10:03, 23/03/2013

Sanest Gò Công - Sự vi phạm khó chấp nhận về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

Khoảng 3 tháng qua, trên thị trường bỗng dưng xuất hiện sản phẩm yến lọ với nhãn hiệu “Sanest Gò Công”. Chất lượng sản phẩm chưa bàn tới, nhưng đơn vị sản xuất ra sản phẩm này đang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ ......

Khoảng 3 tháng qua, trên thị trường bỗng dưng xuất hiện sản phẩm yến lọ với nhãn hiệu “Sanest Gò Công”. Chất lượng sản phẩm chưa bàn tới, nhưng đơn vị sản xuất ra sản phẩm này đang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với nhãn hiệu “Sanest” của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa.

Sanest - nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền

Tính đến nay, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa có thâm niên hơn 23 năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý và khai thác nguồn tài nguyên yến sào - sản vật quý giá của tỉnh Khánh Hòa. Từ một đơn vị làm công tác quản lý, khai thác yến sào, đến nay, Công ty đã nghiên cứu, đầu tư và phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến thực phẩm, phát triển quần thể chim yến... Đặc biệt, từ nguồn tài nguyên yến sào, Công ty đã nghiên cứu để sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ yến sào đảo thiên nhiên, giúp sản phẩm yến sào trở thành sản vật ẩm thực đặc trưng mang Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”.

Xác định nhãn hiệu là tài sản quan trọng - tài sản trí tuệ, là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, sản phẩm; đồng thời để các sản phẩm yến sào ngày càng đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh về chất lượng và giá trị sản phẩm, giúp người tiêu dùng cảm nhận được giá trị thương hiệu, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đã chú trọng xây dựng và bảo hộ Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”. Công ty cũng đã xây dựng hệ thống thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”, khẳng định vị thế và uy tín với khách hàng, người tiêu dùng. Điển hình như: Nước yến sào cao cấp Sanest, Sanest Tourist, Sanatech, Sanatech Land, Sanest Foods, Sanna... tạo thành hệ thống thương hiệu gắn kết với Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”.

1
Nơi sản xuất sản phẩm “Sanest Gò Công” và “Yến sào Thiên Bảo” thực chất là cửa hàng giới thiệu sản phẩm và một ngôi nhà.

“Sanest” là một trong những nhãn hiệu hàng hóa của các dòng sản phẩm nước yến sào cao cấp đóng lọ, đóng lon và đóng chai thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa. Sanest là thương hiệu uy tín, phổ biến hóa giá trị bổ dưỡng từ yến sào đảo thiên nhiên đến với người tiêu dùng. Bằng uy tín và chất lượng thương hiệu, theo thời gian, Công ty đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý mang đẳng cấp khu vực và quốc tế như: Thương hiệu mạnh Việt Nam, Cúp vàng thương hiệu nhãn hiệu, Cúp vàng uy tín, Hàng Việt Nam chất lượng cao, top 10 trong 100 thương hiệu Việt uy tín, top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam... Đặc biệt, trong năm 2012, Công ty nhận được 2 giải thưởng quốc tế là Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á.

Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Yến sào Gò Công vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu, nhãn hiệu

Được biết, nhãn hiệu “Sanest” được Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận từ năm 2005. Trong số các nhãn hiệu mang tên “Sanest” có 2 nhãn hiệu sản phẩm nước yến sào cao cấp Sanest Khánh Hòa đã được bảo hộ tổng thể gồm: mã số 64907 được cấp theo Quyết định số A7714/QĐ-ĐK ngày 20-7-2005 và mã số 68849 được cấp theo Quyết định số A13324/QĐ-ĐK ngày 20-12-2005. Từ khi được cấp giấy chứng nhận, Công ty đã sử dụng nhãn hiệu Sanest liên tục cho đến nay.

Thế nhưng, khoảng 3 tháng qua, trên thị trường bỗng dưng xuất hiện sản phẩm yến lọ với nhãn hiệu “Sanest Gò Công”. Chất lượng sản phẩm chưa bàn tới, nhưng đơn vị sản xuất ra sản phẩm này đang vi phạm nghiêm trọng quyền SHTT về nhãn hiệu “Sanest Khánh Hòa”. Bà Bùi Thị Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa nhận định: Khi xây dựng Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”, Công ty đã thực hiện chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu với việc định vị thương hiệu bao hàm các hình ảnh, màu sắc, nhãn hiệu rất cụ thể và chi tiết trong bảng đăng ký quyền SHTT thương hiệu, nhãn hiệu với Cục SHTT. Các hình ảnh về đảo yến, chim yến cấu thành nhãn hiệu là tài sản sở hữu của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa. Tuy Công ty đã đăng ký quyền SHTT cho tất cả những sản phẩm sản xuất ra, nhưng trong những năm gần đây, nhiều đơn vị có hoạt động về yến sào đã sản xuất các sản phẩm nhái, sao chụp toàn bộ cấu trúc nhãn hiệu Sanest của Công ty cả về lọ, hộp đựng, cách thiết kế ma-ket... Điều này làm cho khách hàng nhầm lẫn với “Yến sào Khánh Hòa” khi đi mua sắm. Một số sản phẩm có biểu tượng, nhãn hiệu giống hoặc gần giống, có màu sắc hơi khác, hoặc có sản phẩm sử dụng màu đặc trưng của Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa” áp vào sản phẩm để kinh doanh nhằm đánh lừa người tiêu dùng để thu lợi nhuận. Có thể nói, đó là hành vi vi phạm pháp luật về quyền SHTT về thương hiệu, nhãn hiệu.  

Sản phẩm “Sanest Gò Công” đã “ăn theo” Thương hiệu “Sanest Khánh Hòa”.
Sản phẩm “Sanest Gò Công” đã “ăn theo” Thương hiệu “Sanest Khánh Hòa”.

Những kiểu kinh doanh nói trên đang gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa. Có thể minh chứng một vi phạm điển hình nhất, mới đây, Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Yến sào Gò Công, tỉnh Tiền Giang (mới khai trương Hợp tác xã ngày 12-1-2013) đã xâm phạm nghiêm trọng nhãn hiệu “Sanest” - nhãn hiệu của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, đã được Cục SHTT bảo hộ độc quyền. Hợp tác xã này đã đưa ra thị trường sản phẩm yến lọ với nhãn hiệu được dán chạy dài bao gần toàn bộ thân lọ; trên cùng nhãn hiệu ghi “Sanest Gò Công” và hộp đựng cũng mang nhãn hiệu “Sanest”, nơi sản xuất tại 12B14 lô 94 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Sanest Gò Công nhưng địa chỉ sản xuất tại Khánh Hòa là một trong những hành vi gây ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng với sản phẩm mang thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa” đang cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm “Sanest Gò Công” không bán tại Nha Trang, Khánh Hòa mà được tung ra bán tại thị trường miền Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Nơi sản xuất được ghi trên nhãn hiệu “Sanest Gò Công” thực chất chỉ là một cửa hàng giới thiệu sản phẩm... Với cách kinh doanh này, Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Yến sào Gò Công và cơ sở sản xuất ra sản phẩm “Sanest Gò Công” tại 12B14 lô 94 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã vi phạm nghiêm trọng quyền SHTT về nhãn hiệu của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện thêm một sản phẩm khác là “Yến sào Thiên Bảo” - sản phẩm được đóng “mác” Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2012, do người tiêu dùng bình chọn cũng đang gây nhầm lẫn với nhãn hiệu độc quyền của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa bởi màu xanh của biển và hình chim yến đặc trưng của Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”. Hiện nay, sản phẩm “Yến sào Thiên Bảo” có mặt tại thị trường Hải Phòng, là sản phẩm của Công ty TNHH XNK và TM Đức Huy (25/29 đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Tuy nhiên, nơi sản xuất cũng trùng với địa chỉ của sản phẩm mang tên “Sanest Gò Công” - 12B14 lô 94 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang.

Với tình trạng mập mờ thương hiệu, nhãn hiệu của các sản phẩm mới xuất hiện như trên, đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc để kiểm tra làm rõ hành vi vi phạm quyền SHTT về nhãn hiệu của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Yến sào Gò Công, tạo môi trường cạnh tranh kinh doanh lành mạnh cho Thương hiệu “Yến sào Khánh Hòa”.

ĐẠI HẢI

 



- Ngày 8-3-2013, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa có công văn gửi Cục SHTT (Bộ Khoa học - Công nghệ), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Sở Công Thương 2 tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang, Sở Khoa học - Công nghệ 2 tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang yêu cầu xử lý vi phạm quyền SHTT, sở hữu nhãn hiệu, thương hiệu đối với các đơn vị có liên quan đến sản phẩm “Sanest Gò Công”.

- Ngày 14-3, Sở Công Thương đã có văn bản giao Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa xem xét, kiểm tra, xử lý nội dung đề nghị của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa theo đúng quy định; yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường thực hiện nội dung trên và báo cáo kết quả về Sở Công Thương.