Trong chuyến công tác dài ngày vào đầu năm 2013 trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe kể và chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của những người lính quân y với ngư dân đánh bắt xa bờ.
Trong chuyến công tác dài ngày vào đầu năm 2013 trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe kể và chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của những người lính quân y với ngư dân đánh bắt xa bờ.
Đại úy, bác sĩ (BS) Đặng Hồng Nam (đảo Phan Vinh) cho biết, số lượng ngư dân ra đánh bắt hải sản tại vùng biển Trường Sa ngày càng đông. Mùa biển động, tàu thuyền bị nạn nhiều, bộ đội trên các đảo phải điều ca nô ra cứu hộ, cứu nạn. Các ngư dân được đưa lên đảo cứu chữa, tặng quần áo, bổ sung lương thực, thực phẩm, nước ngọt... Đảo thực sự là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. “Ngư dân đánh bắt xa bờ thường bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, đặc biệt nhiều trường hợp đau ruột thừa phải mổ. Tôi vẫn nhớ như in vào cuối tháng 9-2012, một buổi sáng tinh mơ, kẻng báo thức vừa cất lên thì có tín hiệu tàu ngư dân Quảng Ngãi báo cứu. Cán bộ, chỉ huy trên đảo điều động tàu ra cứu nạn, đưa ngư dân bị đau ruột thừa lên đảo cấp cứu. Bệnh nhân hôn mê, tình trạng rất nguy kịch. Tuy điều kiện y tế trên đảo gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi cùng với đội ngũ y bác sĩ y BS đã thực hiện ca phẫu thuật thành công”, Đại úy Đặng Hồng Nam chia sẻ.
Anh Tô Ngọc Anh (ngư dân Quảng Ngãi) được BS trên đảo Tốc Tan A điều trị vết thương. |
Anh Nam cho biết, chỉ tính riêng từ tháng 9 đến 12-2012, bệnh xá của đảo Phan Vinh đã khám và điều trị cho hơn 300 bệnh nhân là ngư dân các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi… cùng chiến sĩ ở các đảo chìm Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh B.
Với BS Đậu Văn Tình (48 tuổi, công tác tại đảo Núi Le B), người có 25 năm làm việc ở Trường Sa thì kỷ niệm anh không thể quên là những ca mổ ngay dưới tầng hầm của đảo chìm, bởi diện tích của đảo không đủ chỗ để làm bệnh xá. “Gặp ca cấp cứu ngoại khoa như chấn thương ổ bụng, dập tạng, BS sẽ điện thoại về Bệnh viện 175 trong đất liền để được tư vấn điều trị. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của kíp mổ, bệnh nhân đã được cứu sống”, BS Tình cho biết. Mới đây, khi thực hiện ca cấp cứu ruột thừa cho chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, do thiết bị thiếu thốn, diễn biến bệnh phức tạp nên chỉ huy đảo phải liên hệ đưa bệnh nhân sang đảo Phan Vinh để cấp cứu. “Cách nhau có hơn 7 hải lý nhưng do sóng to, biển động nên phải mất 7 giờ vừa di chuyển, vừa sơ cứu mới đưa được bệnh nhân cập đảo an toàn để thực hiện ca phẫu thuật”, BS Tình nhớ lại.
Cung cấp nước ngọt cho ngư dân đánh bắt hải sản tại quần đảo Trường Sa. |
Nhập ngũ tháng 2-1995, đến năm 2000, BS Thái Đàm Lương ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Khắp các đảo Nam Yết, Thuyền Chài, Trường Sa Lớn… đều in dấu chân của BS. Hiện nay, anh đảm nhận vai trò BS nội khoa trên tàu Quân y HQ 561 - Khánh Hòa 01 (Vùng 4 Hải quân). Không nhớ đã chữa bao nhiêu ca, cứu sống bao nhiêu ngư dân và chiến sĩ bị đau ruột thừa, gãy tay khi làm việc trên biển, nhưng với anh, đáng nhớ nhất là sáng sớm một ngày đầu năm 2003, khi đang ở đảo Thuyền Chài C thì thấy có tàu cá vào đảo. Bệnh nhân là ngư dân quê ở Bình Thuận, bị ngộ độc do ăn rùa lửa (một loài rùa biển cực độc). “Huyết áp, mạch của bệnh nhân không đo được. Biết chắc chắn bệnh nhân bị mất nước điện giải do tiêu chảy nên chúng tôi đã tiến hành lấy ven, đặt đường truyền… 2 giờ sau, huyết áp và mạch của người bệnh dần hồi phục, ai cũng thở phào”, BS Lương kể.
BS Thái Đàm Lương chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ trên tàu Quân y Khánh Hòa 01. |
Có lẽ, điều những người lính quân y nơi tuyến đầu Tổ quốc cảm thấy hạnh phúc nhất là thực hiện thành công những ca phẫu thuật, giúp ngư dân bị nạn được chữa trị kịp thời. Còn với những ngư dân đánh bắt xa bờ, họ luôn yên tâm bởi ở nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi khi gặp nạn đều được bộ đội tận tình giúp đỡ. Anh Tô Ngọc Anh, thuyền viên tàu cá QNg 95057 (Quảng Ngãi) - người được các BS trên đảo Tốc Tan A chữa trị tâm sự: “Với chúng tôi, những người lênh đênh trên biển dài ngày, đảo giống như nhà của mình, các BS, y sĩ ở Trường Sa như người “mẹ hiền”. Mỗi khi gặp nạn hay thiếu nước ngọt, chúng tôi đều được bộ đội trên đảo tận tình giúp đỡ. Nếu không có các anh thì biết bao người đã bỏ mạng ở biển khơi”.
Chính những tình cảm sâu nặng ấy đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân; hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Mạnh Hùng