Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2 (Khánh Trung - Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) hiện đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để đưa vào vận hành trong năm 2013
Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2 (Khánh Trung - Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) hiện đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để đưa vào vận hành trong năm 2013
Đẩy nhanh tiến độ
Công trình thủy điện Sông Giang 2 thuộc địa phận xã Khánh Trung - Khánh Vĩnh được khởi công xây dựng từ năm 2009. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ đi vào vận hành trong năm 2011, nhưng do nhiều nguyên nhân phát sinh trong quá trình triển khai thi công nên dự án đã bị chậm tiến độ.
Ông Ngô Minh Tân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang cho biết: “Công trình thủy điện Sông Giang 2 nằm ở vị trí có địa chất phức tạp mà trong giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật, đơn vị tư vấn chưa lường hết được. Chính vì thế, trong quá trình thi công, đơn vị phải triển khai thêm nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn và phát sinh khối lượng sửa chữa thường xuyên tại hiện trường. Phần đào hầm ngầm áp lực chúng tôi đã gặp khoảng 20 lần sự cố sạt trượt. Khó khăn nhất là lúc đào qua túi bùn tại lý trình K1+841,9 đã dẫn đến sự cố sạt hầm, tạo thành một lỗ hỗng lớn, sâu hơn 50m. Chỉ riêng việc xử lý các sự cố này cũng đã kéo dài đến gần một năm. Điều này đã làm tiến độ công trình chưa đạt như mong muốn và giá thành tăng cao ngoài dự kiến của chủ đầu tư”.
Thi công đường ống áp lực. |
Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2 do Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư được xây dựng trên địa phận xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh. Công trình có tổng diện tích 123km², công suất lắp máy 37MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 141 triệu kw/h, tổng mức đầu tư 1.040 tỷ đồng với sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. CDM là một cơ chế hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực môi trường giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia công nghiệp hóa nhằm làm giảm phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu. Yêu cầu quan trọng nhất đối với một dự án CDM là phải giảm được lượng phát thải và mang lại những lợi ích có thực, giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu. |
Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của chủ đầu tư và các đơn vị thi công, công trình thủy điện Sông Giang 2 đã về gần đến đích và chuẩn bị cho ngày hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện nay, khối lượng công việc đã thực hiện được 90 - 95%. Tất cả các hạng mục cơ bản của công trình như cụm đầu mối, kênh dẫn nước, đường hầm áp lực, đường ống áp lực, nhà máy, trạm phân phối điện… đều đã hoàn thành. Khối lượng công việc chính còn lại là đổ bê tông một số hạng mục, trang trí nội thất, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp đặt thiết bị thủy công, thủy lực, hệ thống máy phát điện… “Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm định các thiết bị trước khi đưa vào hoạt động và các công việc hoàn thiện cần tiến độ khoảng từ 2 - 3 tháng nữa. Dự kiến trong tháng 2-2013, các chuyên gia nước ngoài sẽ đến kiểm tra kỹ thuật, thử tải và vận hành tổ máy thứ nhất vào tháng 3-2013” - ông Ngô Minh Tân cho biết thêm.
Đăng ký thành công dự án CDM
Được đánh giá là một công trình sạch, thân thiện với môi trường, tháng 9-2012, Ủy ban Chấp hành quốc tế về CDM của Liên hợp quốc (EB) đã chính thức phê chuẩn đăng ký dự án Thủy điện Sông Giang 2 thành dự án CDM. Đơn vị mua quyền giảm phát thải là Công ty Vitol S.A - Thụy Sĩ. Theo dự kiến, khi Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2 đi vào hoạt động dự án sẽ góp phần giảm lượng khí phát thải toàn cầu tương đương 73,757 tấn CO2/năm, mang lại một nguồn thu đáng kể hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án.
Ông Võ Thái Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang cho biết: “Được đánh giá là dự án CDM, sau khi đi vào hoạt động, chủ đầu tư phải chứng minh được lượng giảm phát thải CO2 là có thực theo quy định. Chính vì thế, chúng tôi luôn phải thực hiện nghiêm túc để đảm bảo vấn đề này. Hiện tại, Công ty cũng đang tích cực lập hồ sơ CDM cho dự án Thủy điện Sông Giang 1”.
Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người dân quan tâm khi nhà máy đi vào hoạt động - đó là vấn đề xả lũ. Ông Ngô Minh Tân cho biết: “Nếu ở những công trình thủy điện khác, nhà máy vận hành dựa trên cơ sở tích nước và xả lũ, thì Thủy điện Sông Giang 2 với lòng hồ nhỏ chỉ có 20ha, cộng thêm dung tích 1 triệu m3, hoạt động dựa trên cơ sở tích nước và để tràn tự nhiên. Chính vì thế, khi nhà máy đi vào hoạt động, lưu lượng nước suối khu vực này vẫn đảm bảo như trước đây. Đồng thời, khi có lũ, công trình cũng không ảnh hưởng đột ngột đến vùng hạ du, vì không có cơ chế xả lũ như các hồ chứa khác. Mặt khác khi vận hành, chúng tôi phải tuân theo quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt”.
Được biết, hiện nay, Công ty đã ký kết hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trước đó, để đáp ứng kịp thời khi nhà máy vận hành, Công ty đã bố trí, tạo điều kiện cho các nhân viên được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất tại Khánh Hòa với công suất lắp máy 37MW. Công trình này sẽ góp phần cung ứng một phần sản lượng điện đang thiếu hụt trong khu vực, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng dự án.
Công nhân đang lắp đặt các thiết bị. |
THU AN