06:12, 20/12/2012

Giúp người tâm thần phục hồi chức năng

Hiện nay, công tác trợ giúp, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần còn hạn chế. Do đó, giai đoạn 2012 - 2020, Khánh Hòa dành hơn 90 tỷ đồng thực hiện Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng”.

Hiện nay, công tác trợ giúp, chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần (NTT) còn hạn chế. Do đó, giai đoạn 2012 - 2020, Khánh Hòa dành hơn 90 tỷ đồng thực hiện Đề án “Trợ giúp xã hội và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng”.

Từ thực tế

Do áp lực kinh tế và nhiều nguyên nhân khác, số NTT, rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 3.124 NTT, rối nhiễu tâm trí. Trong đó, có 3.038 người sống tại cộng đồng, 86 người sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH). Trong số NTT sống tại cộng đồng, có 2.515 NTT nặng, có các biểu hiện như: đi lang thang, đập phá, đánh người, tự đánh bản thân, không mặc quần áo, ăn thực phẩm sống, ôi thiu... Dự báo đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có khoảng 4.500 NTT và năm 2020, con số này là khoảng 5.000 người. Việc chăm sóc và PHCN cho NTT, rối nhiễu tâm trí đang là thách thức lớn và là gánh nặng đối với cộng đồng. Phần lớn gia đình có NTT đều có hoàn cảnh khó khăn do phải đưa đối tượng đến điều trị tại bệnh viện dài ngày và nhiều lần...”.

Việc phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng là hết sức cần thiết.Trong ảnh: Chăm sóc người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Việc phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng là hết sức cần thiết.Trong ảnh: Chăm sóc người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người bị rối nhiễu tâm trí, đặc biệt người bị tâm thần. Toàn tỉnh đã có 1.396 NTT  được trợ cấp với mức 405.000 đồng/người/tháng; khoảng 1.800 NTT nặng được chăm sóc và PHCN tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và 87 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở BTXH. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách BTXH và PHCN cho NTT dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập như: Thiếu quy trình và nhân viên công tác xã hội (CTXH) làm công tác phát hiện, can thiệp sớm những người bị rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; chưa có các quy định về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên lao động - thương binh và xã hội, CTXH, y tế trong việc trợ giúp NTT PHCN dựa vào cộng đồng; chưa có quy trình, tiêu chí lựa chọn NTT PHCN luân phiên tại các cơ sở BTXH kết hợp với PHCN tại cộng đồng theo quy trình liên thông.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở BTXH còn nhiều bất cập. Hiện Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh chỉ có 77 giường bệnh, chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc các đối tượng NTT. Quy trình chăm sóc và PHCN của các cơ sở BTXH chưa luân phiên; hầu như các cơ sở nuôi NTT từ khi tiếp nhận cho đến chết; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; cán bộ, nhân viên CTXH làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc NTT còn thiếu, chưa được đào tạo về CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ CTXH trong chăm sóc và PHCN cho NTT. Số người bị tâm thần có xu hướng gia tăng, người đã mắc bệnh tâm thần không được phục hồi nên bệnh ngày càng nặng...

Phục hồi chức năng cho người tâm thần

Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2015, sẽ nâng cấp, mở rộng và nâng công suất chăm sóc đối với 15 cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố; xây dựng 5 cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cho tối thiểu 40% cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT và người rối nhiễu tâm trí. Giai đoạn 2016 - 2020, nâng cấp, mở rộng và nâng công suất chăm sóc đối với 11 cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố. Xây dựng 19 cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố. Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cho 50% cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT.

Để huy động gia đình và cộng đồng xã hội cùng tham gia trợ giúp về vật chất, tinh thần, PHCN để NTT ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí dẫn đến bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Trợ giúp xã hội và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2020”.

Theo kế hoạch, 90% NTT có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số NTT lang thang được PHCN luân phiên tại các cơ sở BTXH; 90% số NTT, người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ CTXH khác. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao nhận thức về trợ giúp và PHCN cho NTT dựa vào cộng đồng cho 100% gia đình có NTT và 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần; sớm hình thành đội ngũ cán bộ nhân viên và cộng tác viên CTXH kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và PHCN cho NTT tại các xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.

Ông Mai Xuân Trí cho biết: “Tổng kinh phí để thực hiện đề án hơn 90 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 48 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, cần thực hiện đồng bộ các hoạt động như: Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho NTT; phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và PHCN cho người rối nhiễu tâm trí, NTT dựa vào cộng đồng; phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trợ giúp, PHCN NTT; điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí. Trước mắt, tỉnh cần đầu tư xây dựng Trung tâm chăm sóc và PHCN NTT để tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc và PHCN thường xuyên cho 300 NTT mãn tính. Đồng thời, mỗi năm, PHCN luân phiên cho 200 lượt NTT sống tại cộng đồng...”.

Triển khai đồng bộ đề án nói trên sẽ từng bước PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội...

VĂN GIANG