02:12, 30/12/2012

Mía phơi khô trên đường

Vụ mía đường 2012-2013 mới bắt đầu, nhưng cả người nông dân và Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa đều như đang ngồi trên đống lửa.

Vụ mía đường 2012-2013 mới bắt đầu, nhưng cả người nông dân và Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa đều như đang ngồi trên đống lửa. Mía của dân thu hoạch xong phơi khô trên đường, trên ruộng, trong khi nhà máy lại đói nguyên liệu sản xuất. Tất cả cũng bởi trục trặc ở khâu vận chuyển.


Xót xa đời mía


Có mặt tại các xã Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự âu lo hiện rõ trên khuôn mặt những người nông dân. Sau một năm làm lụng vất vả, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát, nhiều nông dân tưởng sẽ vớt vát được phần nào công sức, vậy mà đến khi thu hoạch lại bị tắc ở khâu vận chuyển khiến hàng ngàn tấn mía nằm la liệt bên đường, trên bãi ruộng. Mỗi ngày trôi đi, thiệt hại của người nông dân lại tăng lên.

Ông Trần Lâm Danh Yên đang cố che lại đống mía để chờ xe tới chở.


Nhìn đống mía khô héo đã bắt đầu mốc của gia đình ông Trần Lâm Danh Yên (thôn Tân Hiệp, xã Ninh Thượng) nằm bên vệ đường, chúng tôi không khỏi xót xa cho công sức lao động của người nông dân. Vừa ôm những bó lá mía để che nắng, ông Yên vừa buồn bã nói: “Gia đình tôi ngày trước cũng trồng mía với diện tích lớn, nhưng mấy năm gần đây đã thu hẹp diện tích, chỉ còn trồng 1,3 ha. Năm nay, lịch chặt mía của gia đình là ngày 21-12, hôm trước đã vận chuyển được mấy xe về nhập cho nhà máy. Số còn lại chừng khoảng 15 tấn vẫn nằm chờ ở đây gần 10 ngày qua. Mía cứ để thế này thì trọng lượng sụt giảm, chữ đường thấp xuống, khó mà có lãi”.


Cùng chung tâm trạng với ông Yên, vợ chồng bà Trần Thị Sen (thôn 3, xã Ninh Thượng) suốt mấy ngày qua cũng đứng ngồi không yên. Mía chặt rồi không có xe vận chuyển đành để trên đồng phơi mưa, nắng. “Gia đình tôi năm nay quyết định thay giống mía mới và bỏ công chăm sóc nhiều hơn nên dù thời tiết nhiều nắng, ít mưa, mía gia đình tôi vẫn cho năng suất khá. Năm nay, tôi đăng ký với nhà máy sẽ nhập 250 tấn mía, nhưng hiện mới nhập khoảng 60 tấn. Nếu việc vận chuyển tiếp tục khó khăn như thế này thì gia đình tôi chỉ còn biết… kêu trời”, bà Sen thở dài.


Vụ mía năm nay, do tình hình nắng nóng kéo dài nên việc sinh trưởng, phát triển của cây mía gặp khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Nhìn bên ngoài, có thể thấy đa số cây mía năm nay thân nhỏ, ngắn, giá bán không tăng so với những năm trước.


Vì sao việc vận chuyển mía bị ách tắc?


Nguyên nhân dẫn đến cảnh mía của người nông dân dồn ứ không về nhà máy được và nhà máy đói nguyên liệu là do ách tắc ở khâu vận chuyển. Điều này, từ người nông dân đến nhà máy đều biết và đều cố gắng tìm cách tháo gỡ. “Gia đình tôi trồng 10 ha mía, nhưng do nhà có xe tải nên chủ động được khâu vận chuyển. Tuy nhiên, mỗi ngày tôi cũng chỉ được chở một xe theo lịch của nhà máy. Như vậy vẫn còn may hơn nhiều gia đình khác, mía chặt xuống chất đống không có xe chở, thiệt hại là điều khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Thanh Tùng (thôn 3, xã Ninh Thượng) cho biết.

Mía chặt xong, không có xe chở đành phơi khô trên ruộng.


Không may mắn như nhà ông Tùng, gia đình ông Đặng Được (thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân) tự gỡ khó cho mình bằng cách bồi dưỡng thêm cho tài xế và người bốc mía, nhưng mía của nhà ông vẫn chưa được chở đi. “Cách đây khoảng 5 ngày, gia đình tôi chặt 1/3 diện tích mía. Chúng tôi đã trả tiền vận chuyển từ ruộng ra đường để xe nhà máy đến chở, nhưng từ đó đến nay mía vẫn nằm đó. Tôi đã cố gắng liên hệ với một vài tài xế quen biết và hứa sẽ bồi dưỡng thêm tiền nước, nhưng vẫn chưa có xe chở. Sáng nay, tôi được một tài xế hứa sẽ cho xe lên chở mía vào chiều nay, hy vọng đó là sự thật”, ông Được kể.

 

Tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương và 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi vận chuyển mía, ông Lê Đức Vinh – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định, việc vận chuyển mía quá tải thời gian qua đã ảnh hưởng xấu đến kết cấu đường bộ. Ông Lê Đức Vinh chỉ đạo: các doanh nghiệp thực hiện việc thu mua mía nguyên liệu theo đúng kế hoạch; việc thu mua, vận chuyển đảm bảo không ảnh hưởng đến chữ đường của cây mía và kết cấu hạ tầng giao thông. Các Công ty rà soát lại hợp đồng với các chủ phương tiện vận chuyển mía, trong đó quy định rõ việc vận chuyển mía đúng tải trọng theo quy định, phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường; nếu phương tiện nào 3 lần vi phạm thì không ký hợp đồng. Các Công ty cần phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông trong xử lý các vi phạm; hàng năm đóng góp kinh phí với địa phương để duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Các tài xế vận chuyển mía cho biết, các xe chở mía không được chở vượt quá 50% so với trọng tải quy định. Quy định này nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng như an toàn giao thông, nhưng điều này khiến lợi nhuận từ mỗi chuyến xe của tài xế bị sụt giảm. “Xe của tôi theo quy định chỉ được chở 7,5 tấn, sau khi trừ hết chi phí tiêu hao nhiên liệu, công bốc vác… chỉ còn lời được hơn 100.000 đồng/chuyến. Số tiền đó quá nhỏ so với chi phí bỏ ra để đầu tư. Nếu lỡ chở quá quy định một chút phải nộp phạt thì coi như mất không. Thà để xe nằm chờ và tìm việc khác còn hơn chở mía”, tài xế xe 79D.00… cho biết.


Do các tài xế không mặn mà với việc chở mía nên đã dẫn đến tình trạng mía của nông dân chất đống trên đường, trong khi nhà máy lại đói nguyên liệu. Theo ông Lê An Khang – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, việc các tài xế không vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà phía Công ty cũng chịu không ít thiệt hại. Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa hiện đang áp dụng các chính sách bảo hiểm chữ đường cho nông dân, vì vậy một khi mía phơi ngoài ruộng bị giảm trọng lượng, chữ đường giảm sẽ khiến cả nông dân và nhà máy bị thiệt hại. “Mặc dù niên vụ mía năm nay, chúng tôi đã tăng đơn giá vận chuyển, bốc xếp mía lên thêm 3% so với niên vụ trước, nhưng do các xe vận chuyển mía không chịu vận chuyển nên đến tối 28-12, nhà máy đã hết mía nguyên liệu để ép. Mặc dù số lượng mía đã thu hoạch xong chờ vận chuyển vẫn tồn trên ruộng khoảng 10 nghìn tấn (Khánh Hòa 6.000 tấn, Đắk Lắk 4.000 tấn), nhưng Nhà máy Đường Ninh Hòa phải ngưng hoạt động hơn 10 tiếng đồng hồ, từ 6 đến 16 giờ ngày 29-12. “Trong niên vụ mía 2012-2013, Công ty chúng tôi đã hợp đồng với hơn 300 xe để vận chuyển mía từ các vùng nguyên liệu trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.


Trước tình hình các nhà xe không chịu nhận lệnh vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy, ngay trong sáng 29-12, chúng tôi đã làm việc với các chủ xe, tài xế xe hợp đồng vận chuyển mía với Công ty. Về phía Công ty, chúng tôi đã vận động các chủ xe khi vận chuyển mía tuân thủ các quy định về tải trọng của các xe chở mía; đồng thời tăng mức cước vận chuyển mía lên thêm 6%, chưa bao gồm mức giảm giá xăng dầu khoảng 3% vẫn được giữ nguyên. Sau khi làm việc, hầu hết các chủ xe, tài xế đã đồng tình ủng hộ quan điểm của nhà máy, tuy nhiên vẫn còn số ít chưa ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà xe về vấn đề này. Đến 17 giờ ngày 29-12, 50% số xe hợp đồng với công ty đã đến nhận lệnh vận chuyển mía. Chúng tôi hy vọng, tnh hình vận chuyển sẽ được cải thiện trong những ngày tới”, ông Lê An Khang cho biết.

Bích La – Nhân Tâm