12:03, 31/03/2013

Khuyến cáo người dân không bán lá xoài

Sau hiện tượng thu gom lá điều tươi tại khu vực Đông Nam bộ, ở Cam Lâm cũng có hiện tượng thu gom lá xoài khô. Huyện đã kịp thời kiểm soát tình hình, không để ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng xoài - loại cây trồng chủ lực của Cam Lâm.

Sau hiện tượng thu gom lá điều tươi tại khu vực Đông Nam bộ, ở Cam Lâm cũng có hiện tượng thu gom lá xoài khô. Huyện đã kịp thời kiểm soát tình hình, không để ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng xoài - loại cây trồng chủ lực của Cam Lâm.

Thêm nguồn thu nhập

Ông Nguyễn Thành Được (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết, khoảng giữa năm 2012, có một công ty về Cam Lâm kêu gọi bà con thu gom lá xoài khô bán cho họ. Giá thu mua trung bình 600 - 700 đồng/kg lá khô. Thấy đây là cơ hội kiếm thêm thu nhập, gia đình ông (gồm 5 người) đi thu gom ở các vườn xoài, ngày nhiều thì được khoảng 30 bao (mỗi bao khoảng 20kg), ngày ít được hơn chục bao, kiếm được từ vài chục nghìn đến 150 nghìn đồng/người/ngày. Nhưng việc thu gom này chỉ diễn ra trong khoảng 2 tháng, sau khi cây xoài đã cho thu hoạch, cao điểm tập trung trong 10 - 15 ngày. “Một vườn xoài với 30 - 40 gốc, nếu chưa được dọn dẹp có thể gom khoảng 10 - 20 bao, nhưng số vườn như vậy rất ít, vả lại cũng chỉ gom 1 lần là hết. Tuy vậy, gom lá bán cũng giúp có thêm thu nhập lúc nông nhàn”, ông Được chia sẻ.

Lá xoài rụng giữ độ ẩm cho đất và là nguồn phân hữu cơ tự nhiên.
Lá xoài rụng giữ độ ẩm cho đất và là nguồn phân hữu cơ tự nhiên.

Lấy công làm lãi, trên địa bàn đã có vài chục người chuyên đi gom lá xoài khô. Gia đình bà Trương Thị Bé (thôn Bãi Giếng 2, Cam Hải Tây) có khoảng 40 gốc xoài tơ, do có ít lá rụng nên bà đi gom lá ở những vườn khác. Bà Bé cho biết, những người đi gom lá xoài khô đều không có nghề nghiệp ổn định hoặc là nông dân, tranh thủ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. “Một số chủ vườn nể nang mới cho gom, còn hiện nay, rất ít chủ vườn xoài cho thu gom lá khô” - bà Bé nói.

Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, việc thu gom lá xoài khô bắt đầu từ năm 2012, tập trung ở vùng xoài trọng điểm là xã Cam Hải Tây (chiếm 956/2.900ha toàn huyện). Đơn vị thu mua là Công ty Cổ phần Thương mại và Cung ứng nguồn nhân lực Hải Bình (Hải Phòng). Nhưng từ khoảng tháng 9, 10 năm ngoái, họ đã dừng thu gom. Hiện nay, trên địa bàn xã Cam Hải Tây có hộ bà Lê Thị Gái tự đứng ra thu gom.

 Những kiện lá xoài khô cuối cùng được gom bán ở Cam Hải Tây.
Những kiện lá xoài khô cuối cùng được gom bán ở Cam Hải Tây.

Theo ông Nguyễn Dương - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây, năm ngoái, Công ty Cổ phần Thương mại và Cung ứng nguồn nhân lực Hải Bình có đến đặt vấn đề thu gom lá xoài khô để làm nguyên liệu trồng nấm. Đơn vị này có giấy chứng nhận đăng ký bản quyền về nghiên cứu chế biến lá xoài khô. Thực tế, họ chỉ thu gom lá xoài đã rụng rồi chuyển về TP. Hồ Chí Minh chế biến. Cao điểm, có ngày đơn vị trên thu gom tới 3 - 5 tấn lá xoài khô nhưng thời gian rộ chỉ khoảng 2 tháng.

Tuyên truyền, vận động không thu gom lá xoài

Bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: Để đảm bảo năng suất, chất lượng ra trái của cây xoài cũng như giảm chi phí sản xuất cho người dân, huyện đã chủ động yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện khẩn trương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền, vận động và khuyến cáo nông dân các địa phương không thu gom, bán lá xoài khô cũng như tươi.

Theo ông Nguyễn Ta, lâu nay, các chủ vườn xoài vẫn phải thu gom lá rụng và đốt cho bớt muỗi, cũng là để làm tăng chất dinh dưỡng cho đất. Vì vậy, ban đầu, việc thu gom lá xoài khô không gây ảnh hưởng đáng kể, hơn nữa còn tạo thu nhập cho một số lao động không có việc làm ổn định. Tuy nhiên, khi việc thu gom tăng lên về số lượng thì cần được cân nhắc kỹ giữa lợi ích của việc bán lá xoài khô với việc giữ lá rụng trên đất.

Xét về mặt sản xuất nông nghiệp, lá xoài đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất cây trồng. Bởi vùng xoài Cam Lâm là khu vực thường xuyên thiếu nước, đặc biệt là nước tưới tiêu cho cây xoài do có mùa khô kéo dài. Hơn nữa, đất trồng xoài là đất cát pha, khả năng giữ nước không tốt. Vì vậy, lá xoài khô rụng xuống gốc có tác dụng giữ ẩm, hạn chế nước bốc hơi. Lá xoài hoai mục còn là nguồn phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây. Giữ lá xoài giúp nông dân đỡ được chi phí phân bón, chăm sóc... Chính vì thế, nhiều hộ trồng xoài dồn lá xoài khô rất dày quanh khu vực gốc cây. Chính quyền địa phương lo ngại, nếu việc thu mua kéo dài, khi hết lá xoài khô, một số nông dân có thể tiếp tục tỉa cành, tỉa lá xanh phơi khô đem bán, ảnh hưởng đến sức sống, khả năng ra hoa, kết trái của cây xoài.

Chúng tôi đã đến nhà bà Lê Thị Gái để tìm hiểu nhưng bà vắng nhà. Những người đóng kiện lá xoài tại nhà bà cho biết, đây là đợt gom lá cuối cùng; bà Gái đã thông báo cho họ nghỉ sau đợt này. Theo nhiều người dân địa phương, qua tuyên truyền, họ đã nhận thức được lợi ích của lá xoài. Chỉ những vườn xoài già quá nhiều lá rụng, dễ sinh muỗi, dễ có rắn hoặc do nể nang chủ vườn mới cho gom sơ lá xoài để làm quang vườn.

Hiện nay, trong bản tin truyền thanh ở các xã đều thường xuyên đăng, phát thông tin khuyến cáo song song với việc phân tích những lợi ích của lá xoài trong sản xuất. Đối với việc thu gom lá xoài khô của bà Lê Thị Gái, huyện đã có thông báo và bà Gái đã cam kết chấm dứt thu gom sau ngày 25-3.

TIỂU MAI - TƯỜNG LINH