Nhờ Chương trình 135, thôn Kô Róa (xã Sơn Lâm, Khánh Sơn, Khánh Sơn) đã “thay da đổi thịt” từng ngày; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, tình trạng đói nghèo dần được đẩy lùi.
Nhờ Chương trình 135, thôn Kô Róa (xã Sơn Lâm, Khánh Sơn, Khánh Sơn) đã “thay da đổi thịt” từng ngày; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, tình trạng đói nghèo dần được đẩy lùi.
Ko Róa bây giờ...
Kô Róa ngày cuối năm. Ven con đường bê tông nối khu dân cư với vùng sản xuất rộn rã tiếng người thu hái cà phê chín; các căn nhà san sát như ở phố đang sáng ánh điện… Sức sống mới đang bừng lên tại đây. Kô Róa hôm nay thật khác với cách đây 5 năm. Khi đó, Kô Róa là thôn duy nhất của xã Sơn Lâm được chọn triển khai Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn). Kô Róa cũng là thôn khó khăn nhất của xã với 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Việt Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm không giấu được vẻ vui mừng trước sự đi lên của một thôn nghèo nhất xã: “Những năm trước, kinh tế Kô Róa hầu như không có gì. Người dân thiếu đất sản xuất, phải bươn chải làm rẫy kiếm sống. Nhưng nay thôn đã thay đổi. Điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, đường bê tông vào tận khu vực sản xuất, người dân được cấp đất sản xuất, biết trồng chuối, tiêu, cà phê nên đời sống ổn định hơn trước...”.
Đường bê tông tiếp cận với vùng sản xuất ở thôn Kô Róa. |
Gia đình anh Cao Mỹ là một ví dụ. Từ một hộ nghèo, gia đình anh đã vươn lên có cuộc sống ổn định. “Trước đây nhà tôi nghèo lắm, không vốn liếng, không đất đai, có 3 con nên càng khó khăn hơn... Nghĩ mình phải khổ vậy mãi sao, tôi quyết tâm thoát nghèo bằng cách gom cả đất Nhà nước cấp, đất phát nương rẫy lại rồi đưa cây cà phê, chuối, bắp vào trồng. Hiện tôi đã có 1.000 cây cà phê (1ha), 2ha bắp, 2 sào chuối. Nhà nước cũng xây cho gia đình tôi ngôi nhà tình nghĩa, 2 con đang học nội trú, 1 đứa học tiểu học, cuộc sống đã dễ chịu hơn trước rất nhiều”, anh Mỹ bộc bạch.
Bà Cao Thị Sơn - Trưởng thôn Kô Róa nhớ lại: “Trước đây, người dân Kô Róa, không có đất sản xuất, đường đi lại thì lầy lội vào mùa mưa, nắng bụi vào mùa hè… Năm 2002 - 2003, Nhà nước kéo điện về Kô Róa, bà con bớt khổ. Đến khi có Chương trình 135, Nhà nước đầu tư làm đường bê tông vào khu vực sản xuất, việc đi lại, vận chuyển nông sản càng thuận tiện hơn. Đặc biệt, Nhà nước đã bóc tách đất lâm nghiệp, đưa vào khai hoang 7ha, cấp cho dân ở, sản xuất, đồng thời có chính sách cấp gạo cho người dân định cư nên cuộc sống bà con dần ổn định”. Cũng theo bà Sơn, nhờ Chương trình 135 và các chương trình, dự án lồng ghép khác, Kô Róa đã thực sự chuyển mình. Thông qua chương trình khuyến nông, cung cấp giống vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ người Kinh, Nhà nước hỗ trợ về hạ tầng, xã, thôn vận động bà con đi lên từ nội lực, dần dần, bà con đã biết tự lập, trồng chuối, bắp đảm bảo lương thực, trồng keo, cà phê, tiêu để tăng thu nhập... Hiện hộ nghèo ở Kô Róa đã giảm 50% so với trước.
Khởi sắc
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn: Chương trình 135 đã đem lại hiệu quả cao đối với thôn Kô Róa; đường sá thuận tiện, có cầu, có hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, có điện lưới… Thời gian tới, địa phương mong được đầu tư điện cho vùng lõm, làm cầu treo, xây nhà văn hóa thôn, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân… |
Ông Cao Đinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thôn đã có 29 nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành mở các lớp khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho đồng bào, triển khai mô hình mới như dẫn nước suối về tưới cho cà phê, có hộ còn mua máy phát điện Dynamo về dẫn nước phát điện. Kinh tế thôn có bước phát triển vượt bậc: 70/90 hộ phát triển được cây cà phê, tổng diện tích 17ha; trồng hơn 220ha chuối; hơn 270ha bắp… Đặc biệt, các cấp chính quyền đã tiến hành bóc tách đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận, giao người dân sở hữu khiến họ rất an tâm, phấn khởi. Ngân hàng Chính sách xã hội đã rót cho thôn hơn 1 tỷ đồng, hiện dư nợ của ngân hàng trên địa bàn thôn hơn 287 triệu đồng.
Đánh giá về sự đổi thay của thôn Kô Róa, ông Võ Việt Hùng cho rằng, cuộc sống của người dân thôn Kô Róa đã ổn định, kinh tế - xã hội không còn sự khác biệt so với các thôn khác của xã. Thôn hiện có đường giao thông thuận tiện, có nước sinh hoạt cung cấp cho hộ dân, rất nhiều hộ sắm được xe máy. Nhận thức của người dân cũng có nhiều chuyển biến, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục. Người dân đề nghị Nhà nước kéo điện vào vùng lõm (40 hộ phát sinh); xây dựng cầu treo qua sông Kô Róa để thuận tiện trong đi lại và vận chuyển nông sản tại khu vực sản xuất trong mùa mưa bão; làm đường bê tông sát khu vực sản xuất; sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt đã xuống cấp...
Những khởi sắc của Kô Róa đã chứng minh chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn.
Q.V