10:12, 26/12/2012

Thu ô tô trước, mô tô sau

Từ ngày 1-1-2013, quy định về việc thu phí đường bộ chính thức có hiệu lực. Cục Đăng kiểm tại các tỉnh, thành phố sẽ thu phí đối với ô tô khi vào đăng kiểm, còn mô tô sẽ giao cho UBND các xã, phường, thị trấn thu.

Từ ngày 1-1-2013, quy định về việc thu phí đường bộ chính thức có hiệu lực. Cục Đăng kiểm tại các tỉnh, thành phố sẽ thu phí đối với ô tô khi vào đăng kiểm, còn mô tô sẽ giao cho UBND các xã, phường, thị trấn thu.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 27.000  ô tô các loại và 550.000 mô tô được đăng ký quản lý. Kể từ ngày 1-1-2013, các chủ xe đều phải nộp phí đường bộ. Ông Ngô Vĩnh Chương - Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố sớm thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Đồng thời ban hành Thông tư 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện.

Qui định chung

Theo quy định, mức phí thấp nhất đối với ô tô là 130.000 đồng/tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ; mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Chủ ô tô sẽ nộp phí khi đưa xe đi đăng kiểm. Tuy tính theo năm nhưng chủ ô tô có thể đóng theo chu kỳ đăng kiểm của xe là 3, 6, 9 tháng; 1 - 2 năm hoặc 30 tháng. Sau khi đóng phí, ô tô được dán tem xác nhận thời gian tương ứng đã đóng phí.

Với những trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm quy định, cơ quan đăng kiểm kiểm tra xe và tính phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước. Những chủ xe không nộp phí ở lần đăng kiểm trước vừa phải đóng phí cho chu kỳ tiếp theo, vừa bị truy thu số chưa nộp và phải nộp phạt.  Đối với xe máy, chủ xe sẽ nộp từ 50.000 - 150.000 đồng/năm tùy chủng loại xe. UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức thu phù hợp với tình hình địa phương. Chủ xe máy nộp phí thông qua UBND xã, phường, thị trấn.

Từ ngày 1-1-2013, quy định về việc thu phí đường bộ chính thức có hiệu lực. Cục Đăng kiểm tại các tỉnh, thành phố sẽ thu phí đối với ô tô khi vào đăng kiểm, còn mô tô sẽ giao cho UBND các xã, phường, thị trấn thu.
Việc thu phí ô tô do các Cục Đăng kiểm thực hiện.

Sẳn sàng triển khai

Cũng như các địa phương khác, tại Khánh Hòa, kể từ ngày 1-1-2013, Trung tâm Đăng kiểm sẽ thu phí đối với ô tô. Riêng đối với xe máy, hiện UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở GTVT, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng phương án, tổ chức thu, quản lý và sử dụng phí đường bộ. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp HĐND giữa năm 2013. Do vậy, ít nhất phải đến giữa năm 2013, tỉnh mới chính thức ban hành mức phí đối với xe máy. “Sau khi có mức thu, người sử dụng xe máy sẽ phải đóng phí cho cả năm 2013 chứ không phải tính từ ngày tỉnh ban hành mức thu cụ thể ấy” - ông Chương cho biết. Trước mắt, để kịp thời thu phí đối với ô tô trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1-1-2013, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tạm thời hướng dẫn thực hiện trong tháng 1-2013.

Ngày 1-1-2013, sẽ tiến hành thu phí đường bộ đối với các loại ô tô và xe máy.
Ngày 1-1-2013, sẽ tiến hành thu phí đường bộ đối với các loại ô tô và xe máy.

Chủ của các loại ô tô được phép đóng phí tại Cục Đăng kiểm của bất cứ tỉnh, thành phố nào. Riêng mô tô, xe máy, phải đóng phí tại địa phương. Việc thống kê số lượng ô tô, xe máy sẽ giao cho tổ dân phố các xã, phường, thị trấn thực hiện. Đồng thời, trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện xe nào chưa đóng phí sẽ xử phạt.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh... tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các cấp cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân về các nội dung liên quan đến phí sử dụng đường bộ đối với mô tô.

Ông Chương nói: “Đối với ô tô, đơn vị thực hiện sẽ được trích lại 1% trong tổng số tiền thu được, phần còn lại nộp cho Trung ương 65% và giao về cho địa phương 35% để duy tu bảo dưỡng đường bộ. Riêng phí mô tô, xe máy, địa phương được giữ lại để bảo trì đường bộ mà không phải nộp cho Trung ương. Trước đây, do phí bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng được 40% nên chỉ thực hiện được việc bảo trì nhỏ, không đủ kinh phí sửa chữa lớn và bảo trì đường thường xuyên nên đường nhanh xuống cấp. Vì vậy, việc thu phí đường bộ lần này nhằm đáp ứng kinh phí để kịp thời duy tu sửa chữa các tuyến đường giao thông”.  

KHÁNH HÀ