07:04, 03/04/2013

Hội ngộ nơi chiến trường xưa

Núi Chín Khúc (xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) từng là một căn cứ trong suốt 2 cuộc kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa. Hết chống Pháp rồi chống Mỹ, hàng trăm người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã về đây lập căn cứ kháng chiến.

Núi Chín Khúc (xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) từng là một căn cứ trong suốt 2 cuộc kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa. Hết chống Pháp rồi chống Mỹ, hàng trăm người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã về đây lập căn cứ kháng chiến. Ngày ấy, các anh, các chị đã không tiếc tuổi xuân, bất chấp gian khổ, không sợ hy sinh, quyết sống mái với quân thù cho Tổ quốc trường tồn.


Hàng năm, Hội Những người Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến vẫn hội ngộ với nhau tại chiến trường xưa bên núi Chín Khúc. Năm nay, cuộc gặp mặt không đông vui như mọi năm. Ông Nguyễn Thành Long - Trưởng Ban liên lạc vừa bước sang tuổi ngoài “thất thập”, nguyên là chiến sĩ biệt động, từng tổ chức hàng chục trận đánh lớn nhỏ vào sào huyệt bọn Mỹ ngụy ở Nha Trang, nhiều lần được tặng danh hiệu dũng sĩ cho biết: Năm nay, cuộc gặp mặt truyền thống Hội Những người Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến không đông như mọi năm, chỉ còn khoảng 80 người…


Không ai có thể cưỡng lại quy luật của tạo hóa, cứ mỗi lần gặp mặt, lại thấy vơi đi một ít. Ai nấy tóc đã bạc, răng đã long, da đã đồi mồi, chỉ còn ánh mắt và nụ cười là vẫn rạng rỡ. Năm nay, người kỳ cựu nhất từ thời chống Pháp chỉ còn ông Bùi Hồng Thái, 83 tuổi, nguyên Bí thư Thị ủy Vĩnh Trang, Bí thư Huyện ủy Cam Ranh trong kháng chiến chống Mỹ và Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới; còn lại là anh em tham gia chống Mỹ với khá nhiều gương mặt quen thuộc như các ông, bà: Nguyễn Hồng Quân - nguyên Ủy viên Thường vụ, Thị đội trưởng thị xã Vĩnh Trang (nay là TP. Nha Trang); Nguyễn Thị Hạnh - Thường vụ Thị ủy phụ trách công tác đấu tranh hợp pháp; Nguyễn Xuân Minh - Chánh văn phòng Thị ủy; Ngũ Hữu Lợi - Đội trưởng; Nguyễn Danh Bôn - chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 407; Huỳnh Dũng Tiến - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn chủ lực 407 của tỉnh; Đặng Đức Long - Đội trưởng Đội công tác Vùng 5; Võ Cao Lầu - cán bộ; Nguyễn Thị Anh Thư - phụ trách Đội công tác bàn đạp tại xã Diên An; Lê Quý - phụ trách phong trào học sinh, sinh viên sau Mậu Thân; Nguyễn Thị Đào - biệt động thành phố...

 Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ bên bờ suối Chín Khúc.
Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ bên bờ suối Chín Khúc.


Sau khi thắp nhang lên bàn thờ có lá cờ Tổ quốc đặt ngay bên dòng suối để tưởng niệm đồng chí, đồng đội đã hy sinh, những chiến sĩ năm xưa lại tụ hội dưới mái lán che dã chiến, trong khu vườn mượt mà hoa trái để ôn lại từng kỷ niệm nơi chiến trường xưa. Ông Nguyễn Thành Long bồi hồi: Vùng đất An Ninh, Võ Kiện, Cây Dầu đôi, Vườn Trầu, Bến nước... từng chứng kiến biết bao sự hy sinh, đổ máu của đồng bào, đồng chí. Ngay dòng suối Chín Khúc bây giờ, đồng đội đã đặt cho nó cái tên mới: Suối Mạnh Hùng, bởi nơi ấy, ngày 14-10-1973, Thiếu úy Mạnh Hùng và 8 đồng đội của anh đã ngã xuống trong một trận phục kích của quân thù.


Các chiến sĩ lão thành hồi tưởng và nhắc lại kỷ niệm của những năm tháng hạt muối chia đôi, bó rau xẻ nửa, chung nhau từng lon gạo, viên thuốc. Rồi những đêm tối trời, giao liên đưa bộ đội qua sông, vượt bãi bom mìn của địch. Khi thấy pháo sáng của địch, nghe tiếng súng nổ của bọn đi càn, các mẹ, các em giao liên thao thức chờ đợi, trông tin. Nhiều đêm, ngọn đèn thay mẹ đứng gác trước sân nhà (đèn lu - có địch; đèn sáng - bình yên), những người chiến sĩ cứ thế mà ứng xử mỗi khi xuống núi. Tất cả đều vẫn nhớ như in những ngày được các mẹ canh chừng giấc ngủ dưới hầm bí mật. Địch lùng sục suốt ngày đêm nhưng “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”. Chỉ 2m2 hầm cho 4, 5 người, ngày ăn cơm vắt, uống nước chai, ngắm bầu trời qua lỗ thông hơi nhỏ xíu. Nhưng từ đó, đêm đêm, những đứa con quả cảm ấy đã vùng lên thành những đoàn quân làm kẻ thù kinh hồn bạt vía... Ngày 2-4-1975 là ngày đi vào lịch sử Nha Trang - Khánh Hòa và cũng là ngày không bao giờ quên của những người từ chiến khu Đồng Bò, núi Chín Khúc.


Chín Khúc - Đồng Bò bây giờ


Chiến tranh đã trôi qua 38 năm, Đồng Bò (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) và Chín Khúc (xã Diên An) bây giờ đã có nhiều đổi khác. Từ Diên An, con đường 23-10 nối liền Nha Trang với thị trấn Diên Khánh tạo nên trục giao thông huyết mạch suốt hơn một chục cây số. Phước Đồng cũng chẳng hề thua kém, đại lộ Nguyễn Tất Thành đã mở ra, dài gần 40km từ trung tâm Nha Trang đi qua Phước Đồng, vào mũi Cù Hin, Bãi Dài, đến tận sân bay quốc tế Cam Ranh. Những trục giao thông quan trọng đó đã tạo điều kiện phát triển các khu vực xung quanh, tạo tiền đề để Chín Khúc - Đồng Bò chuyển mình phát triển.


Những người thuộc thế hệ Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến dù tuổi cao, sức yếu vẫn luôn tự hào, phát huy và giữ gìn truyền thống những năm tháng kháng chiến. Nhiều người trong số họ vẫn tâm huyết với nhiệm vụ cách mạng, vẫn mang hào khí năm xưa vào công việc, hăng hái, nhiệt tình như những năm tháng sống và chiến đấu tại chiến khu Chín Khúc - Đồng Bò.


NGUYỄN XUÂN