03:12, 10/12/2012

Góp phần hạn chế tranh chấp ở cơ sở

Ở phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), mô hình Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý hoạt động khá hiệu quả, góp phần tích cực hạn chế những tranh chấp ở cơ sở…

Ở phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), mô hình Câu lạc bộ (CLB) Trợ giúp pháp lý (TGPL) hoạt động khá hiệu quả, góp phần tích cực hạn chế những tranh chấp ở cơ sở…

“Hiệu quả mà CLB mang lại rất lớn. Dễ nhận thấy nhất là những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ  người dân ở cơ sở gần như không còn. Nhận thức về pháp luật của người dân địa phương được nâng lên. Năm nay, gần như không có đơn thư khiếu nại gửi lên UBND phường. Mọi chuyện đều được giải quyết ở tổ dân phố”, ông Nguyễn Giờ - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Đa cho biết.

Theo ông Trần Văn Thuận, công chức tư pháp phường kiêm Chủ nhiệm CLB, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo phường, CLB duy trì sinh hoạt khá đều đặn. Hàng tháng, căn cứ vào kế hoạch công tác tư pháp và kế hoạch của các ban, ngành trên địa bàn, Ban Chủ nhiệm phân công thành viên phối hợp xây dựng kế hoạch sinh hoạt CLB lồng ghép với ban, ngành, đoàn thể khác. Sinh hoạt của CLB được tổ chức qua nhiều hình thức như tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền pháp luật trực tiếp... với nội dung là những vấn đề mà người dân ở cơ sở quan tâm như các quy định về thừa kế, hợp đồng - giao dịch dân sự, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, an toàn giao thông, khiếu nại, tố cáo…Với phương châm sinh hoạt của CLB phải gắn với cộng đồng, đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống của người dân ở cơ sở, các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng đều được tổ chức luân phiên tại nhà sinh hoạt cộng đồng của 10 tổ dân phố trên địa bàn.

Ông Trần Văn Thuận – Chủ nhiệm CLB tra cứu tài liệu từ Tủ sách pháp luật của phường để chuẩn bị cho sinh hoạt định kỳ của CLB.
Ông Trần Văn Thuận – Chủ nhiệm CLB tra cứu tài liệu từ Tủ sách pháp luật của phường để chuẩn bị cho sinh hoạt định kỳ của CLB.

Tại buổi sinh hoạt, các thành viên CLB phân công nhau lắng nghe ý kiến người dân để kịp thời tư vấn, giải tỏa những vướng mắc pháp luật cho họ. Nhờ vậy, mỗi kỳ sinh hoạt, ngoài thành viên CLB, luôn có từ 20 - 30 người dân địa phương đến nghe nói chuyện pháp luật cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ, giải thích những điều liên quan đến luật pháp mà họ chưa hiểu, chưa rõ. Trong năm 2012, qua sinh hoạt, CLB đã tư vấn, giải đáp pháp luật cho hơn 50 lượt người dân của tổ dân phố. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết công việc hàng ngày tại UBND phường, nhiều vướng mắc của người dân về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thừa kế, hộ tịch... cũng được các thành viên CLB hướng dẫn, giải đáp tận tình, chu đáo.

Trong năm, CLB còn tham mưu cho UBND phường phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức một đợt TGPL lưu động tại địa phương với khoảng 70 lượt người tham dự.

 Phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân trong một đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.
Phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân trong một đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.

Hàng tuần, CLB phối hợp chặt chẽ với Văn hóa thông tin phường để viết bài tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, với thời lượng 4 buổi/tuần, 10-15 phút/lần phát sóng. Ngoài ra, Đài Truyền thanh phường còn dành riêng một buổi trong tuần để phát sóng chuyên mục Hỏi - Đáp pháp luật, với nội dung do CLB phụ trách.

Nhờ CLB duy trì sinh hoạt đều, gắn với cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể phổ biến, giáo dục pháp luật, giải đáp kịp thời những vướng mắc của người dân nên theo số liệu thống kê công tác tư pháp phường Ninh Đa, năm 2010, các tổ hòa giải thụ lý 21 vụ việc tranh chấp, hòa giải thành 19 vụ, năm 2011, hòa giải thành 13/14 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, chuyển lên UBND  phường 1 vụ; năm 2012, các tổ hòa giải ở cơ sở chỉ thụ lý 1 vụ mâu thuẫn và đã hòa giải thành.

Ông Trần Văn Thuận cho biết thêm, CLB hoạt động đều và có kết quả là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo phường. Mọi hoạt động cuar CLB đều được phối hợp, lồng ghép sinh hoạt ở tổ dân phố, được hỗ trợ kinh phí (năm 2012, CLB được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng), tạo điều kiện trong sử dụng cơ sở vật chất của địa phương như máy vi tính, photocopy… Đặc biệt, phường còn trang bị một bộ đèn chiếu để phục vụ cho hoạt động chung, trong đó, hơn 50% số lần sử dụng máy trong năm là phục vụ sinh hoạt của CLB. Việc sử dụng máy chiếu giúp chuyển tải văn bản pháp luật đến với người dân  sinh động, hấp dẫn hơn, qua đó, giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, hiệu quả mang lại theo đó cũng cao hơn.

Thực tế, CLB vẫn còn một số khó khăn như: kinh phí còn hạn chế, trình độ của các thành viên chưa cao, chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo định kỳ. Tuy nhiên, kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương cho thấy mô hình CLB TGPL  khá hiệu quả và cần được quan tâm hơn nữa.

ĐẶNG HỮU