12:12, 25/12/2012

Cần sự hỗ trợ của toàn xã hội

Tuy mới thực hiện từ đầu năm học 2012 - 2013 và mới có 44,8% học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số  được ăn trưa tại trường nhưng chủ trương này đã sớm nhận được sự đồng tình của xã hội.

Tuy mới thực hiện từ đầu năm học 2012 - 2013 và mới có 44,8% học sinh (HS) tiểu học (TH) là người dân tộc thiểu số (DTTS) được ăn trưa tại trường nhưng chủ trương này đã sớm nhận được sự đồng tình của xã hội. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đây là một điểm nhấn trong nỗ lực đổi mới giáo dục dân tộc và miền núi ở Khánh Hòa.

Những nỗ lực đáng quý

Với mức hỗ trợ 200.000 đồng/HS/tháng, để có thể trang trải cho khoảng 20 bữa ăn trưa đảm bảo dinh dưỡng là điều không dễ dàng đối với nhiều bếp ăn bán trú bắt đầu từ con số 0. Chính vì vậy, các phòng GD-ĐT đã huy động tối đa nội lực với nhiều cách làm khác nhau để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ này. Khánh Sơn thì giao cho các trường mầm non lân cận nấu ăn giùm. Đến bữa, nhân viên phục vụ các trường TH vận chuyển về, chia thành suất và quản lý các khâu ăn uống và dọn rửa; nhân viên bảo vệ lo sắp xếp bàn ghế để các cháu ăn, ngủ rồi kê lại như cũ để HS học buổi chiều. Khánh Vĩnh thì tận dụng, sửa chữa các phòng học hỏng làm nhà bếp tạm để nấu ăn; mỗi trường đều phân công người trong ban giám hiệu và mỗi lớp đều có 1 giáo viên trực trưa, quản lý HS chu đáo. Diên Khánh thì ứng trước kinh phí để lo bữa ăn trưa khi nguồn ngân sách chi cho nội dung này chưa được cấp phát kịp thời; hàng ngày phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng chăm lo bữa ăn trưa cho các cháu. Kinh phí chi thường xuyên của các trường TH có quy mô nhỏ ở các địa bàn khó khăn vốn rất khiêm tốn, ít ỏi nhưng nhiều trường vẫn trích ra một khoản để mua nước uống, xà phòng, nước rửa chén... cũng như nhiều vật dụng cần thiết khác cho việc tổ chức bán trú.

1
Khó khăn lớn nhất vẫn là đầu tư xây dựng bếp ăn một chiều và trang bị các dụng cụ nhà ăn cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em.

Ngoài việc khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo địa phương về xây dựng bếp ăn, tuyển dụng cấp dưỡng; nhiều phòng GD-ĐT đã vận dụng khá tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục để từng bước khắc phục khó khăn và nâng dần chất lượng bữa ăn cho HS. Trong đó, nổi bật nhất là huyện Khánh Vĩnh. Ban giám hiệu các trường TH đã phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ xi-măng, gạch để xây dựng nhà bếp tạm (ở Liên Sang, Khánh Đông, Khánh Phú, thị trấn), vận động phụ huynh HS cùng tham gia làm nhà bếp cũng như đóng góp dụng cụ nhà ăn, chiếu, gối cho HS nghỉ trưa (Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Nam, Khánh Thành, Khánh Trung) hoặc kêu gọi các trường ở đồng bằng hỗ trợ khay, bát ăn cơm (Sơn Thái, Giang Ly)... Phụ huynh HS nhiều trường ở Khánh Sơn cũng tự mua sắm dụng cụ phục vụ sinh hoạt cho con em mình như bàn chải đánh răng, chăn, gối, ca, bát, khay đựng thức ăn. Đáng quý nhất vẫn là tấm lòng của các thầy cô giáo. Ngoài công việc chuyên môn, các thầy cô đã dành nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con bán trú, vừa tận tâm chăm lo cho HS trong từng bữa ăn, giấc ngủ, dù đến nay chưa hề có chế độ phụ cấp, bồi dưỡng gì. Nhờ vậy, các em thích đến trường hơn; rất hiếm trường hợp nghỉ học. Hầu hết em được hỏi đều nói rằng, ăn tại trường ngon hơn ăn ở nhà và hầu như em nào cũng ăn hết suất. Điều này làm lãnh đạo các trường TH ở miền núi và vùng DTTS thêm tin tưởng sẽ sớm cải thiện được chất lượng văn hóa và sức khỏe cho HS từ việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường. 

Cần sự góp sức của toàn xã hội

Việc tổ chức bữa ăn trưa cho HS là người DTTS hiện vấp phải nhiều trở ngại mà riêng ngành GD-ĐT không thể giải quyết được. Trước tiên, đó là nhận thức của các bậc phụ huynh chưa thực sự thông suốt; nhiều gia đình chỉ muốn nhận khoản tiền hỗ trợ hàng tháng để trang trải việc gia đình thay vì phục vụ trực tiếp bữa ăn trưa cho con em mình. Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo cũng nói, không phải bà con nào cũng ỷ lại, nếu khéo vận động thì mọi người cũng sẵn lòng góp thêm mớ rau, quả bí hoặc gánh củi để bữa ăn trưa của các em tươm tất hơn, nhất là khi điều đó phục vụ trực tiếp cho bữa ăn, giấc ngủ của con em họ. Nhưng vấn đề là nói và làm thế nào để họ đồng tình ủng hộ.

Những đề xuất của các trường về hợp đồng cấp dưỡng, phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trực trưa... chắc sẽ được tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu tư xây dựng bếp ăn một chiều và trang bị các dụng cụ nhà ăn cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm. Các bếp ăn này, dù là tạm thời, cũng cần các thiết bị như tủ lạnh, máy xay thịt, nồi cơm điện, bếp gas, lò hấp, tủ đựng đồ ăn chín, bàn ghế ăn... Kinh phí của ngành, của huyện khó mà trang trải đủ để sắm các thiết bị này; nay mai khi vận động toàn bộ HS đồng bào DTTS vào bán trú, nhu cầu này càng cao hơn. Về lâu dài, vấn đề này cần được Nhà nước đầu tư nhưng hiện tại, cách tốt nhất là phát huy chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm thu hút sự quan tâm giúp đỡ của những doanh nghiệp xã hội, cá nhân hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh. Ngành GD-ĐT lâu nay đã thực hiện khá thành công phong trào “trường giúp trường” giữa các trường đồng bằng với các trường miền núi trong tỉnh. Một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước cũng đã nhiều lần chi viện cho các trường ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Không ít phòng GD-ĐT cũng như các đơn vị, trường học trong ngành đã sốt sắng hưởng ứng; có nơi đã hứa sẽ hỗ trợ ngay khi có chủ trương. Như vậy, điều cần thiết phải làm hiện nay chính là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Và việc này hoàn toàn trong tầm tay của ngành GD-ĐT.

LÊ VĂN