09:12, 21/12/2012

Nâng cao vị thế của phụ nữ

Hiện nay, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Họ đã thể hiện được vai trò, vị thế của mình trong xã hội nói chung cũng như trong thực hiện bình đẳng giới.

Hiện nay, phụ nữ (PN) ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Họ đã thể hiện được vai trò, vị thế của mình trong xã hội nói chung cũng như trong thực hiện bình đẳng giới (BĐG).

Tín hiệu khả quan     

Bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa nhận định: “Chiếm hơn 50% dân số và lực lượng lao động trong xã hội, ngày nay, PN đã và đang tham gia ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự quan tâm, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương, PN đã nỗ lực vươn lên không ngừng và cống hiến không nhỏ tài năng, công sức của mình vào quá trình phát triển quê hương, đất nước. Sự có mặt của họ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học, y tế, văn hóa xã hội... đã chứng minh PN không hề thua kém nam giới”.

Không chỉ tăng về số lượng, trình độ và năng lực quản lý của PN tham gia lĩnh vực chính trị cũng tăng lên. Rất nhiều PN đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan. Tại Khánh Hòa, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2010 - 1015 ở cấp cơ sở là 431 người, chiếm gần 24,64%; cấp huyện, thị xã, thành phố có 46 người, chiếm gần 14,33%; cấp tỉnh có 6 người, chiếm hơn 10,91%. Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho thấy, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND là 852 người, chiếm hơn 23,84%; cấp huyện, thị xã, thành phố có 57 người, chiếm gần 18,75%; cấp tỉnh có 11  người, chiếm 20,75%. PN tham gia UBND nhiệm kỳ 2011 - 2016 ở cấp cơ sở có 62 người, chiếm 32,46%; cấp huyện, thị xã, thành phố có 6 người, chiếm 13,95%. PN tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có 2 người, chiếm 28,57%.

Nữ cán bộ Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh thảo luận về cơ hội và thách thức của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nữ cán bộ Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa thảo luận về cơ hội và thách thức của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Sự gia tăng nữ giới tham gia quản lý nhà nước và các hoạt động chính trị những năm qua chứng tỏ năng lực của cán bộ nữ (CBN) của tỉnh ngày càng được nâng cao. Những đóng góp tích cực của họ đã dần làm thay đổi định kiến về PN, khiến xã hội nhìn nhận đúng hơn về vị thế của PN trong xã hội”.

Cần tiếp tục tạo điều kiện cho nữ giới

Tuy tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị ở Khánh Hòa có xu hướng tăng, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Sự thiếu hụt CBN trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của giới nữ. Điều này đã hạn chế việc thực hiện BĐG trên mọi mặt. Theo đánh giá của Hội Liên hiệp PN tỉnh, hiện nay, số cán bộ nữ có trình độ đại học và sau đại học ngày một tăng, nhưng việc bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý còn ít. Điều này trước hết thuộc về cơ quan lãnh đạo cao nhất. Người làm tham mưu công tác CBN phải thay đổi nhận thức, đánh giá đúng năng lực CBN, có chính sách bồi dưỡng, bố trí, sử dụng CBN hợp lý.

Bà Trịnh Thị Hợp đề xuất: “Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giới. Ngoài ra, CBN cũng phải vượt lên chính mình. Thông thường, PN cống hiến tốt nhất là sau tuổi 30. Nhưng ở độ tuổi này, họ phải lo toan nhiều cho gia đình. Nếu không có sự chia sẻ của chồng, con và xã hội, họ không thể cống hiến và sẽ giảm cơ hội thăng tiến”. Cũng theo bà Hợp, trong quy hoạch, đánh giá cán bộ cũng cần lưu tâm đến độ tuổi CBN để tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, bởi nữ giới nghỉ hưu trước nam giới đến 5 năm... Có như vậy, các mục tiêu mà Ban Vì sự tiến bộ của PN các cấp đặt ra mới có thể hoàn thành.

Để tiến tới BĐG, cần sự kiên trì và vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, toàn xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động cụ thể, nữ giới cũng phải thể hiện vai trò tiên phong trong xóa bỏ phân biệt đối xử.

VĂN GIANG