặt thật của kẻ địch, báo Thắng đã gây ảnh hưởng lớn trong việc kêu gọi đồng bào thành phố hướng về kháng chiến, về cách mạng. Nhiều người sau khi đọc đã cất giữ báo Thắng như một chứng minh thư kháng chiến”, nhà thơ Giang Nam tự hào nói.

1
Phóng viên Báo Khánh Hòa trong một lần đi thực tế lấy tư liệu viết bài về nạn phá rừng ở Khánh Sơn.

Bác sĩ Kiều Xuân Cư (người từng hoạt động trong đường dây tình báo nội thành Nha Trang thời chống Pháp) cho biết: “Một ngày cuối tháng 4-1947, một liên lạc mang đến cho tôi mấy cây bánh tét, trong đó có cuộn báo Thắng số 1 ở chiến khu gửi về. Cầm trên tay tờ báo còn thơm mực in, tôi rất vui mừng và xúc động, bởi trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ngọn lửa cách mạng vẫn được giữ vững. Cái tên Thắng nghe thật ngắn gọn, đanh thép, nghe như âm vang tiếng thét “Đánh” từ hội nghị Diên Hồng xưa vọng lại”. Theo bác sĩ Kiều Xuân Cư, tuy chỉ có 4 trang nhưng nội dung báo Thắng khá phong phú và sắc sảo, có lời tòa soạn, bài xã luận, tin tức kháng chiến trên chiến trường, bình luận thời sự...

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, để làm được báo Thắng quả là một kỳ công. Ngoài nỗ lực của đội ngũ làm báo còn có công sức của đồng bào yêu cách mạng. “Bia đá được lấy từ Diên Khánh gùi lên núi; giấy trắng, mực in và ống ru lô in được các cơ sở ở nội thành Nha Trang mua, gửi lên. Giấy phải mua từng phần một chứ không thể mua nhiều cùng một lúc, nhiều phụ nữ đã phải bó giấy vào đùi rồi lấy dây thun cột lại để qua các trạm gác mà không bị địch phát hiện. Xăng dầu được thu gom rồi đựng vào trong ống tre nứa gùi lên chiến khu để chạy máy nổ thu tin tức phục vụ cho việc làm báo...”, nhà thơ Giang Nam cho biết. Thời kỳ 1947 - 1948, những người làm báo Thắng đã phải chịu nhiều gian khổ, nhưng tất cả  đều chung sức vì sự sống còn của tờ báo. “Tháng 8-1948, khi đang làm số báo đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, căn cứ của ta bị lộ nên địch cho quân đến quần thảo. Địch xả súng 12 ly 7, toàn bộ số báo vừa in chưa ráo mực bị rách nát, mực in, ru lô bị hỏng... Sau khi địch rút, chúng tôi được lệnh dời cơ quan ngay trong đêm. Về nơi mới chưa kịp dựng nhà, anh Nguyễn Xuân Ẩm (người phụ trách in ấn) đã cho mài bản đá, viết lại mặt báo đã bị trầy xước để in lại cho kịp thời gian phát hành”, nhà thơ Giang Nam nhớ lại.

Từ khi ra đời đến năm 1951, báo Thắng đã di dời 6 địa điểm khác nhau thuộc địa bàn Khánh Vĩnh và Ninh Hòa. Giai đoạn 1951 đến 1975, tờ báo lần lược được đổi tên thành Thông tin, Gió mới (giai đoạn 1956 đến 1959 không có điều kiện ra báo), Giải phóng Khánh Hòa. Dù với tên gọi nào, những người làm báo cách mạng ở Khánh Hòa vẫn giữ vững ngọn lửa đấu tranh từ thời báo Thắng.

Đi lên trong gian khó

Cuối năm 1975, cùng với việc sáp nhập 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành Phú Khánh, 2 tờ báo Giải phóng Phú Yên và Giải phóng Khánh Hòa cũng được hợp nhất thành báo Phú Khánh. Đội ngũ những người làm báo từ chiến khu trở về cùng những người mới tiếp nhận sau giải phóng đã chung sức xây dựng tờ báo. Khi ấy, mọi thứ vẫn còn rất khó khăn nên báo chỉ phát hành 10 ngày/kỳ, mỗi số 4 trang, in bằng máy in ty-pô nên rất chậm. Đầu năm 1978, nhà in của báo Phú Khánh ra đời. Có được nhà in mới, chất lượng in ấn của tờ báo dần được nâng cao, tin tức thời sự lên mặt báo cũng nhanh hơn trước.  

Trong ký ức những người công tác lâu năm ở Báo Khánh Hòa, thời kỳ 1980 - 1990 là giai đoạn không thể nào quên. Do địa bàn của tỉnh rộng lớn nên phóng viên nhiều khi đi cả ngày mới về được cơ sở, khi đi phải mang theo xe đạp rồi bắt xe đò... “Có thời gian xăng khan hiếm, xe đò chạy bằng than nên khi gặp gió xuôi chiều, khói bụi và than bám đầy người; có xe chở toàn heo, thỉnh thoảng các chú heo lại xả chất thải hôi hám xuống thành xe, dính vào người... Vất vả là vậy, nhưng phóng viên vẫn rất yêu nghề”, một nhà báo lâu năm nhớ lại. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, báo vẫn có những bài phản ánh các điển hình tiên tiến, những bài điều tra chống tiêu cực khá công phu. Đặc biệt, báo Phú Khánh đã khởi xướng việc tổ chức hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mở ra một hoạt động truyền thống cho báo chí trong khu vực. Nhắc đến chuyện này, nhà báo Nguyễn Ngọc - nguyên Tổng Biên tập báo Phú Khánh (sau là báo Khánh Hòa) chia sẻ: “Việc Báo Phú Khánh mạnh dạn nhận đăng cai tổ chức hội thảo trong thời điểm năm 1983 là một bước đột phá có tính mở đường. Bởi lẽ, lúc đó, trong cả nước chưa có báo địa phương nào tổ chức hội thảo nên không thể học tập kinh nghiệm của ai khác. Với sự chuẩn bị chu đáo về công tác tiếp đón, bố trí nơi ăn nghỉ, tham quan cùng chủ đề nóng hổi “Lập lại trật tự trong lĩnh vực phân phối lưu thông”, hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất đã thành công lớn, gây được hiệu ứng tích cực trong giới báo chí. Đến bây giờ, báo chí miền Trung vẫn nhắc đến báo Khánh Hòa với tình cảm yêu mến, trân trọng bởi sự kiện này”.

Năm 1989, sau khi chia tách tỉnh, báo Khánh Hòa được tái lập. Ngay trong thời điểm khó khăn ấy, Báo Khánh Hòa đã có một bước đi táo bạo khi ra báo Khánh Hòa Chủ nhật. Tờ báo có 16 trang khổ 28 x 20cm với nhiều chuyên mục về kinh tế - xã hội, văn hóa - thể thao, an ninh - trật tự, truyện ngắn... được độc giả ủng hộ; có thời điểm, báo Khánh Hòa Chủ nhật phát hành lên 8.000 - 10.000 tờ/kỳ. Mạng lưới phát hành mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định... Có thể nói, sự thắng lợi của ấn phẩm Khánh Hòa Chủ nhật đã đưa báo Khánh Hòa phát triển lên một giai đoạn mới, với cách làm báo ngày càng hiện đại.

… và hôm nay

 

Tháng 7-1997, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có thư gửi chúc mừng báo. Trong thư, Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá: “Là một trong những tờ báo Đảng bộ địa phương xuất bản sớm nhất trên đất nước ta, Báo Khánh Hòa qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Khánh Hòa”.

Thời gian trôi qua, Báo Khánh Hòa không ngừng phát triển. Từ chỗ xuất bản 2- 3 kỳ/tuần, đến nay, báo Khánh Hòa đã phát hành 6 kỳ/tuần, mỗi số 12 trang. Việc phát hành nhật báo đã giúp báo Khánh Hòa đưa tin tức sự kiện nóng hổi, phản ánh khá toàn diện tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, báo Khánh Hòa điện tử với giao diện mới liên tục cập nhật tin, bài, đăng tải các clip, phóng sự ảnh... hấp dẫn, sôi động. Hiện tại, bên cạnh những cây bút giàu kinh nghiệm, Báo Khánh Hòa có đội ngũ phóng viên trẻ khá năng động, tâm huyết với nghề. Những năm qua, phóng viên của Báo đã không ngại khó khăn, bỏ nhiều công sức thực hiện nhiều bài phóng sự điều tra về nạn phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, khai thác khoáng sản trái phép ở Khánh Vĩnh, tình trạng “cò” du lịch “chặt chém” du khách... gây được sự chú ý của dư luận. Từ sự phản ánh của báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc đưa vụ việc ra xử lý, điển hình là vụ phá rừng phòng hộ ở Khánh Sơn. Bên cạnh đó, báo cũng đã có những bài viết đầy xúc cảm về Trường Sa, phản ánh đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng, truyền thêm tình yêu biển, đảo đối với bạn đọc. Tuy chưa nhiều, nhưng báo Khánh Hòa cũng đã cố gắng giới thiệu gương điển hình tiên tiến, đó là những nông dân sản xuất giỏi, những người dân tự nguyện hiến đất làm đường, mô hình sản xuất mới... Những năm qua, báo Khánh Hòa đã giành nhiều giải thưởng cao tại Giải báo chí tỉnh, được bạn đọc đánh giá cao. Không tự bằng lòng với chính mình, cán bộ, công nhân viên Báo Khánh Hòa đang trăn trở để nâng cao chất lượng tờ báo, bám sát cơ sở để có những tin bài thời sự phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, đẩy mạnh công tác phát hành để tờ báo đến được nhiều hơn với bạn đọc...


Từ báo Thắng năm xưa đến báo Khánh Hòa hôm nay là một chặng đường dài. Trên hành trình 66 năm ấy, tuy có lúc thăng lúc trầm, nhưng những người làm báo Khánh Hòa từ thế hệ bút sắt bản in đá năm xưa đến thế hệ công nghệ máy tính hôm nay đều chung một lòng vì tờ báo, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa. Hy vọng rồi đây, báo Khánh Hòa sẽ tiếp tục phát triển, được bạn đọc yêu mến hơn.


THÀNH NGUYỄN