09:12, 08/12/2012

Nhọc nhằn nghề cấp dưỡng

Công việc nặng nhọc, áp lực cao nhưng thu nhập quá thấp, đó là thực trạng đáng quan tâm của người làm nghề cấp dưỡng tại các trường mầm non hiện nay.

Công việc nặng nhọc, áp lực cao nhưng thu nhập quá thấp, đó là thực trạng đáng quan tâm của người làm nghề cấp dưỡng tại các trường mầm non (MN) hiện nay.

 Hằng ngày, các cô cấp dưỡng phải có mặt từ 4 giờ sáng để lo bữa ăn sáng cho các cháu.
Hằng ngày, các cô cấp dưỡng phải có mặt từ 4 giờ sáng để lo bữa ăn sáng cho các cháu.

Vất vả…

Phân chia phần ăn cho các lớp.
Phân chia phần ăn cho các lớp.

5 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở Trường MN Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang). Trong khuôn viên bếp ăn, nhân viên cấp dưỡng đang tất bật chuẩn bị bữa sáng cho 400 học sinh. Chị Trần Thị Hồng, nhân viên cấp dưỡng của trường cho biết, các chị đến trường từ lúc 4 giờ sáng, làm những những công việc tuần tự như: quét dọn, lau chùi bếp, đun nước sôi, nhận thực phẩm để nấu ăn trong ngày, hầm xương heo, xay thịt… “Hôm nay thực đơn buổi sáng đơn giản nên nấu nhanh, chứ gặp hôm nấu các món như cháo bí đỏ thịt heo, xúp nuôi khoai tây cà rốt phải gọt rau củ thì mất nhiều thời gian hơn, chúng tôi còn phải đi làm sớm hơn”, chị Hồng cho biết.

Đem phần ăn lên các lớp.
Đem phần ăn lên các lớp.

Đúng 6 giờ 20, bữa ăn sáng cho các cháu ở 12 lớp đã được phân chia đâu vào đấy. Các nhân viên cấp dưỡng bắt đầu đẩy xe đưa bữa ăn sáng tới từng lớp học. Với những lớp học trên lầu, các chị phải bê từng xô thức ăn lên tận nơi. Sau khi các cháu ăn xong, các chị thu dọn và rửa chén bát, đồ dùng nhà bếp sử dụng cho bữa sáng, sau đó lại nhanh chóng lo phục vụ bữa trưa. Mới 8 giờ 30 sáng nhưng gian bếp chính đã hầm hập hơi nóng với nồi cơm đã lên lò. Bên ngoài khu vực sơ chế, các chị bận bịu luôn tay, người thái thịt, người gọt bí, người rửa mực. “Bữa chính hôm nay, các cháu ăn cơm với mực xào giá thơm, cà chua, cần tây; canh bí đỏ thịt heo đậu phụng”, các chị cho biết. 10 giờ, khi bữa trưa đã chuẩn bị xong, quy trình đưa thức ăn đến các lớp lại tiếp tục. Lần này, các chị cực hơn do phải đi lại nhiều lần vì bữa trưa có nhiều món hơn so với bữa sáng. Các cháu còn bé, nhiều cháu ăn chậm, bữa ăn vì thế đôi khi kéo dài đến hơn 11 giờ. Khi hoàn tất mọi việc, đồng hồ đã điểm 12 giờ, lúc này các chị mới vội vàng ăn bữa trưa. Chỉ ngả lưng được 15 phút, họ lại bắt đầu lo cho bữa ăn xế của các cháu, thường diễn ra vào khoảng 2 giờ chiều. Tuy chỉ là bữa phụ với các món ăn nhẹ như: phở, bún, bánh canh, cháo… các chị cũng phải chuẩn bị chu đáo. Xong bữa xế, đội ngũ cấp dưỡng lại tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh bếp núc, tất bật với rất nhiều công việc, đến khi ngơi tay cũng đã 4 giờ chiều.   

Ngoài công việc của mình, các cô cấp dưỡng còn phụ giúp giáo viên cho cháu ăn.
Ngoài công việc của mình, các cô cấp dưỡng còn phụ giúp giáo viên cho cháu ăn.

Không chỉ vất vả, nặng nhọc, những người làm nghề cấp dưỡng ở trường MN còn luôn bị áp lực với việc lo bữa ăn tươm tất, hợp vệ sinh. Chị Phạm Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ bếp ăn tại Trường MN Hương Sen (Nha Trang) cho biết, mỗi lần nhận thực phẩm từ nhà cung cấp, cô phải kiểm tra thận trọng, các loại rau lá có dấu hiệu bị dập, hay thực phẩm nghi ngờ không tươi, chị cương quyết không nhận hàng, yêu cầu đổi ngay. Thịt, cua, tôm, cá… khi nhận lúc nào cũng phải đảm bảo tươi ngon. Trong quá trình chế biến thức ăn, các chị luôn nhắc nhau cố gắng thực hiện đúng quy trình chế biến để món ăn giữ được chất dinh dưỡng, đồng thời đảm bảo vệ sinh. Chị Thiều Thị Thành, cấp dưỡng Trường MN Hương Sen tâm sự: “Cực nhất là những lúc bóc vỏ tôm, cua để nấu xúp cho các cháu. Tôm sống khi bóc vỏ rất khó, mà mỗi lần bóc hơn 15kg tôm, nhiều lúc tay rớm máu”.

Túc trực một ngày trong bếp ăn của các trường MN mới thấy công việc cấp dưỡng tưởng chừng đơn giản nhưng thật vất vả. Để có được bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cháu, các nhân viên cấp dưỡng phải làm việc cật lực, liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ gần như không được nghỉ ngơi. Ở các trường có số lượng học sinh đông (hơn 400 cháu) như Trường MN Lý Tự Trọng, Hương Sen, chỉ tính riêng việc dọn rửa, trung bình mỗi ngày nhân viên cấp dưỡng phải đứng ít nhất 4 giờ đồng hồ để làm sạch hơn 1.200 cái chén, xoong nồi, chưa kể các vật dụng khác.

Tranh thủ ăn trưa để tiếp tục công việc.
Tranh thủ ăn trưa để tiếp tục công việc.

… nhưng thu nhập thấp

Làm việc quần quật hơn 10 tiếng/ngày không hề ngơi tay, nhưng thu nhập của những người làm nghề cấp dưỡng rất thấp. Những người mới vào làm 1, 2 năm chỉ nhận được hơn 900.000 đồng/tháng. Còn người có thâm niên 27 năm trong nghề như chị Phạm Thị Hoa thì được 3,4 triệu đồng/tháng. Vì quá khó khăn, buổi tối, chị Thiều Thị Thành phải xin làm tạp vụ ở một cửa hàng từ 7 - 9 giờ tối để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Cô Kiều Thị Sen - Phó Hiệu trưởng Trường MN Hương Sen cho biết: “Theo quy định, hệ số lương cấp dưỡng mới vào nghề là 1.0 nhân với mức lương tối thiểu (tùy theo thời điểm). 2 năm, họ được tăng hệ số lương một lần nhưng hệ số tăng rất thấp. Ngoài ra, nhân viên cấp dưỡng không được hưởng chế độ nào khác”. Ở các trường tổ chức ăn sáng, nhận giữ cháu vào ngày thứ bảy, nhân viên cấp dưỡng có thêm thu nhập nhưng cũng chỉ thêm được khoảng 300.000 - 400.000 đồng/tháng. “Mức lương quá thấp lại không được hưởng bất cứ chế độ phụ cấp nào, vì vậy, việc tuyển dụng cấp dưỡng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người mới vào làm được vài tháng đã nghỉ việc vì kham không nổi”, cô Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường MN Lý  Tự Trọng cho biết.

Một ngày, các cô cấp dưỡng phải đứng ít nhất 4 tiếng để rửa chén bát, xoong nồi.
Một ngày, các cô cấp dưỡng phải đứng ít nhất 4 tiếng để rửa chén bát, xoong nồi.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện nay toàn tỉnh có 177 trường MN, trong đó 138 trường tổ chức bán trú cho học sinh. Tùy theo số lượng học sinh mà số lượng cấp dưỡng được phân bổ theo chỉ tiêu: mẫu giáo 50 cháu/1 cấp dưỡng; nhà trẻ 35 cháu/1 cấp dưỡng. Bà Trần Thị Lãy - Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT) cho biết: “Cùng làm trong ngành GD nhưng tôi thấy hiện nay có sự chênh lệch về chế độ chính sách rất nhiều. Đơn cử như các nhân viên cấp dưỡng ở trường MN, tuy không trực tiếp dạy trẻ nhưng họ là những người chăm lo từng bữa ăn cho các cháu, công việc lại vất vả, làm hơn 8 tiếng/ngày nhưng lại không được hưởng một chế độ phụ cấp nào như: phụ cấp thâm niên, phụ cấp độc hại, bồi dưỡng trực trưa… Thiết nghĩ, lãnh đạo địa phương, ngành GD nên quan tâm đến đội ngũ cấp dưỡng, có chế độ chính sách phù hợp để họ an tâm, gắn bó với nghề”.

 “Với mong muốn các cháu được ăn ngon, chúng tôi thường xuyên tham khảo báo đài, tạp chí để sáng tạo, học tập những món ngon, dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Thấy các cháu ăn ngon, ăn khỏe, phát triển tốt, phụ huynh yên tâm khi gửi con cho trường, chúng tôi cảm thấy vui, được tiếp thêm động lực, không muốn bỏ nghề. Chỉ mong sao nghề cấp dưỡng được ghi nhận một cách trân trọng hơn, được quan tâm nhiều hơn để chúng tôi yên tâm công tác”. Đó là tâm sự của cô Trần Thị Ánh Minh - Tổ trưởng Tổ bếp Trường MN Lý Tự Trọng, và có lẽ cũng là nỗi lòng chung của những người làm cấp dưỡng.

NGỌC THẢO - THU HIỀN