Mừng vui vì được tham dự buổi lễ trao sổ tiết kiệm, nhưng với các nữ cựu thanh niên xung phong, đây là dịp để họ gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm một thời tuổi trẻ cũng như những niềm vui, nỗi buồn trong ngày gặp lại...
Mừng vui vì được tham dự buổi lễ trao sổ tiết kiệm, nhưng với các nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP), đây là dịp để họ gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm một thời tuổi trẻ cũng như những niềm vui, nỗi buồn trong ngày gặp lại...
Món quà nghĩa tình
Những tiếng cười nói rôm rả, câu thăm hỏi thân tình, những cái bắt tay siết chặt, chứa chan tình cảm của các nữ cựu TNXP khi gặp lại nhau trong buổi lễ trao sổ tiết kiệm đã khiến không khí hội trường Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trở nên ấm cúng. Buổi lễ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ngân hàng Quân đội Chi nhánh Khánh Hòa tổ chức (ngày 18-12) nhằm tri ân nghĩa tình đồng đội, lực lượng TNXP nói chung và các nữ cựu TNXP nói riêng đã hy sinh tuổi xuân để xây dựng và bảo vệ đất nước. 20 nữ TNXP được tặng sổ tiết kiệm lần này đều là những người có hoàn cảnh rất khó khăn.
Mỗi sổ tiết kiệm trị giá 3 triệu đồng. Với nhiều người đây là số tiền không lớn nhưng với những nữ cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, đây là món quà rất ý nghĩa. Bà Lê Thị Minh Châu, 64 tuổi (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Hiện tôi sống một mình, đau ốm liên tục. Đây là lần thứ 2 tôi nhận được sự quan tâm của các ngành... Tôi rất xúc động trước ân tình này”. Bị thương tật 4/4 nhưng sau nhiều lần chuyển công tác, bà Châu bị mất hết giấy tờ gốc nên hiện chỉ nhận trợ cấp mất sức lao động 1,4 triệu đồng/tháng. Không lập gia đình, bà nhận nuôi 3 người con. Hiện 2 cô con gái đã lấy chồng, người con trai ở với bà nhưng cũng không giúp được nhiều cho mẹ. Ngoài số tiền trợ cấp mất sức lao động, bà nhận giữ thêm 2 đứa trẻ, mỗi cháu 30.000 đồng/ngày. “Ngoài trang trải cuộc sống cho mình, tôi còn giúp một chị bạn trước đây cũng đi TNXP ở Bến Tre. Hoàn cảnh gia đình chị ấy rất đáng thương, một mình nuôi 3 người con, không nhà cửa, phải sống nhờ ở chùa” - bà Châu cho biết.
Các nữ cựu thanh niên xung phong ôn lại quá khứ đáng tự hào. |
May mắn hơn, bà Võ Thị Túy Hằng, 55 tuổi (Vạn Lương, Vạn Ninh) sau khi rời đơn vị về lại địa phương đã lập gia đình và có 2 người con. Thế nhưng, vợ chồng bà đến với nhau bằng 2 bàn tay trắng, không nghề nghiệp, ruộng vườn. Vì vậy, hàng ngày ông bà phải lên rẫy mót củi về bán, mỗi ngày kiếm khoảng 50.000 đồng. Vào mùa đậu ván, ông bà đi mót đậu hoặc ai mướn gì làm nấy. Bà Hằng chia sẻ: “Tuy vất vả nhưng lúc nào cũng có việc làm. Ngày xưa, tôi từng là y tá nên hôm nào không mót củi được thì các đồng đội ở Nha Trang lại giới thiệu tôi đi nuôi người bệnh. Ngoài giúp tôi có việc làm, các chị còn hỗ trợ gia đình những lúc khó khăn. Hiện cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng tôi vui vì bên cạnh luôn có đồng đội. Số tiền được hỗ trợ, tôi sẽ đầu tư để nuôi gà, còn lại để phòng lúc ốm đau, bệnh tật”.
Cùng là nữ TNXP trở về, cuộc sống của bà Đặng Thị Kim Long, 60 tuổi (Quảng Hòa, Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) gặp không ít khó khăn. Chồng mất sớm, nhà không có ruộng vườn, bà sống nhờ vào nghề may vá, tần tảo sớm hôm nuôi hai con ăn học. Mỗi khi trái gió trở trời, bà lại phải vật lộn với chứng bệnh thần kinh. Được trao sổ tiết kiệm lần này, bà rất mừng khi những khó khăn trong cuộc sống cũng vơi được phần nào..
Dấu ấn một thời
Cuộc sống trước mắt đối với các nữ cựu TNXP tuy còn rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng khi nhắc lại quá khứ, trong ánh mắt họ vẫn tràn đầy niềm tự hào về những hy sinh cống hiến của mình, của đồng đội cho đất nước. Bà Túy Hằng chia sẻ: “Ngày đó, khi xung phong đi TNXP, tôi vừa tròn 17 tuổi, còn rất bỡ ngỡ. Lúc đó tôi chỉ muốn đi để cống hiến và khai phá vùng đất mới”. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ấy, bà được phân công lên Khu kinh tế mới Đất Sét (Diên Khánh), sau đó về Sông Hinh.
Nhớ lại những năm tháng cùng đồng đội lao động sản xuất, xây dựng vùng đất mới, đôi mắt bà ánh lên niềm vui: “Sau mỗi ngày lao động vất vả, tối đến chúng tôi lại chụm đầu vào nhau ngân nga câu hát về nhạc rừng, ngày mùa... Nhưng có lẽ cảm giác chờ đợi nhất vẫn là khi nghe bản tin của đài truyền thanh xướng tên những chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sự động viên về tinh thần ấy đã khiến chúng tôi như được tiếp thêm nghị lực, không quản mưa nắng, vất vả, hăng hái lao động sản xuất. Người có sức khỏe thì làm việc nặng, người yếu thì làm việc nhẹ với tâm niệm “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”. Sau khi chuyển về Sông Hinh làm y tá, bà Hằng vẫn luôn tận tâm, tận lực chăm sóc sức khỏe cho các đồng đội.
Số tiền tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên lớn đối với các nữ cựu thanh niên xung phong. |
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa: Qua tìm hiểu, hiện số lượng nữ cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh còn nhiều. Vì thế, thời gian tới, bên cạnh đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành về chế độ chính sách đối với nữ TNXP, chúng tôi sẽ tiếp tục làm cầu nối vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều hơn cho nữ cựu TNXP vượt qua khó khăn. |
“17 tuổi, tôi rời gia đình tham gia lực lượng TNXP, đơn vị C2 Thanh Hóa. Và rồi tuổi xuân của tôi cùng nhiều đồng đội khác đã gắn liền với sân bay dã chiến. Hàng ngày, không quản mưa nắng, chúng tôi cắt cỏ, khơi thông rãnh nước, bảo đảm khô ráo cho các máy bay đi chiến đấu về hạ cánh an toàn”, bà Lê Thị Minh Châu kể. Bà Châu phục vụ tại sân bay dã chiến được 3 năm, đến năm 1978 bà được chuyển công tác đi xây dựng vùng kinh kế mới ở Nông trường Sơn Hội (Ninh Hòa). Sau đó, bà được điều về làm kế toán, kiêm phó bí thư Đoàn phụ trách đơn vị TNXP Dục Mỹ. Bà nhớ lại: “Ngày đó, chúng tôi về tuyển các bạn trẻ vào TNXP. Thỉnh thoảng, mấy “lính mới” vẫn đi hái nấm về ăn. Một hôm ăn phải nấm độc nên mấy chị em bị ngộ độc phải cho xe đưa lên Ninh Hòa cấp cứu. Cũng may, sau đó các em không bị sao, chúng tôi được một phen hú vía”.
Khó khăn, gian khổ, bệnh tật... nhưng giờ đây, trên khuôn mặt của các nữ cựu TNXP, chúng tôi vẫn nhận thấy vẻ rạng rỡ, yêu đời. Không chỉ chăm lo cho cuộc sống của gia đình mình, nhiều chị còn năng nổ tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn.
CẨM VÂN