Những năm gần đây, công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ đã và đang được các cấp, ngành và doanh nghiệp chú trọng. Nhờ đó, người lao động được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn hơn.
Những năm gần đây, công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN) đã và đang được các cấp, ngành và doanh nghiệp (DN) chú trọng. Nhờ đó, người lao động (NLĐ) được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn hơn.
Hiện nay, Khánh Hòa có khoảng 5.000 DN sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Xác định việc quan tâm đến điều kiện làm việc, chính sách cho NLĐ là động lực thúc đẩy DN phát triển, những năm gần đây, các DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm cải thiện điều kiện lao động bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, đăng ký sử dụng những máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ-PCCN. Các chế độ, quyền lợi như: huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp, thực hiện giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... ngày càng được các cấp, ngành, DN quan tâm.
Để nâng cao kiến thức cho DN và NLĐ, năm 2012, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở hơn 40 lớp huấn luyện AT-VSLĐ-PCCN cho 1.896 lượt NLĐ; tổ chức khám, chữa bệnh nghề nghiệp định kỳ cho 1.689 lượt lao động. Các cấp, ngành còn mở nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất về thực hiện những quy định AT-VSLĐ-PCCN tại các DN khai thác khoáng sản, xây dựng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp... Nhờ đó, đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các DN nghiêm chỉnh chấp hành quy định, các chế độ chính sách và môi trường làm việc của NLĐ được đảm bảo. Riêng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh đã kiểm tra 1.464 lượt cơ sở, phát hiện 3.391 cơ sở thiếu sót trong công tác PCCC; lập 25 biên bản vi phạm hành chính, trong đó phạt cảnh cáo 3 trường hợp, tạm đình chỉ 1 trường hợp và phạt 21 trường hợp với số tiền hơn 108 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức giám sát môi trường lao động tại 140 cơ sở, tiến hành lấy 11.570 mẫu đo VSLĐ. Kết quả cho thấy, có 9.232 mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép, hơn 2.300 mẫu chưa đạt. Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép là yếu tố tác động đến sức khỏe công nhân, gây nên một số bệnh như: điếc nghề nghiệp, bụi phổi silic, viêm phế quản mãn tính, giảm thính lực, da liễu, tai mũi họng... Đối với những DN vi phạm, chúng tôi đều nhắc nhở, đưa ra hướng khắc phục cho đơn vị và hầu hết các DN đều đầu tư, nâng cấp, xử lý...”.
Công nhân Tổng Công ty Khánh Việt tập huấn công tác phòng cháy chữa |
Tại lễ phát động Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN năm 2013, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, DN và toàn thể công nhân, viên chức, NLĐ cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về AT-VSLĐ-PCCN; thường xuyên quan tâm việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe NLĐ, đặc biệt là những lao động làm việc trong môi trương độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc. Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng PCCC; thường xuyên đo, kiểm tra môi trường và có biện pháp hạn chế, loại trừ các yếu tố có hại đến sức khỏe NLĐ tại nơi làm việc nhằm bảo vệ NLĐ... |
Theo ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Những năm gần đây, các DN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị sản xuất, bảo hộ lao động cho công nhân. Bên cạnh đó, ý thức trong lao động, sản xuất của NLĐ được nâng cao hơn nên tình trạng tai nạn, bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm mạnh. Từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn lao động, làm 3 người chết, giảm 8 vụ và giảm 3 người chết so với năm 2011...”.
Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013 vừa được phát động với chủ đề: “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Ông Nguyễn Hữu Thấu - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN tỉnh nhận định: “Đây là cuộc phát động mang ý nghĩa rộng lớn, gắn công tác bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường, văn hóa trong sản xuất; đồng thời phản ánh xu thế chung của hầu hết các DN trong việc thực hiện chương trình tổng thể về giải quyết vấn đề AT-VSLĐ-PCCN”. Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, tuần lễ AT-VSLĐ-PCCN năm 2013 sẽ góp phần kiềm chế tai nạn, bệnh tật liên quan đến NLĐ; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là người sử dụng lao động và NLĐ trong việc chấp hành pháp luật về AT-VSLĐ-PCCN, quan tâm hơn đến việc cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ sức khỏe cho NLĐ. DN có quan tâm làm tốt công tác này thì NLĐ mới an tâm làm việc, tạo ra những sản phẩm chất lượng, gắn bó lâu dài với đơn vị.
VĂN GIANG