Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng viễn thông, những năm gần đây, người dân không còn mặn mà với việc sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định, thư tín… ở các điểm Bưu điện Văn hóa xã.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng viễn thông, những năm gần đây, người dân không còn mặn mà với việc sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định, thư tín… ở các điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX). Chính vì thế, hiện nay, nhiều điểm BĐVHX thường xuyên đóng cửa.
Bảng hiệu Bưu điện Văn hóa xã Giang Ly đã bị gãy đổ. |
Từ năm 1998 đến 2007, Bưu điện tỉnh đã xây dựng 87 điểm BĐVHX, trong đó có 24 điểm ở miền núi, hải đảo để cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông (điện thoại, tem thư, thẻ sim…) kết hợp với việc phổ biến thông tin, cung cấp sách báo miễn phí cho người dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Cửa BĐVHX Khánh Trung đã bị bể kính. |
Tiêu điều Bưu điện văn hóa xã miền núi
Một ngày đầu tháng 4-2013, chúng tôi đến BĐVHX của xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh). Tuy 9 giờ sáng nhưng cửa bưu điện vẫn im ỉm khóa, dù hôm đó là Thứ ba. Tấm bảng hiệu bạc màu không còn rõ chữ đã hé lộ phần nào số phận hẩm hiu của nó. Tìm đến nhà bà Trần Thị Việt (người trông coi bưu điện), chúng tôi thấy bà đang giữ cháu nội. Hỏi chuyện BĐVHX, bà Việt cho biết: Ở bưu điện có 2 máy điện thoại bàn đều bị hỏng nhưng bên bưu điện không sửa vì chẳng có khách; sách cũng được vài chục cuốn nhưng không ai đọc. “Bây giờ, các mạng viễn thông phủ khắp, con nít mười mấy tuổi cũng có điện thoại di động, có ai gọi điện thoại bàn đâu. Thư tín cũng không ai gửi, nhận về 20 con tem mà cả 2 tháng vẫn bán không hết”, bà Việt bày tỏ. Theo bà Việt, Bưu điện tỉnh quy định thù lao của nhân viên BĐVHX là 650.000 đồng/tháng (gắn với chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu hàng tháng), ngoài ra còn có tiền hoa hồng các dịch vụ. Nhưng do không có doanh thu nên mỗi tháng, bà chỉ nhận được khoảng hơn 400.000 đồng.
BĐVHX Khánh Thượng lèo tèo vào cuốn sách. |
15 giờ chiều, chúng tôi đến BĐVHX Khánh Thượng. Anh Mấu Văn Tuy (nhân viên bưu điện) đang nằm ngủ với đứa con gái khoảng hơn 3 tuổi trên nền nhà, xung quanh báo chí vứt bừa bãi. Hình như lâu lắm không có ai vào đây bởi tủ sách đầy bụi, buồng điện thoại cũng đã hỏng chỉ còn 1 cái điện thoại bàn để bên ngoài nhưng máy tính tiền đã “chết” từ bao giờ… Thấy tôi bước vào, anh Tuy ngại ngần cho biết: “Em nhận trông coi bưu điện từ năm 2010 đến nay, không có chỗ ở nên dọn vào ở luôn trong này. Ngoài việc trực, em còn nhận luôn việc phát bưu phẩm, đưa báo cho trường học, trạm y tế xã…”. Khi tôi đề nghị xem sách, phải rất khó khăn anh Tuy mới mở được cánh cửa tủ, bởi dường như đã khá lâu không ai đụng đến tủ sách; sách lèo tèo, để lộn xộn. Anh Tuy cho biết: “Mỗi tháng, chỉ có 1 đến 2 học sinh ghé qua mượn truyện, nhưng lâu rồi cũng không thấy đến vì không có sách mới”. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Tuy lật cuốn sổ theo dõi độc giả năm 2013 vẫn trống trơn, năm 2012 có 2 người đến mượn sách về nhà…
BĐVXH Giang Ly còn xuống cấp trầm trọng hơn. Tấm biển hiệu được làm từ ngày ngành Bưu chính - Viễn thông chưa chia tách đã bị gãy đổ nằm gác xiên hai bên trụ cửa, chiếc cổng sắt rỉ rét bị hư hỏng nên đã được tháo ra xếp dọc tường rào. Bên trong, trần nhà bưu điện đã bị bong tróc, buồng điện thoại được khiêng ra để sau nhà vệ sinh. Chị Lê Thị Lan, người giữ BĐVHX Giang Ly cho biết, chị vừa nhận việc ở đây từ cuối năm 2012, còn trước đó bưu điện đóng cửa vì không có người làm. “Tiếng là bưu điện nhưng ở đây chẳng có trang thiết bị gì. Thấy cái buồng điện thoại để không, tôi khiêng ra ngoài cho rộng. Sách báo chả có bao nhiêu nên rất ít người đọc”, chị Lan nói. Chị nhận việc ở đây là để kiếm thêm, còn công việc chính của chị là tạp vụ của trường mầm non gần đó…
Chị Phạm Ly Hương - độc giả hiếm hoi đến BĐVHX Sơn Thái mượn sách. |
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thơm Xuân - Giám đốc Bưu điện Khánh Vĩnh cho biết: Toàn huyện có 13 điểm BĐVHX, hầu hết đang gặp khó khăn. “Lượng người đến bưu điện để đọc sách, báo ngày càng ít… Thực tế, BĐVHX đã không còn là kênh tuyên truyền hiệu quả về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước như trước đây”. Một ngày đi khảo sát các điểm BĐVHX ở Khánh Vĩnh, độc giả duy nhất tôi gặp là chị Phạm Ly Hương đến BĐVHX Sơn Thái để mượn sách về đọc. Đây cũng là điểm bưu điện hoạt động khá nhất ở huyện miền núi này. Ở BĐVHX Sơn Thái, điện thoại bàn không còn, có 8 máy tính nhưng đã hỏng đến 7 cái, cái duy nhất còn hoạt động thì không thể kết nối Internet. Do nằm cạnh trường học nên BĐVHX Sơn Thái có nhiều độc giả hơn. Vì thế, đến nay, nơi này vẫn được Thư viện tỉnh luân chuyển sách mới (2 tháng/lần). Chị Hoàng Thị Đại - nhân viên BĐVHX Sơn Thái cho biết: “Tôi làm ở đây cũng chỉ để có chỗ ở, chứ thu nhập chẳng được là bao. Tôi phải mở bán thêm hàng tạp hóa cho học sinh để kiếm thêm”.
Ở huyện miền núi Khánh Sơn, các BĐVHX cũng gặp khó khăn không kém. Ông Phạm Văn Hợp - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết: Hoạt động của các điểm BĐVHX ở Khánh Sơn ngày càng kém hiệu quả. Lượng khách đến với các điểm bưu điện ngày càng ít, sách báo đem về không ai đọc, thu nhập của nhân viên BĐVHX sút giảm nên nhiều người không mặn mà với công việc... “Các BĐVHX ở miền núi đang “hấp hối”, muốn vực dậy hoạt động của bưu điện lúc này thật không dễ”, ông Hợp nói.
Đồng bằng ráng sức cầm cự
Người dân đến giao dịch tại BĐVHX Ninh Quang. |
Ngày 8-4, chúng tôi đến các BĐVHX ở thị xã Ninh Hòa. Nằm ngay trung tâm xã, BĐVHX Ninh Quang mở kết hợp với quầy giao dịch của VNPT nên được sắp xếp rất ngăn nắp, mở cửa theo giờ hành chính. Chị Nguyễn Thị Thu Trang (người gắn bó với điểm bưu điện này từ năm 1999) cho biết: “Hiện tại, khách hàng truyền thống của BĐVHX rất ít, thỉnh thoảng mới có người đến gửi thư, bưu phẩm. Do ở đây rất nhiều hộ có Internet nên chỉ một số ít người đến mượn sách, báo về đọc, không có người đọc tại chỗ”. Hiện nay, chị cũng như những người làm BĐVHX đều trông chờ thu nhập từ việc bán card điện thoại, làm công tác phát thư báo. “Nguồn thu từ dịch vụ bưu chính rất thấp (có tháng chưa đến 100 ngàn đồng) nên chúng tôi phải tìm kiếm nguồn thu bằng việc bán card điện thoại. Những ngày có khuyến mãi, mình phải ra chợ, đến UBND xã, trường học để chào mời những người quen…”, chị Trang nói.
Cùng với Ninh Quang, BĐVHX Ninh Bình đang là một điểm sáng. Bên cạnh các dịch vụ bưu chính viễn thông, anh Đặng Bình Minh (nhân viên bưu điện) tận dụng mặt bằng mở thêm dịch vụ photocopy. “Nhờ có dịch vụ này nên lượng khách hàng đến đây đông hơn, báo chí cũng có độc giả hơn những điểm khác”, anh Minh cho biết. Ở Ninh Hòa, ngoài 2 điểm trên, các điểm BĐVHX: Ninh Đông, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Phụng cũng có nguồn thu cao từ tiền bán card. Cá biệt, từ khi cơn sốt “thần dược” xáo tam phân nổi lên, BĐVHX Ninh Vân luôn có doanh thu cao về dịch vụ EMS (tháng 1-2013 lên đến 17 triệu đồng). Người phụ trách BĐVHX Ninh Vân cho biết: “Khách hàng đến bưu điện xã chủ yếu để gửi “thần dược” đi các nơi”…
Ở TP. Nha Trang, BĐVHX Vĩnh Hiệp nằm cạnh cầu Dứa (đường 23-10), cỏ dại bên ngoài bờ tường mọc um tùm nhưng nhân viên không dọn, cửa vào bưu điện im ỉm khóa. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các BĐVHX: Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương… Ở huyện Cam Lâm, tình hình còn tệ hơn. Đến thời điểm này, Cam Lâm có 4/10 điểm BĐVHX phải đóng cửa vì không tìm được nhân viên. 6 điểm còn lại doanh thu khá thấp. Ở TP. Cam Ranh và huyện Vạn Ninh, hoạt động của các BĐVHX cũng không khả quan…
Sẽ vực dậy các điểm BĐVHX
Trao đổi với phóng viên, bà Ung Thị Vân - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh thừa nhận, hoạt động của các điểm BĐVHX trên toàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn; đó cũng là tình trạng chung trong cả nước. “Sự phát triển mạnh mẽ của các mạng viễn thông khiến nhu cầu sử dụng điện thoại và thư tín ngày càng giảm, lượng khách hàng truyền thống ngày càng ít kéo theo sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập của nhân viên BĐVHX”, bà Vân giải thích. Từ năm 2008, khi ngành Bưu chính - Viễn thông được chia tách, các BĐVHX hầu như không được đầu tư, sửa chữa, thu nhập thấp khiến nhân viên không mặn mà với công việc, thậm chí nhiều người đã bỏ việc. Ông Phạm Ngọc Dũng - cán bộ Bưu điện tỉnh cho biết: “Ở thời điểm cuối năm 2011, có 12 điểm BĐVHX phải đóng cửa vì không tìm được nhân viên thay thế. Hiện nay, tình hình đã khá hơn, nhưng vẫn còn 6 điểm phải đóng cửa”.
Theo bà Vân, hiện nay, Bưu điện tỉnh đã rà soát lại toàn bộ các điểm BĐVHX trên địa bàn, từ đó phân loại, xác định những điểm sẽ chỉ duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và những điểm có khả năng kinh doanh. Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại những điểm này để nâng cao thu nhập cho nhân viên làm việc tại đây. Bên cạnh đó, BĐVHX đã được chọn làm điểm để triển khai dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam (do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ). Theo đó, Khánh Hòa sẽ có 21 điểm BĐVHX được trang bị máy tính (5 bộ máy tính/điểm), ngoài ra còn có 4 điểm dự phòng. Trong chương trình mục tiêu quốc gia Đưa thông tin về cơ sở xã phường, vùng sâu vùng xa, Khánh Hòa có 22 điểm BĐVHX được cung cấp sách, báo… phục vụ người dân. “Tới đây, mức thu nhập của nhân viên BĐVHX sẽ được nâng lên 850.000 đồng/tháng. Ngoài ra, khi triển khai dự án nói trên, nhân viên BĐVHX sẽ có thêm phụ cấp. Chúng tôi hi vọng, các dịch vụ mới sẽ lôi kéo được người dân đến với BĐVHX, từ đó phát huy giá trị phục vụ công ích của nó”, bà Vân nói.
XUÂN THÀNH
Bà Ung Thị Vân - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh: “Hiện nay, Bưu điện tỉnh đang làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện chi trả lương hưu tại các điểm BĐVHX, triển khai các dịch vụ thu hộ nhằm thu hút lượng khách hàng đến với các điểm BĐVHX cao hơn, theo đó lượng độc giả sẽ tăng lên”.
Bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh: “Hiện tại, ngành Thư viện chỉ còn luân chuyển sách đến 4 điểm BĐVHX. Theo tôi, để việc tổ chức đọc sách báo tại BĐVHX có hiệu quả, ngành Bưu điện cần chỉnh trang lại cơ sở vật chất, chủ động thực hiện việc luân chuyển sách, gắn trách nhiệm của nhân viên với hiệu quả công việc, hàng năm có đánh giá việc phục vụ bạn đọc… Khi nào BĐVHX góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa thì lúc đó bưu điện mới tồn tại đúng nghĩa”.