Ngày 13-12, thôn đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) có điện. Vậy là, niềm khao khát bao đời của người dân nơi đây đã thành hiện thực.
Ngày 13-12, thôn đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) có điện. Vậy là, niềm khao khát bao đời của người dân nơi đây đã thành hiện thực. Điện về không chỉ thắp sáng một vùng biển, đảo mà còn thắp sáng cả những ước mơ, dự định đi tới tương lai của bà con.
Giây phút đóng điện lưới quốc gia trên đảo Bình Hưng. |
Thỏa niềm mong ước
Đảo Bình Hưng lung linh ánh điện. |
“A! Có điện rồi... Điện về rồi bà con ơi!”, tiếng hò reo vang dậy cả một vùng biển, đảo khi thôn Bình Hưng được chính thức đóng điện lưới quốc gia. Đêm đầu tiên có điện, toàn thôn Bình Hưng không ngủ, nhà nào cũng bật đèn sáng trưng. Những người già trong thôn phấn khởi, ngắm ánh đèn điện trong niềm hạnh phúc khôn tả. “Đã hơn 250 năm nay, qua bao đời cha, ông chúng tôi sinh sống không có ánh điện, mọi sinh hoạt về đêm chỉ dưới ánh đèn dầu hiu hắt. Mong muốn có nguồn điện lưới quốc gia là ước mơ cháy bỏng của mỗi người dân Bình Hưng. Bây giờ có điện rồi, đời con, cháu chúng tôi sẽ bớt khó khăn, tương lai sẽ tươi sáng hơn”, cụ Nguyễn Nào (80 tuổi) tâm sự.
Người dân dễ dàng cập nhật tin tức khi có điện. |
Đến thôn đảo Bình Hưng những ngày này, không khí náo nhiệt như đang vào mùa lễ hội. Quanh làng, nhà nào cũng rộn ràng tiếng hát từ những dàn máy karaoke gia đình. Những âm thanh từ ti vi, radio đua nhau càng khiến không gian vùng biển đảo trở nên sôi động. Khi đêm về, đứng trên sườn núi Hòn Bù nhìn xuống, ánh điện thắp sáng thôn đảo Bình Hưng tạo nên vẻ đẹp lung linh, sáng ngời giữa biển nước mênh mông. Nhìn vẻ đẹp sống động đó, ít ai hình dung mới cách đây mấy hôm, quang cảnh thôn xóm Bình Hưng còn đìu hiu, trầm lắng. Đời sống người dân cứ âm thầm trôi theo dòng thời gian cùng niềm khát khao điện lưới quốc gia. “Khoảng 10 năm trước, thôn Bình Hưng được Nhà nước đầu tư 2 tổ máy phát điện, nhưng cũng chỉ đủ phát 3,5 tiếng/ngày từ 16 giờ đến 19 giờ 30. Tuy nhiên, nguồn điện đó cũng chập chờn ngày có ngày không và giá thành tương đối cao. Chính vì thế, mong ước có được nguồn điện lưới quốc gia là khát khao của lớp lớp người dân trong thôn”, ông Nguyễn Quang Thắng - Trưởng thôn Bình Hưng cho biết.
Chiếc tủ lạnh vừa mới mua của gia đình anh Đào Văn Lợi sẽ giúp cho việc bảo quản thủy hải sản tốt hơn trước. |
Thấu hiểu mong ước có điện của bà con trên đảo, từ năm 2005, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép UBND TP. Cam Ranh lập dự án đầu tư phủ điện thôn Bình Hưng. Tuy nhiên, việc triển khai dự án không đơn giản; phải đến năm 2011, khi tỉnh Ninh Thuận hoàn thành việc mở tuyến đường giao thông Bình Tiên - Vĩnh Hy (nối từ huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đến xã Cam Lập, TP. Cam Ranh) thì dự án phủ điện thôn đảo Bình Hưng mới mở ra hy vọng. Ông Đào Văn Hòa - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, toàn bộ tuyến đường dây hơn 11,1km đều nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và đi qua vườn quốc gia Núi Chúa nên phải thỏa thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong suốt toàn tuyến, việc thi công khó khăn nhất là đoạn vượt biển dài 928m để kéo dây sang đảo Bình Hưng. “Sau hơn 1 năm thi công, phải đối mặt với nắng, mưa, sóng, gió, công trình cấp điện cho hơn 1.800 người dân trên đảo Bình Hưng đã hoàn thành. Đây có thể xem là công trình thế kỷ đối với người dân trên đảo và cũng là đơn vị cấp thôn cuối cùng của TP. Cam Ranh được phủ lưới điện quốc gia”, ông Hòa nói.
Có điện về, việc học bài của cháu Nguyễn Thế Khôi đã thuận tiện hơn. |
Có điện về, trẻ em trong thôn được học dưới ánh đèn điện thay cho ánh sáng đèn dầu hoặc đèn ắc quy leo lét. Người dân trong thôn được cập nhật những thông tin thời sự, thời tiết và mở mang tầm hiểu biết. Các thầy cô giáo trên đảo an tâm soạn giáo án, chấm bài cho học sinh mà không phải canh cánh nỗi lo bất chợt bị mất điện... Bình Hưng được thắp sáng, nhiều hộ dân đã mua sắm thêm cho gia đình mình những đồ dùng thiết yếu như ti vi, máy giặt, quạt điện, bình nóng lạnh... Bây giờ, đi đến nhiều gia đình đã thấy sự hiện hữu của những chiếc tủ lạnh, tủ cấp đông mới cứng được dùng để bảo quản thủy hải sản thay thế cho những chiếc thùng xốp đựng đá. Cuộc sống ở đảo Bình Hưng đã thực sự bước sang một trang mới...
Tương lai tươi sáng
Trẻ em Bình Hưng vui chơi dưới ánh điện. |
Ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: Việc phủ điện thôn Bình Hưng ngoài việc đem ánh sáng đến cho đồng bào ngư dân ở đảo, còn góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên đảo. Người dân cần sử dụng điện có hiệu quả, đồng thời khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh trên đảo để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư có hiệu quả ngành khai thác, chế biến các sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; nên có hướng khai thác hiệu quả thế mạnh về du lịch biển tại đảo Bình Hưng. |
Điện về không những chỉ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần mà còn mở ra những dự định, ước mơ trên con đường đi tới ngày mai tươi sáng của người dân nơi đây. Chị Đỗ Thị Kim Hiền, người dân trên đảo khoe: “Có điện rồi, vợ chồng tôi sẽ đầu tư mua máy xay bột để thuận tiện hơn cho việc bán bánh xèo của gia đình. Tôi tính sẽ bán thêm cả buổi sáng vì có máy xay bột bằng điện thì lượng bột xay được nhiều hơn và không còn vất vả như trước”. Hiện tại, mỗi tối, lò bánh xèo mang đến cho anh chị khoản thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng, chắc chắn khi mở bán thêm buổi sáng, nguồn thu này sẽ tăng lên. Từ đó anh chị sẽ có điều kiện hơn để nuôi dạy 3 đứa con học hành đến nơi đến chốn. Cũng có những dự định trong làm ăn kinh tế gia đình, anh Nguyễn Thế Khoa - người dân trên đảo cho biết đang tính đến việc đi học nghề để mở xưởng cơ khí phục vụ nhu cầu của người dân trên đảo. Theo trưởng thôn Nguyễn Quang Thắng, có điện về, nhiều người dân trên đảo đang tính đến việc mở xưởng sản xuất nước đá, xưởng cơ khí, tiệm Internet... Diện mạo Bình Hưng sẽ thật sự khang trang, giàu đẹp trong một tương lai gần. Với các thầy cô giáo trên đảo, việc có điện giúp cho sinh hoạt của họ thuận lợi hơn; tạo điều kiện để các thầy cô nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ tốt hơn công việc “trồng người trên đảo. “Có điện rồi, chúng tôi sẽ có điều kiện hơn trong việc tra cứu thông tin trên mạng Internet để làm phong phú thêm bài giảng cho học sinh. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, kéo dần khoảng cách chất lượng giữa học sinh trên đảo với đất liền”, cô Đinh Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Bình Hưng chia sẻ.
Trước khi có tuyến đường Bình Tiên - Vĩnh Hy, thôn đảo Bình Hưng nằm tách biệt hẳn với các đảo lân cận và đất liền. Nhưng từ khi tuyến đường trên được mở ra, thôn đảo Bình Hưng đã rất gần với đất liền, chỉ mất 15 phút đi thuyền. Đảo Bình Hưng có nhiều bãi tắm đẹp, nước trong, cát trắng; môi trường khí hậu trong lành, người dân hiền hòa, hiếu khách. Ngoài đặc sản tôm hùm, Bình Hưng còn có nhiều loại thủy hải sản tươi sống khác. Trên đảo có lăng ông Nam Hải, miếu Bà, đình làng Bình Hưng, đặc biệt là ngọn hải đăng Hòn Chút tọa lạc trên đỉnh núi Hòn Bù. Đó thực sự là nguồn tài nguyên cho thấy tiềm năng du lịch ở Bình Hưng. Chính quyền TP. Cam Ranh đã tính tới việc tổ chức các hoạt động du lịch cho khách trải nghiệm cuộc sống của người dân trên đảo. Có điện về, dự định đó càng mang tính khả thi. Một tin vui khác đang được người dân Bình Hưng truyền tai nhau, đó là theo dự kiến, sắp tới sẽ tách thôn Bình Hưng ra khỏi xã Cam Bình để thành lập xã mới. Nếu điều đó trở thành hiện thực, người dân Bình Hưng sẽ bớt vất vả hơn trong việc làm các thủ tục hành chính. Đảo Bình Hưng sẽ thực sự có những bước tiến mới trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Một tương lai tươi sáng đang mở ra với mỗi người dân Bình Hưng. Vận hội mới, cơ hội mới đang được người dân nơi đây nắm bắt để xây dựng một Bình Hưng giàu đẹp hơn, bền vững hơn trong tương lai.
Chia tay với mảnh đất, con người Bình Hưng, chúng tôi mang theo niềm vui của người dân nơi đây - Bình Hưng đã được thắp sáng!
NHÂN TÂM - THU HIỀN