Cuối năm là thời điểm thị trường lao động nhộn nhịp do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt là lao động phổ thông để phục vụ các đơn hàng Tết.
Cuối năm là thời điểm thị trường lao động (LĐ) nhộn nhịp do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) tăng cao, đặc biệt là LĐ phổ thông để phục vụ các đơn hàng Tết. Tuy nhiên năm nay, nhu cầu tuyển dụng của các DN không nhiều.
Đỏ mắt tìm việc
Chị Nguyễn Thị Hồng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng đã hơn 5 tháng nhưng vẫn chưa có việc làm. Đi đến đâu nộp hồ sơ, chị cũng bị các DN chối từ. “Cả mấy tháng nay, tôi đỏ mắt đi tìm việc nhưng đến giờ vẫn chưa có đơn vị nào nhận. Bố mẹ khuyên tôi về quê một thời gian. Nhưng học ngành của tôi, nếu về quê cũng khó tìm việc nên tôi đành phải đi dạy kèm cầm cự, qua Tết tiếp tục tìm việc làm” - chị Hồng nói. Hơn 4 tháng nay, anh Trương Ngọc Quân (Nha Trang, tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật công trình xây dựng) cũng cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi mà vẫn chưa có việc làm. Anh Quân cho biết: “Đơn vị nào cũng bảo đang trong thời điểm khó khăn, phải cắt giảm nhân sự nên chưa có nhu cầu nhận thêm LĐ. Tuy nhiên, họ cũng gợi ý để lại hồ sơ, khi nào kinh tế hồi phục sẽ gọi”.
Vào thời điểm này, không chỉ LĐ có trình độ, tay nghề mà ngay cả LĐ phổ thông cũng khó tìm việc. Số đơn đặt hàng tuyển dụng LĐ phổ thông tại các đơn vị giới thiệu việc làm đều có mức lương thấp (chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng) nên không thu hút người LĐ đăng ký...
Nhu cầu tuyển dụng không nhiều
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Khánh Hòa. |
Mọi năm, vào những tháng cuối, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và một số đơn vị chuyên cung ứng nhân lực trên địa bàn bao giờ cũng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng LĐ từ phía các DN trong và ngoài tỉnh, tập trung ở những ngành nghề như: lắp ráp điện tử, may mặc, chế biến thực phẩm, da giày, dệt nhuộm, xây dựng… Ông Nguyễn Anh Cường - Trưởng phòng Giới thiệu việc làm Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh nhìn nhận: “Những năm trước, bình quân những tháng cuối năm, chúng tôi tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ 50 đến 100 DN trong và ngoài tỉnh đăng ký tuyển 200 - 500 LĐ. Thế nhưng những tháng cuối năm 2012, nhu cầu đó đã chững lại thấy rõ. Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng ở các DN rất ít, chủ yếu là đơn đặt hàng tuyển dụng từ một vài DN sản xuất hàng may mặc với số lượng khá khiêm tốn (từ 10 đến 20 LĐ). Đặc biệt, những DN tại các tỉnh, thành quen thuộc như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… vẫn chưa có đơn đặt hàng tuyển dụng”. Lý giải về vần đề này, một số chuyên gia tuyển dụng LĐ cho biết, năm nay, các DN trong và ngoài tỉnh đang gặp khó khăn. Nhiều đơn vị phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho nhiều đã khiến DN không thể đẩy mạnh sản xuất, kéo theo nhu cầu tuyển dụng LĐ giảm. Cũng chính vì điều này mà tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng những tháng cuối năm 2012. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng là do tình hình kinh tế còn khó khăn, số lượng DN giải thể tăng. Thị trường bị bó hẹp, đơn hàng giảm buộc DN phải thu hẹp sản xuất, giảm nhân lực”.
Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng LĐ vào làm việc ở lĩnh vực du lịch - dich vụ trên địa bàn tỉnh lại có xu hướng tăng nhẹ. Ông Nguyễn Anh Cường cho biết: “Những tháng vừa qua, chúng tôi liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng tuyển dụng từ 5 đến 20 lao động của khoảng 50 DN vào làm việc trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Sở dĩ lĩnh vực này thiếu nguồn LĐ là vì đang chuẩn bị cho mùa du lịch Tết. Mức lương các DN đưa ra cũng khá hấp dẫn (từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng)”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số DN du lịch, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm cung cấp dịch vụ, bán hàng…, phần lớn LĐ đều là sinh viên làm bán thời gian hoặc LĐ xa quê tranh thủ làm việc. Do thiếu hụt LĐ, nhất là những người biết ngoại ngữ vào thời điểm hoạt động dịch vụ, du lịch cần nhiều nhân lực, nên nhu cầu việc làm ở nhóm ngành này tăng. Hầu hết các DN ở lĩnh vực dịch vụ - du lịch đưa ra tiêu chuẩn không mấy khắt khe. DN cũng có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại tay nghề cho người LĐ.
PHÚ VINH