09:12, 01/12/2012

Ánh lên những niềm tin…

Mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, nhưng rồi vượt qua nỗi đau, họ lại âm thầm giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình tìm lại niềm tin cuộc sống...

Mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, nhưng rồi vượt qua nỗi đau, họ lại âm thầm giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình tìm lại niềm tin cuộc sống. Họ là những nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ), can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

Cùng nhau gắn kết yêu thương


Nhân viên tiếp cận cộng đồng chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS.

 

“Chị đi cùng em đến thăm nhà cô bé bị nhiễm HIV. Mới 8 tuổi nhưng bé đã mồ côi mẹ, cha thì đang ở tù. Tội lắm!” - chị Nguyễn Linh Đan, NVTCCĐ rủ tôi. Căn nhà của bé Trần Lê Khánh nằm sâu trong con hẻm ở chợ Phương Sài (Nha Trang). Gặp Linh Đan, bà nội của Khánh mừng như gặp người thân, rồi nghẹn ngào kể: “Hôm rồi bác có đi tới nhà các cô, chú của cháu, nhờ họ nếu sau này ông bà qua đời thì nhận nuôi cháu giùm nhưng ai cũng từ chối. Cứ nghĩ tới cảnh đứa cháu vừa mang căn bệnh trong người lại không có cha, mẹ, ông, bà ở cạnh là tôi không ngủ được”. Bố mẹ Khánh đều tiêm chích ma túy nên mới 2 tháng tuổi, Khánh đã bị mẹ bỏ lại cho bà nội nuôi. Một tuổi, bé đã phải mang trong người vi rút HIV lây từ mẹ. Nỗi đau chưa kịp vơi thì 4 năm sau, cha bé bị bắt ở tù vì tội trộm cắp tài sản. Chưa kịp hiểu vì sao lâu quá ba không về thăm thì bé lại phải chịu nỗi đau mất mẹ. “Nhờ các cô ở trạm y tế, NVTCCĐ như Linh Đan chỉ vẽ nên vợ chồng tôi mới biết cách chăm sóc, cho cháu uống thuốc, nhờ đó sức khỏe của cháu ổn định. Có chương trình hỗ trợ nào dành cho trẻ bị nhiễm HIV là các cô đưa cháu vào danh sách. Nhờ những người như thế, vợ chồng tôi thấy an ủi phần nào” - bà nội của cháu Khánh nói.


Truyền thông trực tiếp cho những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại Nha Trang.
Truyền thông trực tiếp cho những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại Nha Trang.

 

Chúng tôi theo Dương Thanh Hoài, một NVTCCĐ đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (Nha Trang) vào một ngày giữa tuần. Vừa bước vào cổng bệnh viện, chị Hoài đã nhận được nhiều ánh mắt thân thiện, những lời chào thân mật của những người nhiễm HIV đang điều trị tại đây. Đang nằm rũ người vì những cơn ho hành hạ nhưng nghe có NVTCCĐ đến thăm, chị Trần Thái Thảo - bệnh nhân AIDS, ráng gượng ngồi dậy, mắt ánh lên niềm vui... Nhìn cách NVTCCĐ Dương Thanh Hoài chăm từng miếng ăn, nước uống cho chị Thảo, cảnh 2 người líu ríu nói chuyện cứ ngỡ họ là chị em. Chị Thảo kể: “Tháng trước, do muốn đuổi tôi ra khỏi nhà vì sợ bị lây bệnh, người anh cả đã dùng dây điện đánh tôi bầm tím cả người. May mà chị Hoài đến kịp đưa tôi đến bệnh viện... Nằm điều trị ở đây, tôi thường được các NVTCCĐ đến thăm, ai ủi, động viên, mua thức ăn, sữa uống. Nhờ họ tôi có thêm nghị lực sống. Khi nào bớt bệnh tôi sẽ theo họ đi làm công việc này” - chị nói.

Mong đời chia sẻ nỗi đau...

Sau nhiều lần hẹn, tôi được các NVTCCĐ dẫn đi thu gom bơm kim tiêm (BKT) bẩn. Điểm đến của các chị là khu vực Hòn Chồng và đường Cao Văn Bé (Nha Trang). Đến nơi, các chị chia nhau vạch từng chiếc lá, cọng rác gắp những chiếc BKT bẩn để vào một chỗ. Chưa tới 5 phút, hơn 30 BKT bẩn đã được thu gom. Gắp BKT còn dính đầy máu với mũi kim nhọn hoắt, chị Lê Thị Khánh Chung - NVTCCĐ - chặc lưỡi: “Mấy đứa này ẩu quá, chích xong không chịu đậy nắp BKT lại. Lỡ có người nào bước vào chỗ này bị kim đâm nhiễm HIV thì sao”. Nghe chị nói, nhìn cách chị cẩn thận rà từng chỗ để tìm BKT bẩn, tôi tự hỏi nếu không có các chị làm những công việc tình nguyện này, không biết sẽ có thêm bao nhiêu người bị nhiễm HIV oan. Hỏi chuyện, mới biết nỗi đau các chị đang gánh trên vai cũng không thua kém gì so với những người các chị giúp đỡ. Nước mắt lăn dài trên má khi chị Chung kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, nhất là ngày chị cầm trên tay tờ giấy thông báo kết quả dương tính với HIV: “Giây phút biết mình nhiễm HIV do lây từ chồng, trời đất như sụp đổ trước mặt tôi. Lúc đó, tôi chỉ ước mình được chết”. Nỗi đau chưa vơi, chị lại gánh thêm nỗi đau chồng chết vì AIDS, nhưng hai nỗi đau trên không thấm vào đâu so với nỗi đau chị phải gánh chịu hàng ngày, đó là sự kỳ thị, xa lánh của những người thân trong gia đình khi biết chị nhiễm HIV. May mắn là người con trai của chị luôn yêu thương, lo lắng động viên mẹ những lúc khó khăn.


Thu gom bơm kim tiêm bẩn.
Thu gom bơm kim tiêm bẩn.

 

Hàng năm, NVTCCĐ tiếp cận trực tiếp khoảng 50.000 lượt người tiêm chích ma túy; 70.000 lượt gái mại dâm; 8.000 lượt người MSM (đồng tính nam); hàng ngàn lượt người nhiễm HIV/AIDS; phát 60.000 BKT sạch, phát và bán trợ giá gần 2 triệu bao cao su; thu gom gần 40.000 BKT bẩn.

(Nguồn: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh)

Chị Thái Thanh Vân sinh ra trong gia đình đông anh em, nhà nghèo nên mới học hết cấp 2, chị đã phải nghỉ học. 16 tuổi, chị nghe lời xúi giục của đám bạn tập tành hút chích. Đói thuốc, chị theo đám bạn ăn trộm, cướp giật tài sản, bị bắt vào tù. Lúc này, nhìn người mẹ già yếu tay xách nách mang vào trại thăm mình, chị mới quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời. Dứt được cơn nghiện cũng là lúc chị biết mình bị nhiễm HIV. Về nhà chưa lâu thì mẹ chị mất. Nỗi đau mất mẹ, bản thân mang căn bệnh chết người chưa kịp vơi thì chị lại gánh thêm nỗi đau khi bị anh chị em ruột tìm cớ đuổi ra khỏi nhà vì sợ lây bệnh. “Thứ gì mình đụng vô là cả nhà không ai thèm dùng tới. Thấy mình ngõ trước là họ né đi ngõ sau. Tủi nhục lắm”, chị Vân tâm sự.

Tuy có May mắn là được gia đình che chở yêu thương, nhưng cuộc sống của chị Phạm Mỹ Hạnh cũng đầy đau đớn khi chồng chết vì AIDS, đứa con hơn 5 tuổi cũng bị nhiễm HIV từ mẹ. “Chính vì là người trong cuộc nên các chị mới hiểu và tình nguyện làm công tác này với mong muốn giúp những người nhiễm HIV có niềm tin vào cuộc sống, giúp họ biết cách chăm sóc bản thân, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Bớt đi một người nhiễm HIV là bớt đi một gánh nặng cho xã hội, giảm bớt một nỗi đau trong cuộc sống” - chị Nguyễn Linh Đan nói. Khi được hỏi về điều ước, các chị không ai ước riêng cho mình mà chỉ ước sao xã hội đừng kỳ thị người nhiễm HIV. Vì theo các chị, mang căn bệnh này đã rất đau đớn, sự kỳ thị của mọi người giống như vết dao rạch thêm vào nỗi đau của những người nhiễm HIV.


Diễu hành truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
Diễu hành truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

 

Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 176 NVTCCĐ. Hoạt động chính của NVTCCĐ là tiếp cận trực tiếp những người nhiễm HIV/AIDS, người có hành vi lây nhiễm cao như đối tượng tiêm chích ma túy, gái mại dâm, người đồng giới... cung cấp cho họ những kiến thức về tiêm chích, quan hệ tình dục an toàn; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và những người xung quanh. Ngoài ra, NVTCCĐ còn tư vấn tâm lý, giúp người nhiễm có lối sống tích cực; phát BKT sạch, phát và bán trợ giá bao cao su; thu gom BKT bẩn. Hoạt động của họ có tác dụng tốt trong việc góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS; giúp công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh 2 năm liền đạt được 3 giảm (người nhiễm HIV mới, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong vì AIDS). Hiện mức hỗ trợ trong công tác này tuy thấp (khoảng 1 triệu đồng/ người/ tháng) nhưng các NVTCCĐ rất nhiệt tình, tận tâm với công việc. Ngành Y tế luôn ghi nhận công sức của họ trong công cuộc phòng, chống HIV”.

B.N

(Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)