Theo kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên (GV) phổ thông tiếng Anh tỉnh Khánh Hòa, thực hiện cuối năm 2012, khoảng 1/4 GV đạt trình độ B2, tương đương với chuẩn tối thiểu đối với GV tiểu học...
Theo kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên (GV) phổ thông tiếng Anh tỉnh Khánh Hòa, thực hiện cuối năm 2012, khoảng 1/4 GV đạt trình độ B2, tương đương với chuẩn tối thiểu đối với GV tiểu học. Đây là thực trạng chung, không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa, đang ảnh hưởng đến sự thành, bại của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Năng lực giao tiếp chính là mục đích cơ bản, cuối cùng của việc day và học ngoại ngữ hiện đại. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh theo chuẩn chung châu Âu do Trung tâm đào tạo Khu vực tại Việt Nam thuộc Tổ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục (GD) các nước Đông Nam Á tổ chức, trong số 384 GV phổ thông toàn tỉnh tham gia, chỉ có 94 GV đạt cấp độ B2, 258 GV đạt trình độ B1, tương đương với cấp độ ngôn ngữ cần đạt của học sinh (HS) học tiếng Anh xong bậc THPT; 26 GV đạt trình độ A2, cấp độ ngôn ngữ cần đạt của HS học xong bậc THCS và 6 GV đạt trình độ A1 (cấp độ ngôn ngữ cần đạt của HS học xong bậc tiểu học).
Kết quả này cho thấy năng lực tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói của GV ngoại ngữ còn rất hạn chế. Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều cử nhân ngoại ngữ không thể đảm nhận công việc phiên dịch cho chính nơi mình công tác.
Một tiết học tiếng Anh lớp 9 tại trường THCS Võ Văn Ký, Nha Trang. |
Theo phản ảnh một số trường, tuy có GV tiếng Anh nhưng khi phải làm việc với người nước ngoài, trường vẫn phải chạy đi tìm phiên dịch viên bên ngoài. Đa số các GV thoái thác việc này vì không đủ năng lực hoặc không tự tin với khả năng giao tiếp của mình với lý do “bỏ giao tiếp lâu rồi nên…quên”!
Đây là kết quả đáng lo ngại và Sở GD-ĐT cũng có những biện pháp để tháo gỡ, cải thiện tình hình.
Được biết, Sở GD-ĐT đã cử 60 GV đi dự các lớp bồi dưỡng do Bộ tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn; năm 2012, phối hợp mở lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ từ B1 lên B2 cho 20 GV tại Nha Trang. Những công việc này đều nằm trong lộ trình bồi dưỡng nâng cao trình độ theo yêu cầu của Bộ GD -ĐT cho phù hợp với mục tiêu của Đề án 2020 cấp quốc gia.
Những cuộc khảo sát cũng như khóa học bồi dưỡng cho GV tiếng Anh là nỗ lực nhằm tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng chỉ được xem như là một giải pháp tình tế. Vì liệu rằng sau khi học tập, bồi dưỡng 1,2 tháng, năng lực những GV này có thể chuyển từ tình trạng "rớt chuẩn" lên "đủ chuẩn"? Hơn nữa, biện pháp nào dành cho GV đã lớn tuổi không có điều kiện, thời gian cũng như sức khỏe, tham gia các lớp học này?
Như Thảo