11:04, 20/04/2013

Câu chuyện có hậu về cụ bà mò nghêu nuôi con tâm thần

Sau khi được đăng trên báo Khánh Hòa (ngày 22-7-2012), câu chuyện xúc động về cụ bà cả đời thân cò lặn lội mưu sinh, ở tuổi hơn 80 vẫn phải vất vả mò nghêu nuôi 2 con bị bệnh tâm thần đã lay động trái tim nhiều độc giả gần xa.

Sau khi được đăng trên báo Khánh Hòa (ngày 22-7-2012), câu chuyện xúc động về cụ bà cả đời thân cò lặn lội mưu sinh, ở tuổi hơn 80 vẫn phải vất vả mò nghêu nuôi 2 con bị bệnh tâm thần đã lay động trái tim nhiều độc giả gần xa.

1
Bao nhiêu năm, cụ Đước phải ngụp lặn mò nghêu nuôi hai con bị tâm thần.


Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm

 

Thau và giỏ cũ - vật bất ly thân của cụ khi đi mò nghêu.
Thau và giỏ cũ - vật bất ly thân của cụ khi đi mò nghêu.

Còn nhớ, khi ấy, Ban Biên tập Báo Khánh Hòa đã dành đăng câu chuyện về cụ Võ Thị Đước (năm nay 83 tuổi, tổ dân phố Hòa Do 5A, phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh) trên số báo Khánh Hòa Chủ nhật, vì đây là số báo có lượng phát hành cao nhất trong tuần, với hy vọng nhiều người biết đến hoàn cảnh của cụ hơn thì cơ hội nhận được sự giúp đỡ sẽ nhiều hơn. Bài viết có tựa đề “Lặn lội mò nghêu ở tuổi 82”. Ngay sau khi báo phát hành, đồng cảm với số phận hẩm hiu của cụ Đước, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, tìm hướng giúp đỡ cụ Đước lâu dài. Cá nhân đồng chí đã gửi tặng cụ Đước 5 triệu đồng. Chiều 27-7-2012, lãnh đạo Báo Khánh Hòa đã trao tận tay cụ Đước số tiền của đồng chí Nguyễn Chiến Thắng và trao cho cụ 5,5 triệu đồng do Báo và các nhà hảo tâm đóng góp. Sau đó, dù chỉ vài gói mì tôm, mấy cân gạo, vài chục ngàn đồng hay đến vài triệu đồng…, nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm đến san sẻ phần nào với cụ gánh nặng mưu sinh...

1
Bữa ăn đạm bạc của cụ Đước chỉ có 5.000 đồng..


9 tháng sau ngày bài viết về cụ Đước được đăng tải, chúng tôi trở lại thăm và trao gia đình cụ 6,6 triệu đồng - tấm lòng của bạn đọc và ít gạo của mấy anh em gom góp. Ai nấy đều cảm thấy mừng khi câu chuyện cuộc đời cụ được viết tiếp những trang có hậu.


Đi cùng chúng tôi đến thăm cụ Đước có ông Nguyễn Ngọc Bộ - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Bắc và ông Hoàng Đình Việt - Tổ phó tổ dân phố Hòa Do 5A. Dừng bước trước căn nhà cấp 4 cũ nát tại vùng bãi triều ven biển, ông Bộ cất tiếng gọi tên cụ. Từ căn lều lợp tôn phía sau nhà, cụ Đước xuất hiện, cười móm mém. Cụ bảo: “Tháng này, mấy đứa (những người thường giúp đỡ gia đình cụ) cho gạo, bảo nghỉ (đi mò nghêu) bớt đi. Nghỉ 2 con nước (tương ứng với 1 tháng) rồi đấy”. Cụ cho biết, thỉnh thoảng, có nhà hảo tâm cho gạo, tiền nên đỡ hơn trước.

Gần 100kg gạo của bạn đọc gần xa ủng hộ được chất đầy trên góc giường của cụ Đước.
Gần 100kg gạo của bạn đọc gần xa ủng hộ được chất đầy trên góc giường của cụ Đước.


Chỉ người con trai bị tâm thần - ông Võ Long (gần 50 tuổi), cụ nói: “Nhà này mỗi khi nó nổi cơn lên, la hét là không ở được. Khi lên cơn, nó hung lắm nên hai mẹ con (cụ Đước và chị Võ Thị Thu, con gái cụ Đước, hơn 40 tuổi, cũng bị tâm thần) phải ra ở cái chái tôn phía sau nhà. Cái chái tôn này, nhà vệ sinh và đoạn hàng rào trước cổng cũng nhờ tiền giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm”. Tấm lòng thơm thảo của người dân địa phương và bạn đọc gần xa đã giúp cuộc sống 3 mẹ con cụ đỡ vất vả hơn… Cụ Đước và chị Thu đưa chúng tôi đến nơi chái tôn nhỏ, chật chội, có kê 2 chiếc giường với lỉnh kỉnh đồ đạc. “Nhờ có tiền giúp đỡ nên cất lại nhà, không còn bị mưa dột nữa” - chị Thu nói, rồi chị dỡ mấy tấm ni lon phủ kỹ một góc giường của chị Thu chất những túi gạo cỡ 10 - 20kg. Cụ Đước bảo, chỗ này chừng 100kg, ăn được khoảng vài tháng…

1
Đại diện Báo Khánh Hòa trao tiền và gạo của bạn đọc giúp đỡ gia đình cụ Võ Thị Đước.


Ông Nguyễn Ngọc Bộ cho biết, hiện nay, hàng tháng, cụ Đước được hưởng chế độ người cao tuổi 180 ngàn đồng, mỗi người con tâm thần được 405 ngàn đồng, 1 suất cho người nuôi dưỡng người tâm thần 504 ngàn đồng, tổng cộng gần 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân thông qua chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến thăm hỏi, giúp đỡ. Địa phương cũng chủ động quan tâm, thăm hỏi, động viên cụ Đước. “Chắc chắn không để cụ và các con đói” - ông Bộ nói.

 Tuy đã có cái ăn, cái mặc nhưng nỗi đau về tinh thần của cụ Đước vẫn cứ day dứt mãi…
Tuy đã có cái ăn, cái mặc nhưng nỗi đau về tinh thần của cụ Đước vẫn cứ day dứt mãi…


Ông Hoàng Đình Việt chia sẻ: “Nhà cụ Đước nghèo. Một mình cụ phải nuôi 2 con tâm thần nên mỗi khi có các mạnh thường quân tặng quà từ thiện đều ưu tiên cho cụ Đước. Bà con lối xóm cũng hết lòng thương yêu, giúp đỡ gia đình cụ. Sau khi Báo đăng bài, từ năm ngoái đến nay, gia đình cụ Đước nhận được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức. Vừa rồi, có người ở tận Hải Phòng gửi 2 triệu đồng đến tổ dân phố, chúng tôi đã trao cho cụ trước sự chứng kiến của người dân. Cá nhân, tổ chức thông qua các đoàn thể như: Mặt trận, Hội Cựu chiến binh cũng vừa giúp cụ thêm gần 6 triệu đồng”.


Tình mẹ


Cả cuộc đời của cụ Võ Thị Đước khổ sở vì mưu sinh, khổ tâm vì con cái. Cụ Đước khổ từ thời con gái, buôn thúng bán bưng, làm thuê, làm mướn; lấy chồng rồi có con cũng vẫn làm mướn, làm thuê. Thế rồi, người chồng mất; sau đó, cả hai đứa con đến khi trưởng thành đều lần lượt phát bệnh tâm thần. Theo lời cụ Đước, ông Võ Long phát bệnh từ lúc khoảng 27 tuổi. Lúc nhỏ, anh vẫn đi chài lưới được một thời gian. Chị Võ Thị Thu cũng bị tâm thần nhưng còn biết nấu cơm, giặt quần áo.

1
Nhờ có mạnh thường quân giúp đỡ, mẹ con cụ Đước đã có căn nhà tôn mới.


Nỗi đau chồng lên nỗi đau, gánh nặng mưu sinh nuôi 2 đứa con bị tâm thần dồn cả lên vai người phụ nữ đã ở tuổi xế chiều. Cụ tâm sự: “Lúc đó, tôi khóc than, buồn tủi đau đớn tưởng chết đi được, nhưng rồi cũng phải gượng dậy. Con như thế mà cứ buồn khổ mãi thì làm sao sống nổi vì mình còn phải đi làm nuôi con. Có ốm cũng chỉ dám nghỉ vài hôm, ốm dậy lại đi làm”. Gần 20 năm qua, cuộc sống 3 mẹ con đều nhờ vào đồng tiền kiếm được từ việc lặn ngụp mò nghêu của cụ Đước.


Cuộc mưu sinh của cụ Đước trông nhờ vào con nước thủy triều. Mang đồ nghề mò nghêu, cụ Đước phải đi bộ mấy cây số mới tới bãi triều. Sau nhiều giờ đồng hồ liên tục lặn ngụp ngâm mình trong nước biển, còn chút sức lực còn lại, cụ Đước mang thau nghêu trở về, rồi thân già lại mang nghêu xuống chợ bán. Mỗi tháng, cụ Đước có 20 ngày làm, 10 ngày nghỉ. Vì thế, vài chục ngàn đồng kiếm được từ cực nhọc mò nghêu phải chắt chiu, tằn tiện qua ngày.


Điều khiến chúng tôi khâm phục ở cụ Đước là tấm lòng và nghị lực của người mẹ già. Khi cụ bưng nồi cá, tay run lẩy bẩy đến nỗi, chiếc vung đập vào miệng nồi loảng xoảng liên hồi, nhưng cụ bảo: “Tay run lâu rồi nhưng vẫn mò nghêu được. Tuy nhiều người thương nhưng còn sức thì tôi vẫn phải đi làm cho khỏe. Con nước tới, tôi lại đi làm…”.


K.N - T.D