So với nhiều đô thị khác, TP. Cam Ranh còn rất trẻ. Nhưng chính sức trẻ đó đang giúp Cam Ranh vươn lên mạnh mẽ…
So với nhiều đô thị khác, TP. Cam Ranh còn rất trẻ. Nhưng chính sức trẻ đó đang giúp Cam Ranh vươn lên mạnh mẽ…
Thay đổi vượt bậc
Bà Võ Thị Mươi (77 tuổi, trú phường Cam Linh) nhớ lại: “Hồi xưa, Cam Ranh rất thưa người, kinh tế cũng không phát triển, người dân chủ yếu đánh bắt thủy sản; còn bây giờ, phố phường sầm uất, trường học, bệnh viện khang trang. Tôi rất vui khi được chứng kiến thành phố đổi thay từng ngày”. Ông Nguyễn Tấn Thành (42 tuổi, trú phường Cam Nghĩa) cho biết: “Cam Ranh bây giờ chẳng kém thành phố nào. Các dự án lớn liên tiếp được đầu tư. Siêu thị, bệnh viện, trường học có quy mô. Đời sống người dân ngày càng khá”.
Với việc đóng điện cho thôn đảo Bình Hưng (xã Cam Bình), Cam Ranh đã hoàn thành phủ kín lưới điện quốc gia trong năm 2012. |
Sau khi được công nhận thị xã (ngày 7-7-2000), Cam Ranh bắt đầu chuyển mình. Thay đổi mạnh mẽ nhất từ ngày 23-12-2010, khi Cam Ranh được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Chỉ trong khoảng 2 năm, thành phố đã có sự thay đổi vượt bậc. Cơ cấu kinh tế cũng thay đổi, chuyển dịch theo hướng công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp. Năm 2012, công nghiệp đã chiếm xấp xỉ 54% GDP toàn thành phố…
Năm 2012, tổng giá trị các ngành sản xuất của Cam Ranh tăng 16,2% so với năm 2011. Đáng chú ý, giá trị công nghiệp tăng 54,1%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 34,9%. |
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VinaShin) đã hoàn thành nhà máy đóng tàu giai đoạn 1 tại Cam Ranh, có thể đóng mới tàu trọng tải hơn 30 nghìn tấn. Năm vừa qua, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa khánh thành Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào (Cam Thịnh) với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, công suất 5 triệu sản phẩm/năm. Cảng Cam Ranh được xây dựng cầu cảng container cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn 30 nghìn tấn cập bến, khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 1,5 triệu tấn/năm. Cảng đang hoàn thành xây dựng cầu cảng tổng hợp và container cho tàu có trọng tải 50 nghìn DWT với công suất 3 triệu tấn/năm. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có đường băng dài hơn 3.000m và nhà ga hành khách hiện đại đang là lợi thế đáng kể của Cam Ranh. Năm 2012, sân bay này đón 1,2 triệu lượt khách thông quan (đứng thứ tư Việt Nam), trong đó có hơn 1.000 chuyến bay quốc tế với hơn 200.000 hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh. Quý I/2013, sân bay tiếp nhận 209.000 lượt hành khách (tăng 1,4% so với cùng kỳ), 1.395 lần cất hạ cánh, doanh thu đạt 54,3 tỷ đồng (tăng 16,25% so với cùng kỳ).
Hiện nay, thành phố đã có 3 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 900ha. Nghề nuôi tôm hùm lồng là lợi thế lớn trong các nghề nuôi biển của Cam Ranh. Đến nay, sản lượng đánh bắt thủy sản của thành phố đạt 20.000 tấn/năm. Riêng năm 2012, Cam Ranh có hơn 10.000 lồng, sản lượng trung bình đạt 450 tấn/năm. Trên địa bàn đã hình thành các cơ sở chế biến thủy sản lớn, hàng năm xuất khẩu đạt gần 16,5 triệu USD.
Đón du khách Nga tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. |
Cam Ranh cũng bắt đầu khai thác lợi thế bờ biển với chiều dài gần 50km và có nhiều cảnh đẹp tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái biển. Hiện nay, Khu du lịch sinh thái cao cấp sân golf Cam Lập, Khu nghỉ dưỡng Trà Long và một phần khu Bắc bán đảo Cam Ranh đã được quy hoạch hoàn chỉnh. Trên địa bàn có 7 khách sạn, 1 resort, hơn 30 nhà nghỉ... Hệ thống giao thông cũng được nâng cấp. Trường học dần chuẩn hóa từ mầm non tới các cấp phổ thông. Đời sống người dân được nâng lên (thu nhập bình quân đầu người năm 2012 gần 1.500 USD). Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 16,1%.
Triển vọng từ các dự án
Hiện nay, một số dự án đầu tư trọng điểm đã và đang triển khai tại Cam Ranh. Điển hình như: Nhà máy Đóng tàu Oshima (xã Cam Thịnh Đông) quy mô 304ha, chủ yếu đóng mới tàu chở hàng rời trọng tải 37 - 56 nghìn tấn. Nhà máy đang thực hiện giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công xây dựng năm 2015 và hoạt động năm 2017. Nhà máy Xi măng Công Thanh đang triển khai đầu tư xây dựng với công suất giai đoạn 1 đạt 150 tấn/giờ (tương đương 1 triệu tấn/năm). Dự án khu du lịch sân golf nghỉ dưỡng Cam Lập có quy mô 1.400ha, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng đã hoàn thành xong quy hoạch, đang được UBND tỉnh xem xét để quyết định cấp phép đầu tư. Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh của Công ty Cổ phần Du lịch Vinpearl cũng đang trình Chính phủ. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng tại tổ dân phố Trà Long, phường Ba Ngòi có quy mô 146ha đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai các bước đầu tư…
Hiện nay, nhiều học sinh ở Cam Ranh được học tập ở những trường khang trang, đạt chuẩn |
Một trong những thành quả đáng kể mà Cam Ranh làm được trong năm 2012 là phủ kín lưới điện quốc gia tới các thôn đảo. Nếu như năm 1993, chỉ có thị xã Ba Ngòi có điện thì năm 1998, thôn đảo Bình Ba (xã Cam Bình) đã kéo được lưới điện quốc gia. Chỉ 2 năm sau ngày Cam Ranh lên thành phố, ngày 10-12-2012, Bình Hưng - thôn đảo cuối cùng của Cam Bình, Cam Ranh cũng đóng điện thành công. Có điện, cuộc sống của người dân thôn đảo đã gần hơn với người dân ở đất liền. Nhớ lại ngày đầu tiên có điện, ông Lâm Tấn Hậu (thôn Bình Ba) phấn chấn: “Ngày đó, cả thôn đều phấn khởi. Từ khi có điện, cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt, nhiều gia đình sắm tivi, đồ điện tử; nhiều nhà còn kinh doanh dịch vụ Internet, đời sống khá hơn trước rất nhiều”.
Ông Đào Văn Hòa - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14 - 15%, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ, du lịch - nông nghiệp. |
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thí điểm tại 3 xã: Cam Bình, Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông đã cho kết quả khả quan. Từ chỗ chỉ đạt 4 - 5/19 tiêu chí, nay Cam Bình đã đạt 14 tiêu chí, Cam Thành Nam đạt 12 tiêu chí và Cam Thịnh Đông đạt 11 tiêu chí. Ông Lê Hoàng Phước - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết, đến năm 2015, 3 xã này sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. 3 xã còn lại là Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông và Cam Lập cũng đang tiếp tục triển khai chương trình. Thành phố cũng đã có nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia…
Hướng tới đô thị loại II
Ông Đào Văn Hòa - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, sắp tới, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nhằm góp phần xây dựng khu vực vịnh Cam Ranh thành trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh, để Cam Ranh sớm trở thành đô thị loại II.
Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, lượng hàng hóa thông qua cảng Cam Ranh đạt 2 triệu tấn/năm. Sân bay Cam Ranh dự kiến đón 2,5 triệu lượt khách/năm; Quy hoạch đến năm 2020, sân bay sẽ được mở rộng để bảo đảm 32 chỗ đỗ, giờ cao điểm có thể tiếp nhận 27 máy bay. Dự tính, khi kết thúc giai đoạn này, sân bay sẽ đón khoảng 5,5 triệu hành khách/năm; lượng hàng hóa tiếp nhận chừng 100.000 tấn/năm. Sân bay cũng sẽ được đầu tư xây dựng khu ga hành khách, ga hàng hóa và trung tâm khẩn nguy cứu hỏa cấp 9 với diện tích gần 3.000m2; hệ thống đường trục ra vào cảng rộng 4 làn xe, có dải phân cách. Hệ thống sân đỗ ô tô với diện tích 127.000m2. Đến năm 2030, sân bay có thể tiếp nhận khoảng 37 máy bay và có 36 chỗ đỗ vào giờ cao điểm. Lượng hành khách tiếp nhận lên tới 8 triệu lượt/năm, lượng hàng hóa tiếp nhận lên 200.000 tấn/năm...
Như một chồi non đã hé trên mảnh đất màu, Cam Ranh đang vươn lên mạnh mẽ từng ngày.
THIỀU HOA - THÀNH LONG