11:04, 01/04/2013

Đổi thay nơi chân sóng Vạn Thạnh

Trong ký ức của nhiều người, hơn 10 năm trước, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một miền quê nghèo khó. Giờ đây, mọi thứ đã đổi khác, Vạn Thạnh đang thay da đổi thịt từng ngày.

Trong ký ức của nhiều người, hơn 10 năm trước, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một miền quê nghèo khó. Giờ đây, mọi thứ đã đổi khác, Vạn Thạnh đang thay da đổi thịt từng ngày.

Sau hơn 2 giờ đi xe máy từ Nha Trang, biển Đầm Môn, xã Vạn Thạnh hiện trong tầm mắt chúng tôi. Đầm Môn đẹp như một bức tranh thủy mặc, biển xanh trong và tĩnh lặng. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu cuộc sống của người dân trong xã, ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh giới thiệu đến thôn Khải Lương và Vĩnh Yên, 2 nơi thể hiện rõ nhất sự khởi sắc của địa phương.

Diện mạo mới

1
Mặt tiền thôn đảo Khải Lương khang trang hơn nhờ có bờ kè chắn sóng.

Để đến được thôn Khải Lương, từ UBND xã Vạn Thạnh, chúng tôi đi tàu trên biển hơn 1 giờ. Đón chúng tôi nơi cầu tàu, ông Trần Ngọc Sương - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Khải Lương khoe về công trình bờ kè chắn sóng vừa mới hoàn thành. Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân thôn đảo Khải Lương. Được đầu tư 3,6 tỷ đồng, kè chắn sóng đã giúp người dân rất nhiều trong việc đi lại, làm ăn và bảo vệ nhà cửa. Đặc biệt, mặt tiền của thôn đảo cũng vì thế mà khang trang hơn. Phóng tầm mắt về phía xa, những ngôi nhà mới với mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát. Đi dọc thôn đảo, chúng tôi thực sự cảm nhận được vẻ trù phú của Khải Lương. Các tuyến đường chính được bê tông hóa thẳng tắp và sạch sẽ. Tuy là một thôn nhỏ nhưng có đến 2 cơ sở sản xuất nước đá với công suất 200 cây/ngày. Từ năm 2001, người dân Khải Lương đã được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia nên 100% hộ dân ở đây đều sắm ti vi, tủ lạnh để phục vụ sinh hoạt. Điện thoại, hệ thống Internet cũng đang phát triển mạnh mẽ.  

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trình độ dân trí ở thôn đảo Khải Lương thuộc dạng khá. Ở đây, nhiều người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, thậm chí còn có 1 thạc sĩ. Hiện nay, Trường Tiểu học Vạn Thạnh có 15 lớp học với 242 học sinh. Tình trạng học sinh bỏ học rất hiếm. Tất cả các em sau khi học hết tiểu học đều được cha mẹ đưa vào đất liền để học tiếp lên bậc trung học cơ sở. Một điều khá thú vị ở thôn đảo Khải Lương, đó là không khí tĩnh lặng. Trong không gian đó, tiếng cô giáo giảng bài, tiếng học sinh tập đọc vang lên tạo nên một khung cảnh thanh bình, ấm áp. Hỏi ra mới biết, đàn ông đi biển, nuôi tôm, trẻ con đi học, còn phụ nữ trong thôn hầu hết đi làm cho Công ty Ngọc trai Sài Gòn. Ông Nguyễn Thọ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Khải Lương tâm sự: “Toàn thôn có 290 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu, nghề chính là đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Nếu như năm 2012, toàn xã Vạn Thạnh đánh bắt được 1.550 tấn hải sản, vượt chỉ tiêu 11% thì thôn đảo Khải Lương đã chiếm hơn 50% sản lượng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đầu tư nuôi tôm hùm, đã thu hoạch gần 200 tấn. Trước kia, đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà lo nội trợ; bọn trẻ thường bỏ học giữa chừng để tập làm quen với sóng nước. Hiện nay, phụ nữ đã đi làm cho doanh nghiệp, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn”. Nhìn vẻ mặt tự hào của ông, chúng tôi biết Khải Lương không chỉ đổi thay về kinh tế, cơ sở vật chất, mà trong nếp nghĩ, họ cũng đã vượt qua những tâm lý cố hữu của ngư dân miền biển.

1
Một góc khu tái định cư Vĩnh Yên.

Rời Khải Lương, chúng tôi quay về đất liền, ghé thăm thôn Vĩnh Yên. Ở đây, những con đường thẳng tắp, những căn nhà khang trang nằm sát nhau. Cách đây không lâu, Vĩnh Yên còn là một xóm nhỏ với những mái nhà lụp xụp trên đồi cát trắng; còn giờ đây, Vĩnh Yên đã mang dáng dấp của một phố thị với trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế và nhiều cơ sở hạ tầng khác đã và đang được xây dựng khang trang. Ông Trần Thông - Trưởng thôn Vĩnh Yên cho biết: “Thôn Vĩnh Yên được xây dựng mới toàn bộ để làm nơi tái định cư cho khoảng 8.000 nhân khẩu phục vụ các dự án trong Khu Kinh tế Vân Phong. Hiện nay, toàn thôn có 110 hộ, hệ thống cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh. Người dân đến đây sống được hưởng điều kiện không kém những khu đô thị trong tỉnh”. Đến thôn Vĩnh Yên, điều ai cũng dễ dàng nhận ra là nhà nào cũng khang trang với đầy đủ tiện nghi. Ghé thăm gia đình ông Hồ Lắc (mới chuyển về sinh sống tại đây), ông phấn khởi cho biết: “Ngày trước, cuộc sống của gia đình tôi rất vất vả. Sau khi di dời và tái định cư tại đây, cuộc sống gia đình đã đổi khác. Với 400 triệu đồng được Nhà nước đền bù, tôi dành một nửa để xây nhà và mua sắm các phương tiện sinh hoạt, số tiền còn lại đầu tư vào làm ăn”. Niềm vui về sự đổi thay của ông Hồ Lắc cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình ở thôn Vĩnh Yên. Suốt cuộc đời của những người dân gắn mình với biển, đâu mấy ai ngờ có một ngày được sống trong khu dân cư hiện đại như hôm nay. Cuộc sống mới đang thắp lên trong họ những hy vọng về một tương lai xán lạn.

Tiềm năng cần được đánh thức

Nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh có vị thế rất thuận lợi để phát triển du lịch. Biển Đầm Môn đẹp, xanh trong. Người Đầm Môn rất hiếu khách. Họ luôn sẵn lòng bán tôm hùm và cá bớp với giá hữu nghị cho du khách. Tại Đầm Môn, còn có những đồi cát mịn màng. Nếu đi ra xa bờ một chút, du khách sẽ gặp những rạn san hô ngầm muôn màu muôn vẻ nằm chỉ cách mặt nước từ 3 đến 5m, tạo nên những hang động kỳ ảo như thủy cung, đây là lợi thế để phát triển du lịch lặn biển.

1
Cô và trò Trường Tiểu học Vạn Thạnh 2.

Cách Đầm Môn không xa là Mũi Đôi - tên của hai mũi đá nhô ra biển thuộc bán đảo Hòn Gốm, được coi là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ. Năm 2005, nơi này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia.

Ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Trong phương hướng sắp tới, phát triển nuôi trồng thủy sản vẫn là chủ lực của xã Vạn Thạnh. Huyện sẽ quy hoạch lại vùng nước nuôi trên vịnh Vân Phong, phân lô mặt nước để người dân sử dụng nuôi trồng thủy sản một cách bài bản, khoa học. Bên cạnh đó, huyện sẽ có kế hoạch để phát huy tiềm năng du lịch trên vịnh Vân Phong. Ngày 21-3, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã trình UBND tỉnh xem xét phương án cấp điện cho các thôn đảo Điệp Sơn và Ninh Đảo của xã Vạn Thạnh. Khi 2 thôn đảo này có điện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngoài hai địa chỉ trên, xã Vạn Thạnh còn có nhiều địa điểm du lịch rất hấp dẫn như: bãi Tây, bãi Hồ Na, Hòn Ông, Sơn Đừng... Trong đó, Sơn Đừng là một câu chuyện “cổ tích” rất hấp dẫn mà bất kỳ ai tìm tới cũng muốn khám phá. Trong đó, đến nay, bí mật về dòng nước ngọt trên bãi biển vẫn chưa ai giải mã được. Giếng đào trên đất này không dùng được, nhưng trên bãi Sơn Đừng, chỉ cần đào hố cát nhỏ cách mép nước biển chừng năm sáu gang tay, tức thì nước ngọt trào lên. Ông Trương Thái Hùng chia sẻ, tuy Vạn Thạnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nhưng hiện nay mới chỉ có 4 nhà đầu tư khai thác du lịch, trong đó chỉ có 1 nhà đầu tư khai thác bài bản, còn lại chỉ ở mức cầm chừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: “Xã Vạn Thạnh đã phát triển vượt bậc so với 5 năm trước. Tuy huyện rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho Vạn Thạnh nhưng sự phát triển của địa phương này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Người dân địa phương chưa biết làm du lịch, chưa biết khai thác thế mạnh của mình”. Được biết, UBND huyện Vạn Ninh đã lập dự án xây dựng kè bờ biển thị trấn Vạn Giã, giải tỏa 298 hộ dân nơi đây để làm công viên bờ biển, xây cầu tàu du lịch để rút ngắn thời gian ra các đảo, mong đảo xa sớm "gần" lại với đất liền. Khi biết tin vui này, ông Nguyễn Thọ rất hồ hởi: “Vịnh Vân Phong có mực nước sâu, có vị trí tránh gió, bão rất tốt. Tôi mong muốn trên thôn đảo Khải Lương có các dịch vụ cung cấp xăng dầu, nước ngọt, đá ướp, thực phẩm... cũng như có dịch vụ thu mua hải sản, chế biến để thuận lợi hơn cho tàu đánh bắt dài ngày trên biển. Nếu thị trấn Vạn Giã có cầu tàu du lịch, đảo sẽ “gần” hơn với đất liền. Khi đó, khách du lịch sẽ đến với Vạn Thạnh nhiều hơn. Người dân nơi đây sẽ đẩy mạnh làm du lịch, mang các sản phẩm làm ra để phục vụ du lịch...”.

Đứng bên bờ biển Vạn Thạnh, gió trùng khơi lồng lộng thổi vào. Chúng tôi nghe vị mặn mòi của biển. Giữa tiếng gió rì rào ấy có những lời ca về tương lai tươi sáng và sự đổi thay đang diễn ra từng ngày ở nơi đây. Hy vọng, trong tương lai không xa, Vạn Thạnh sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

THU HIỀN - ĐÌNH LÂM