11:04, 16/04/2013

Báo chí Khánh Hòa đã tuyên truyền tốt vấn đề chủ quyền Trường Sa

Ngày 17-4, tại TP. Nha Trang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013.

. Nhà báo cần nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội

Ngày 17-4, tại TP. Nha Trang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về hoạt động báo chí năm qua và những vấn đề liên quan.


- Thưa nhà báo Hà Minh Huệ, ông đánh giá thế nào về hoạt động báo chí Việt Nam năm 2012?


- Năm 2012, báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Về cơ bản, báo chí đã thông tin đúng đường lối, quan điểm của Đảng. Năm qua, báo chí đã tích cực tuyên truyền về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4  (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tiếp tục có nhiều bài viết tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều cơ quan báo chí đã mở các chuyên trang, chuyên mục, mở cuộc thi viết về đề tài này và đã có nhiều tác phẩm tốt, tạo sự đồng thuận của xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.


Trong năm, báo chí đã bám sát tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phản ánh sự nỗ lực vượt khó của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, báo chí góp phần phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống, làm tốt vai trò phản biện các chính sách chưa phù hợp, nêu ra các giải pháp hợp lòng dân... hoàn thành tốt vai trò làm cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân.


Một điểm mạnh nữa là, báo chí đã dành thời lượng lớn để đề cập đến vấn đề chủ quyền biển, đảo. Nhiều tờ báo đã lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc đòi thực hiện đường lưỡi bò trên biển Đông, vạch rõ ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc; đưa ra nhiều bài viết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với những bằng chứng lịch sử, pháp lý rất vững chắc, phù hợp với Công ước luật biển 1982. Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa, nên báo chí Khánh Hòa cũng đã tuyên truyền tốt về vấn đề chủ quyền Trường Sa... Tất nhiên, tuy đấu tranh nhưng báo chí của chúng ta luôn tỏ thái độ thiện chí, kêu gọi một giải pháp hòa bình chứ không có sự kích động
chiến tranh.


- Có ý kiến cho rằng, báo chí đang quá sa đà vào việc đưa những thông tin giật gân câu khách. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?


- Sự phát triển của công nghệ thông tin đã đem đến sự ra đời của hàng loạt tờ báo mạng. Báo mạng có ưu thế đưa thông tin nhanh nhạy, có tính tương tác cao. Tuy nhiên, do chạy đua về thông tin, để thu hút lượng truy cập, các tờ báo mạng chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả để rồi mất kiểm soát, đưa tin thiếu kiểm chứng, nặng về thông tin giật gân, câu khách. Việc các tờ báo đưa tin tức đậm đặc về những mặt tiêu cực của xã hội và các tin “lá cải” về đời tư của các ngôi sao... đã tạo ra bức tranh sai lệch về hiện thực xã hội, làm cho xã hội có chiều hướng xấu đi so với thực tế vốn có, từ đó làm cho người đọc có cái nhìn méo mó, gây tác hại về nhận thức, nhất là lớp trẻ chưa có cái nhìn toàn diện về xã hội, dẫn đến cái nhìn xấu về đất nước. Bên cạnh đó, do chạy đua thông tin nên nhiều tờ báo có hiện tượng sao chép tin bài của nhau, trong đó có những tin chưa được kiểm chứng, dẫn đến sai sót hàng loạt  (điển hình là vụ “bố chồng dính chặt nàng dâu”) làm mất uy tín của giới báo chí... Để xảy ra tình trạng này, trước hết, trách nhiệm thuộc về Ban Biên tập của các tờ báo, trách nhiệm của các phóng viên trực tiếp viết tin, bài. Trong các trường hợp này, rõ ràng phóng viên và các cơ quan báo chí đó chưa thực hiện tốt quy định về đạo đức báo chí, ý thức của một công dân. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Để có những tác phẩm có chất lượng, để được người đọc tôn trọng, hơn ai hết, các nhà báo phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình với xã hội, phải dùng ngòi bút để vun đắp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.


- Hội Nhà báo Việt Nam đã làm gì để nâng cao chất lượng các tờ báo, nâng cao trình độ nghiệp vụ của các hội viên?


- Việc tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng các tờ báo, cũng như trình độ của hội viên là việc làm thường xuyên, lâu dài. Trong năm 2012, Hội đã mở 40 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 1.000 hội viên như các lớp về kỹ năng làm báo (phỏng vấn, phóng sự, biên tập...) và quản lý báo chí. Bên cạnh đó, Hội cũng đã mở nhiều hội thảo khoa học về báo chí như: đạo đức nghề báo trong việc khai thác nguồn tin, văn hóa truyền thông... với sự tham gia của các nhà báo có kinh nghiệm, các giảng viên về báo chí cùng các nhà báo trẻ. Chúng tôi tin rằng, qua những buổi hội thảo, đối thoại như vậy sẽ góp phần nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp của các nhà báo.


Việc tổ chức giải báo chí quốc gia hàng năm, ngoài việc tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc cũng có tác dụng nhất định trong việc khuyến khích hội viên nâng cao chất lượng tác phẩm, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp. Hội cũng đã thúc đẩy Hội Nhà báo ở các địa phương thực hiện tốt đề án hỗ trợ sáng tạo các tác phẩm có chất lượng. Nguồn kinh phí này sẽ kích thích các hội viên nỗ lực có nhiều tác phẩm chất lượng, có tính định hướng. Trong đó, Hội cũng đã gợi ý các địa phương nên sử dụng một phần kinh phí này để khuyến khích các tác phẩm viết về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


- Thời gian qua, tình trạng cản trở hoạt động của nhà báo vẫn còn nhiều, vậy Hội Nhà báo Việt Nam đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của hội viên?


- Bảo vệ quyền tác nghiệp của của hội viên là nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam. Báo chí ngày càng được coi trọng, tuy nhiên tình trạng nhà báo bị cản trở tác nghiệp, thậm chí bị tịch thu phương tiện hành nghề, bị giam giữ, hành hung vẫn còn xảy ra. Mỗi khi có sự việc xảy ra, Hội đều cử Ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra, nắm bắt vụ việc, có công văn gửi đến các lãnh đạo địa phương, công an các địa phương, yêu cầu làm rõ vấn đề, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi cố tình cản trở hoạt động của giới báo chí. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được giải thích, xử lý một cách thỏa đáng. Hội đang muốn luật phải có điều khoản nào đó quy định, tác nghiệp báo chí là thi hành công vụ; ngăn cản hoạt động hợp pháp của nhà báo chính là chống người thi hành công vụ, có thể chuyển qua xử lý theo góc độ luật hình sự.


Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trong thực tế cũng có một số ít nhà báo vì quá nóng lòng về việc phản ánh vấn đề, ngộ nhận và lạm dụng quyền lực báo chí dẫn đến có những hành vi không hay, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc người phát ngôn né tránh trả lời báo chí (chỉ là thiểu số) bên cạnh căn bệnh “sợ trách nhiệm”, sợ bị “vạ miệng” một phần còn do các nhà báo lạm dụng kỹ thuật nghiệp vụ, cắt cúp, diễn giải thông tin theo ý chủ quan dẫn đến sự sai lệch so với ý muốn truyền đạt của họ... Chính vì vậy, nhà báo cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình với xã hội để từ đó độc giả, các cơ quan chức năng có lòng tin với báo chí.


- Chủ đề của hội nghị lần này là “Nâng cao vai trò của hội trong công tác quản lý, chỉ đạo báo chí và xây dựng Hội trong sạch vững mạnh”. Vậy hội thảo sẽ tập trung vào những vấn đề gì để hoạt động báo chí ngày một tốt hơn, thưa nhà báo?


- Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quản lý báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng định hướng. Đến nay, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong vấn đề này chưa được nổi bật. Chính vì vậy, trong hội nghị lần này, chúng tôi chọn chủ đề “Nâng cao vai trò của hội trong việc quản lý, chỉ đạo báo chí và xây dựng Hội trong sạch vững mạnh”. Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, trình độ nghiệp vụ cho hội viên, công tác đào tạo, kiểm tra... Tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ yêu cầu các Hội ở địa phương phải tích cực hơn trong hoạt động của mình; phải tập hợp được đội ngũ nhà báo ở địa phương, tổ chức nhiều hoạt động về nghiệp vụ để nâng cao vị thế của Hội. Thông qua các hoạt động này, Hội sẽ thực hiện việc định hướng đường lối báo chí của Đảng; giáo dục đạo đức, nghề nghiệp cho hội viên...


- Xin cảm ơn nhà báo!


XUÂN THÀNH (Thực hiện)