08:12, 25/12/2012

Rộng thêm cánh cửa vào đời

Số nhà 23/3 Thái Nguyên (TP. Nha Trang) hiện là địa chỉ dành cho người khuyết tật. Đến đây, họ được học nghề may miễn phí, được tạo điều kiện lao động để vươn lên làm chủ số phận…

Số nhà 23/3 Thái Nguyên (TP. Nha Trang) hiện là địa chỉ dành cho người khuyết tật (NKT). Đến đây, họ được học nghề may miễn phí, được tạo điều kiện lao động để vươn lên làm chủ số phận…

Đó là cơ sở may của bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh (57 tuổi). Bà vốn là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Ra trường, đi dạy chừng 10 năm thì bà lập gia đình và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình: mở một cơ sở hướng dẫn nghề may miễn phí cho NKT. Đã 8 năm nay, căn phòng nhỏ gần 20m2, vốn là phòng khách của gia đình, được bà tận dụng để đón gần 100 mảnh đời thiếu may mắn đến học tập và làm việc.

Trong căn phòng im ắng, phía sau những chiếc bàn máy may là những học trò tuổi đôi mươi đang miệt mài với từng đường may, miếng vải. Hầu hết các bạn bị khiếm thính. Đôi bàn tay không chỉ dùng để lao động mà còn là công cụ giao tiếp, giúp các bạn truyền tải thông tin, thể hiện tình cảm. May xong một sản phẩm, các bạn lại hào hứng đến khoe thầy, hỏi xem đã đạt yêu cầu chưa. Mỗi lúc như thế, bà Trinh lại dành cho họ lời khen tặng.

Bà Trinh kể, năm 2004, những học viên đầu tiên đến cơ sở xin học. Nhìn những học trò nghèo câm điếc, tật nguyền, có người chưa một ngày được đến trường, ngôn ngữ khiếm thính cũng không biết, bà rưng rưng nước mắt. Cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn nhưng ai đến xin học, bà cũng nhận. Ban đầu 4 - 5 người, sau có 15 - 20 người theo học. Để truyền nghề, bà đã mày mò học ngôn ngữ giao tiếp của người khiếm thính. Tài liệu về ngôn ngữ đặc biệt này cũng được bà photo, phát cho tất cả học viên, để cô và trò cùng học, từ đó hiểu và làm việc được cùng nhau. Nhờ thế, nhiều bạn không có điều kiện đi học cũng được “xóa mù” ngôn ngữ.

 Học viên khuyết tật học tập và làm việc tại cơ sở may của bà Trinh.

 Học viên khuyết tật học tập và làm việc tại cơ sở may của bà Trinh.

Cùng với dạy - học ngôn ngữ, bà Trinh cũng truyền thụ những bài học đầu tiên về xỏ kim, may đường thẳng, chạy đường cong... Khi các bạn đã thuần thục, bà bắt đầu tìm nguồn hàng về may gia công. Từ chỗ không biết gì về may vá, những học trò của bà đã có thể may được các loại quần, áo, chăn, màn, rèm cửa... Đến nay, mỗi người có thể tự kiếm được 1 - 2 triệu đồng/tháng nhờ nghề may. Nhiều người còn gửi được tiền phụ giúp gia đình, hoặc gửi tiết kiệm. Thành quả đó đã giúp họ tự tin, lạc quan hơn và xóa bỏ dần mặc cảm là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Bà Trinh cho biết, cơ sở hiện có 12 học viên, người nào cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Xúc động nhất là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Công Tuân (29 tuổi). “Tuân câm điếc từ nhỏ, lên 5 tuổi lại bị tai nạn, phải cưa mất chân phải. 8 năm trước, khi đến đây xin học, Tuân đi xe đạp và mang theo nạng gỗ. Tuy chỉ có thể đạp được nửa vòng xe, nhưng ngày nào em cũng đều đặn từ Tháp Bà sang đây học”, bà Trinh kể. Học viên nam duy nhất ở đây là anh Nguyễn Thuyền Vương, năm nay ngoài 20 tuổi. Anh là người duy nhất bị khiếm thính trong gia đình có 4 người con và chưa từng một ngày được đi học. Trước khi đến học tại đây, anh đi chăn bò. Nhà ở tận Diên Sơn (Diên Khánh) nên ngày ngày, anh phải thức dậy từ sớm, đạp xe xuống đây học và làm rồi chiều lại đạp xe về. Còn chị Nguyễn Thị Hoàng Ngọc (25 tuổi), nhà ở tận Cam Đức (Cam Lâm), cũng bị khiếm thính, được bà Trinh cho ở lại cùng đã 7 năm nay. Chăm chỉ làm lụng và dành dụm, năm vừa rồi, chị mang về cho ba mẹ được gần 10 triệu đồng...

Cảm phục tinh thần vượt khó vươn lên của những NKT bao nhiêu, chúng tôi càng cảm phục tấm lòng của bà Trinh bấy nhiêu. Bà đã mở rộng cánh cửa cuộc đời cho NKT hòa nhập cộng đồng. Tâm sự với chúng tôi, bà nói: “Nơi đây, chúng tôi luôn dang rộng vòng tay đón các em, chỉ cần các em kiên trì và quyết tâm theo học”.

NGỌC THẢO - HÒA TRANG