10:12, 26/12/2012

Trọn một chữ đạo với đời…

7 năm nay, sư cô Chơn Minh đã cưu mang 30 em có hoàn cảnh khó khăn và 3 phụ nữ bị tâm thần tại chùa Phật Bửu (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

7 năm nay, sư cô Chơn Minh đã cưu mang 30 em có hoàn cảnh khó khăn và 3 phụ nữ bị tâm thần tại chùa Phật Bửu (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Cuối tuần, trời nổi gió. Vào đến sân chùa Phật Bửu, chúng tôi chào một phụ nữ trung niên đang đi ra. Gặp chúng tôi, bà liên tục giục đi tắm… Sau này, chúng tôi mới biết, người phụ nữ ấy là bà Chín, bị tâm thần. Sư cô Chơn Minh - trụ trì chùa cho biết: Bà Chín luôn nói mình tên Ngà, quê ở Ninh Đông và rất thương em bé. Bà là người ẵm bồng cậu bé Minh Triết (mới được 1 tuổi) nhiều nhất. Khi bé buồn ngủ, bà đưa võng; bé thức dậy, bà ẵm đi rong; bé khóc, bà cho uống nước. Suốt buổi, câu chuyện của chúng tôi về các em mồ côi, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc số phận của những phụ nữ bị tâm thần được cưu mang tại chùa đều lồng trong tiếng hát ê a vô thức của người phụ nữ ấy.

Sư cô Chơn Minh và các em nhỏ ở chùa Phật Bửu.
Sư cô Chơn Minh và các em nhỏ ở chùa Phật Bửu.

Lo cho “trái ngọt đầu mùa”

Giọng sư cô Chơn Minh đầy âu yếm và tự hào khi nhắc đến Đặng Thị Rơi - sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Sài Gòn, từng được nhận học bổng tiếp sức đến trường của Báo Tuổi Trẻ. Mẹ của Rơi vốn bị bệnh tâm thần nặng, mang bầu cũng chẳng biết cha em là ai. Khi Rơi chào đời, bà ngoại thức khuya dậy sớm để nuôi em cùng người mẹ tâm thần bằng những gánh bánh bèo. Rồi bà ngã bệnh nặng, thế là Rơi vào chùa ở với sư cô từ khi chưa học hết cấp 2. Thấy em thông minh, sáng dạ, chăm chỉ, sư cô giao cho Rơi và mấy em học giỏi phụ trách lớp học tình thương của nhà chùa (mở cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong vùng). Mỗi tháng, sư cô gửi cho em 1 triệu đồng để trang trải việc học tập. Ngoài ra, Rơi cũng phụ bán phở để có tiền ăn học...

Sư cô Chơn Minh thường xuyên nhắc nhở, động viên các em chăm học.
Sư cô Chơn Minh thường xuyên nhắc nhở, động viên các em chăm học.

Nguyễn Thị Kim Phụng (lớp 9) và Nguyễn Thị Huy Phượng (lớp 10) đã nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Kể chuyện nhà mình, Phượng rơm rớm nước mắt, bởi người cha tối ngày say xỉn lại bạo đòn, gánh nặng gia đình oằn lên vai mẹ. Thương mẹ vất vả, Phượng học rất chăm chỉ để đạt học sinh giỏi. Thấy nhiều bạn nghỉ học, Phượng cũng muốn nghỉ để giúp mẹ. Nhưng được mẹ động viên, em đến chùa Phật Bửu. Phượng cùng các bạn ở lớp lớn luân phiên thức giấc từ 4 giờ sáng để đánh chuông, nấu ăn sáng. Hàng ngày, 5 giờ 30, em đạp xe đến chợ Lạc An, rồi bắt xe buýt đi học. Em luôn cặm cụi tự học vì mẹ, vì cuộc sống sau này và vì sự động viên của sư cô. Phượng kể: “Tuy sữa chỉ dành cho các em nhỏ, nhưng những hôm chúng em ôn thi vất vả hay ốm đau, sư phụ vẫn dành một phần cho chúng em. Sư phụ luôn nhắc, các con sống nhờ tấm lòng của những người hảo tâm nên phải cố gắng học hành để đền đáp công ơn đó”.

Cùng sư phụ xem phim Tây Du Ký.
Cùng sư phụ xem phim Tây Du Ký.

Suốt 8 năm qua, cô học sinh nghèo Nguyễn Thị Kim Phụng đều đạt học sinh giỏi. Được biết, ba em làm nghề chẻ đá, mẹ bán chè, Phụng ở nhà vừa học bài vừa làm việc nhà và giữ em nên không có thời gian học. Gửi vào chùa, Phụng có nhiều thời gian để học hơn. Phụng tâm sự: “Em ước mơ được trở thành cô giáo như chị Đặng Thị Rơi. Em mang ơn sư phụ rất nhiều”.

Các em nhỏ rất vui khi được giao lưu văn nghệ.
Các em nhỏ rất vui khi được giao lưu văn nghệ.

Che chở những mảnh đời bất hạnh

Hơn 2 năm trước, trong một đêm khuya, sư cô Chơn Minh nghe tiếng trẻ khóc dưới mái hiên chùa. Dưới ánh điện là một bé trai sơ sinh nằm trong vỏ thùng mì gói. Sư cô ẵm bé vào vệ sinh rồi mang đến bệnh viện. Bác sĩ bảo, do em bé không sinh ở cơ sở y tế nên không được làm vệ sinh đúng cách, cũng may sư cô phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm. Tuy không có kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh nhưng vì có duyên với chùa nên sư cô giữ bé lại nuôi...

Nhiều nhà báo, nhà tài trợ và các bạn chương trình FM sinh viên đến thăm các em đang được nuôi dưỡng ở chùa Phật Bửu.
Nhiều nhà báo, nhà tài trợ và các bạn chương trình FM sinh viên đến thăm các em đang được nuôi dưỡng ở chùa Phật Bửu.

Mỗi bé một số phận, đến với sư cô bởi chữ duyên và người có tấm lòng nhân ái. Trước khi được gửi đến chùa Phật Bửu, bé Tâm vốn là trẻ mồ côi, được một phụ nữ đơn thân nhận nuôi. Khi Tâm học đến lớp 5, người mẹ nuôi mắc bệnh nan y nên gửi gắm cuộc đời em cho sư cô Chơn Minh… Do nhà quá nghèo nên khi sinh bé Hào, cha mẹ để em cho ông bà nội nuôi rồi cùng các anh của Hào vào Vũng Tàu làm thuê. Khi trở về quê, không may mẹ và anh trai Hào bị tai nạn giao thông. Người mẹ mất hoàn toàn khả năng lao động; ba đi làm mướn xa nhà nên hai anh em Hào đã được gửi cho sư cô nuôi dưỡng… Còn Lương, tuy mới học lớp 2 nhưng đã sớm nếm tủi cực. Lúc Lương còn trong bụng mẹ, ba bị tai nạn, tỉnh dậy đầu óc không còn tỉnh táo. Bà nội làm nghề lượm ve chai nên không nuôi nổi gia đình Lương. Mẹ em mang theo em đi tìm hạnh phúc mới, nhưng cha dượng không thương nên mẹ đành gửi em đến chùa, thỉnh thoảng mới lén chồng đến thăm con...

 Sư cô Chơn Minh nhận những món quà từ thiện.
Sư cô Chơn Minh nhận những món quà từ thiện.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ: Sư cô Chơn Minh đã nhận nuôi dưỡng nhiều em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ tâm thần. Chính quyền địa phương thường xuyên trao đổi thông tin, hướng dẫn, giúp đỡ để sư cô thực hiện đúng các thủ tục khi nhận nuôi các em.

Nhiều năm qua, sư cô Chơn Minh đã gánh trên vai nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền để lo cho 30 đứa con đủ lứa tuổi. Sư cô tâm sự, cũng may, các em đều có ý thức tự học. Mọi sự cáng đáng, bù qua sớt lại nhờ vào các nhà hảo tâm để các em có chế độ ăn đầy đủ và sạch sẽ. Theo sư cô Chơn Minh, hết gạo có thể xin ngay được nhưng việc giáo dục các em nên người mới là nan giải. Vào chùa có đứa nghịch, đứa ngoan, sư cô luôn trăn trở để tìm cách dạy bọn trẻ nên người...

41 tuổi đời, 20 tuổi đạo, bên cạnh công việc tu tập, sư cô Chơn Minh còn dành nhiều thời gian cho những việc làm thiện nguyện. Sư cô tâm sự: “Từng sống trong cảnh gia đình thiếu thốn nên tôi dễ đồng cảm với các em. Tuy vất vả tự tay chăm sóc, tắm rửa, cho các em ăn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy khổ. Tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng khi có các con, thấy nụ cười của các con mỗi ngày. Với tôi, những đứa con đang học đại học như là quả ngọt đầu mùa”.

K.N