10:03, 28/03/2013

Tăng đầu tư, người dân hy vọng...

Sau 2 lần đầu tư với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ công trình nước sinh hoạt nông thôn ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Sắp tới, công trình này sẽ được tiếp tục đầu tư thêm gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra một số vấn đề khó khăn…

Sau 2 lần đầu tư với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ công trình nước sinh hoạt nông thôn ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Sắp tới, công trình này sẽ được tiếp tục đầu tư thêm gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra một số vấn đề khó khăn…

Đầu tư nhiều nhưng vẫn thiếu nước...

Vùng đất xã Vạn Hưng vốn không có nước ngọt tầng mạch ngầm. Nguồn nước mạch nơi đây nếu không bị nhiễm phèn nặng thì cũng bị nhiễm mặn nên không thể dùng cho sinh hoạt, ăn uống của người dân. Chính vì thế, hầu hết người dân đều phải sử dụng nước ao hồ. Thậm chí nước tưới tiêu nông nghiệp cũng được lắng lọc để đưa vào sinh hoạt nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người dân trong mùa khô hạn...

Hệ thống lắng lọc tại suối Diên cấp nước cho xã Vạn Hưng.
Hệ thống lắng lọc tại suối Diên cấp nước cho xã Vạn Hưng.

Chính vì thế, năm 2004, khi hệ thống cung cấp nước sạch xã Vạn Hưng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Khánh Hòa làm chủ đầu tư, Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Khánh Hòa thiết kế, với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ đồng được khánh thành và đưa vào sử dụng đã mang lại niềm hy vọng cho 10 ngàn người dân Vạn Hưng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tháng bàn giao cho UBND xã Vạn Hưng quản lý, khai thác, công trình được xem là lớn nhất trong Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 1 (1999 - 2005) phải ngưng hoạt động. Nước chảy rất yếu và sau đó thì... tắt hẳn. Chất lượng nước rất kém do đường ống dài; phía đầu nguồn không được lắng lọc đúng yêu cầu kỹ thuật nên bùn đất, cỏ rác... chui vào đường ống, dẫn đến tắc nghẽn, máy bơm nước thì cháy liên tục, nguồn nước lúc khô hạn cũng cạn khô...

Ngoài nguyên nhân được cho là sai từ khâu khảo sát, thiết kế, việc giao cho UBND xã quản lý khai thác cũng là một hướng đi chưa thật sự chuẩn xác vì đơn vị này vừa thiếu chuyên môn lẫn kinh phí. Bởi vậy, công trình nhanh chóng ngưng hoạt động và hư hỏng nặng sau hơn 6 năm bỏ hoang.

 Nguồn nước suối Diên không đủ cung cấp nước cho 2 xã với hàng chục ngàn người dân.
Nguồn nước suối Diên không đủ cung cấp nước cho 2 xã với hàng chục ngàn người dân.

Năm 2011, Vạn Hưng tiếp tục được đầu tư gần 6,7 tỷ đồng xây dựng một hệ thống cấp nước sinh hoạt khác. Lần này không còn bơm nước từ hồ chứa nước Đá Bàn như công trình trước đó, mà lấy nguồn nước từ suối Diên, xã Xuân Sơn theo dạng tự chảy với gần 9km đường ống dẫn nước sạch từ Xuân Sơn về Vạn Hưng. Thế nhưng, 2 năm qua, công trình này chỉ phục vụ nước sinh hoạt cho 3 cơ quan, đơn vị, trong đó có UBND xã Vạn Hưng, còn người dân vẫn chưa có nước sạch... Thực tế, để người dân có thể sử dụng nước từ công trình này, phải cần thêm hệ thống ống phân phối. Nguồn kinh phí cho hệ thống ống nhánh này ngót nghét 12 tỷ đồng nên UBND tỉnh không đồng ý.

Tiếp tục đầu tư thêm gần 7 tỷ đồng

Tháng 3-2013, UBND tỉnh đã đồng ý với phương án đề xuất của Công ty Cổ phần Công trình đô thị (CP CTĐT) Vạn Ninh để đưa nước về cho nhân dân xã Vạn Hưng. Theo đó, 6 thôn của Vạn Hưng sẽ được lắp đặt hệ thống tuyến ống mạng cấp nước. Ngoài ra, ở hệ thống bể lắng, lọc đầu nguồn cũng được đầu tư nâng công suất lên 600m3/ngày đêm. Bà Đặng Thị Thúy Đào, Giám đốc Công ty CP CTĐT Vạn Ninh cho biết: “Dự kiến vào tháng 5-2013, việc lắp đặt hệ thống ống phân phối đến tận nhà người dân sẽ được Công ty thực hiện. Nguồn vốn sẽ nằm ở mức 6,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 75%, phần còn lại do Công ty đảm trách. Chúng tôi quyết tâm trong tháng 8-2013 sẽ hoàn tất các hạng mục và chính thức cấp nước cho người dân”.

Hệ thống ống dẫn Ø125 sẽ không đủ năng lực cấp nước cho gần 10 ngàn người dân xã Vạn Hưng.
Hệ thống ống dẫn Ø125 sẽ không đủ năng lực cấp nước cho gần 10 ngàn người dân xã Vạn Hưng.

Tuy nhiên, để công trình này không đi vào “vết xe đổ” của những công trình trước đó, đơn vị chủ đầu tư cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là mức độ đáp ứng của nguồn nước và khả năng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Có mặt tại suối Diên vào ngày 22-3-2013, chúng tôi đã thấy tại đây có tới 2 công trình nước sinh hoạt nằm kề nhau. Một công trình cấp nước đang hoạt động phục vụ nước sinh hoạt cho người dân xã Xuân Sơn. Bên cạnh đó là hệ thống lắng lọc và cấp nước cho... 3 cơ quan, đơn vị xã Vạn Hưng. Suối Diên được chặn dòng cao chừng 1m nước. Theo người quản lý nơi đây, suối Diên chỉ là một dòng chảy nhỏ. Đồi núi nơi đây ít cây cối, kết cấu chủ yếu là đá nên không có khả năng giữ nước. Mỗi khi có mưa lớn, nước chảy như thác lũ, có thể cuốn trôi cả tấm đan bê tông nặng hàng trăm kilôgam, nhưng chỉ sau cơn mưa chừng 15 phút, nước lại trở về trạng thái rả rích ban đầu. Vì thế, suối Diên chỉ đủ cấp nước cho xã Xuân Sơn, có lúc còn không đủ; nếu cấp nước cho cả người dân xã Vạn Hưng chắc chắn sẽ thiếu nước.

Có một vấn đề khác cũng được đặt ra, đó là hệ thống khoảng 9km đường ống kim loại dẫn nước từ Xuân Sơn về Vạn Hưng là loại ống phi (Ø) 125. Theo một số nhà chuyên môn, với chặng đường dài và nhu cầu cấp nước cho khoảng 10 ngàn người dân, độ lớn này phải gấp đôi mới đảm bảo. Bà Đặng Thị Thúy Đào cũng xác nhận: “Nguồn nước suối Diên hiện tại không đủ năng lực cung cấp nước so với nhu cầu sử dụng theo quy định từ 80 đến 120 lít/người/ngày, mà mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 lít/người/ngày. Hệ thống ống chính hiện có cũng không đáp ứng so với yêu cầu. Tuy vậy, trong trường hợp thiếu nước, Công ty sẽ tiến hành bổ sung nguồn nước bằng cách đấu nối vào hệ thống nước máy từ thị trấn Vạn Giã đã được kéo về đến khu vực Dốc Thị, gần với hệ thống mạng ống phân phối của công trình nước sinh hoạt nông thôn ở Vạn Hưng”.

Đầu tư hệ thống phân phối nước là việc cần phải thực hiện. Số tiền 6,9 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống ấy cũng đã được Sở Tài chính và các cơ quan chức năng đánh giá phù hợp. Vấn đề đặt ra, tại sao một khu vực chỉ cách đường ống nước máy chừng 3 - 4km lại không được đấu nối trực tiếp mà phải dẫn nước từ một con suối cách đó gần 10km với nhiều bấp bênh về nguồn nước và chất lượng nước? Điều đó cũng cho thấy, quá trình đưa nước sạch về cho người dân xã Vạn Hưng gặp nhiều trắc trở, tiêu tốn nhiều tiền bạc không phải vì nguồn nước nơi đây khan hiếm, mà do quá trình đầu tư thiếu hợp lý từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến triển khai, hoạt động.

Hy vọng, Công ty CP CTĐT Vạn Ninh sẽ có những phép tính phù hợp để  tháng 8 tới đây, Vạn Hưng sẽ thật sự có nước và người dân không “mừng hụt” như những lần trước đó.

Hồng Đăng