11:12, 17/12/2012

Gỡ khó cho doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Suối Dầu

Sáng 17-12, tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp.

Sáng 17-12, tại Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu, các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong KCN.

Doanh nghiệp gặp khó

Theo Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế Vân Phong, hiện nay, KCN Suối Dầu đã lấp đầy khoảng 79% diện tích đất cho thuê, thu hút 48 dự án đầu tư (20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 28 dự án có vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký hơn 174 triệu USD. Trong đó, vốn đã thực hiện hơn 78,5 triệu USD. So với tổng số dự án đầu tư toàn tỉnh, số dự án trong KCN Suối Dầu chiếm 11%, bằng 3,13% vốn đăng ký đầu tư.

Năm 2012, KCN đã thu hút được 4 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 7,11 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 5 dự án với số vốn 11,22 triệu USD. Đến hết tháng 11, các DN trong KCN có doanh thu đạt 5.398 tỷ đồng, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2011; ước thực hiện năm 2012 đạt khoảng 5.887 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.362 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; nộp ngân sách khoảng 30 tỷ đồng. Hiện nay, KCN thu hút gần 7.000 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động chỉ hơn 2 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập chung trong khối DN ngoài Nhà nước. Khó khăn lớn của các DN trong KCN hiện nay là nguyên liệu, chi phí sản xuất cao do lạm phát, đầu ra bị thu hẹp, khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, sản xuất kinh doanh ở mức độ cầm chừng… Chính vì thế, năm 2012, trong KCN có 12 dự án tạm ngừng hoạt động. Ông Vương Vĩnh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho rằng, hiện nay, các DN đang gặp khó khăn chung trong việc vay vốn sản xuất, bởi mặt bằng lãi suất quá cao, thủ tục còn phức tạp, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, DN trong KCN ít được tiếp cận thông tin; các chủ trương, chính sách mới của Trung ương, tỉnh đến với DN còn chậm. Đơn cử như việc tăng lương tối thiểu vùng, Chính phủ ban hành ngày 4-12-2012, nhưng bắt buộc DN thực hiện từ ngày 1-1-2013 là quá gấp. Do thời gian quá ngắn nên DN bị động trong việc xây dựng thang bậc lương, điều chỉnh mức giá các đơn đặt hàng cho phù hợp. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc các ngành thường xuyên kiểm tra đột xuất, kiểm tra nội dung trùng lắp đã gây không ít phiền hà cho DN.

Lãnh đạo tỉnh đối thoại với đại diện các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đối thoại với đại diện các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Suối Dầu.

Ông Võ Sơn - đại diện Công ty FLD Việt Nam cho biết: “Năm 2009, chủ DN là người nước ngoài đã bỏ trốn. Đơn vị làm thủ tục phá sản lại gặp rất nhiều khó khăn từ phía các cơ quan chức năng. Đến nay, sự việc đã kéo dài gần 4 năm nhưng Công ty vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục phá sản. Trong khi đó, việc xử lý nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) không được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm; không được khoanh nợ, chốt sổ bảo hiểm cho người lao động (thậm chí phải trả tiền lãi BHXH), nợ vay ngân hàng… nên đơn vị gặp khó khăn chồng chất. Đặc biệt, Công ty nhiều lần tuột mất cơ hội bán lại cho đối tác khác chỉ vì chưa hoàn tất thủ tục phá sản”.

Sau gần 10 năm chuẩn bị, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu vẫn chưa có quỹ đất sạch để triển khai đầu tư giai đoạn 2 KCN. Theo ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Công ty, do đặc thù KCN được đầu tư bằng nguồn vốn của DN và vốn vay ngân hàng nên chi phí dành cho công tác tiếp thị, thu hút đầu tư vào KCN đang gặp khó khăn… Tại buổi đối thoại, nhiều DN cũng kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề môi trường, chế độ ưu đãi trong đầu tư, quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ người lao động (như: nhà văn hóa công nhân, sân chơi thể thao, nhà ở cho công nhân trong KCN…), thuế, phí, công tác dạy nghề, vệ sinh môi trường trong KCN…

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Sau khi nghe các DN trình bày và ngành chức năng trả lời, ông Trần Sơn Hải giao BQL Khu Kinh tế Vân Phong chịu trách nhiệm làm đầu mối giúp các DN làm việc với sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh vào KCN. Đồng thời, thường xuyên cập nhật những văn bản chỉ đạo, điều hành, các chính sách mới để DN kịp thời nắm bắt thông tin. Trên cơ sở thống kê của các DN về tiền nợ lương, nợ BHXH, BQL đăng ký làm việc với BHXH tỉnh để giải quyết từng vấn đề cụ thể, xử lý dứt điểm để các DN sớm hoàn tất thủ tục phá sản. Bên cạnh đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, ngành Thuế rà soát lại các nghị định, thông tư mới của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế, phí để các DN được hưởng theo quy định. Ông Trần Sơn Hải cũng lưu ý, trong quá trình triển khai, giữa thực tiễn và quy định sẽ có sự khác nhau, vì vậy, các ngành, địa phương phải kịp thời báo cáo, kiến nghị để UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp; yêu cầu ngành Ngân hàng tạo điều kiện giúp các DN tiếp cận nguồn vốn vay để tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các DN phải tiếp cận với những văn bản, quy định mới của Nhà nước để đăng ký được hỗ trợ, đồng thời cam kết tiến độ đóng BHXH, trả lương, chế độ bảo hiểm y tế… để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ông Trần Sơn Hải cam kết, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ hỗ trợ DN xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tiến tới khôi phục sản xuất và tăng trưởng.

1
Đóng gói sản phẩm nông nghiệp tại Công ty TNHH Long Sinh.

Kết luận buổi làm việc, ông Lê Thanh Quang đánh giá cao nỗ lực vượt khó của các DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Ông Lê Thanh Quang đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, các ngành liên quan và DN cùng chung sức, đồng lòng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua các buổi đối thoại để hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả hơn. Qua đó, tăng cường hơn nữa việc cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý và DN để xử lý nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

ANH TUẤN