05:11, 28/11/2012

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Rất nhiều tư liệu cổ của phương Tây khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vừa được giới thiệu.

Rất nhiều tư liệu cổ của phương Tây khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vừa được giới thiệu. Trong đó, có 85 tấm bản đồ của một Việt kiều Mỹ cung cấp cho Viện Phát triển kinh tế - xã hội (PTKTXH) TP. Đà Nẵng đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc như họ vẫn rêu rao.

Tư liệu cổ từ phương Tây


. Anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, cháu ngoại nhà thơ Tế Hanh, người đã tặng 85 tấm bản đồ quý của nước ngoài cho Viện PTKTXH TP. Đà Nẵng. (Ảnh trên trang web của Viện IVCE).
Anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, cháu ngoại nhà thơ Tế Hanh, người đã tặng 85 tấm bản đồ quý của nước ngoài cho Viện PTKTXH TP. Đà Nẵng. (Ảnh trên trang web của Viện IVCE).

 

Mới đây, trong hội thảo “Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng về văn hóa biển, đảo ở Khánh Hòa” diễn ra tại Nha Trang, Tiến sĩ (TS) Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện PTKTXH TP. Đà Nẵng đã giới thiệu rất nhiều tư liệu, bản đồ cổ của phương Tây liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là những tư liệu quý được sưu tầm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP. Đà Nẵng” mà Viện PTKTXH TP. Đà Nẵng thực hiện trong 2 năm 2010 - 2011. Có 102 tư liệu đã được xuất bản, công bố ở các nước phương Tây trong các thế kỷ XVII - XIX chứa đựng những thông tin quý liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, có nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Tư liệu được ấn hành bằng các ngôn ngữ: Tiếng Anh (19 tư liệu), Đức (15 tư liệu), Pháp (46 tư liệu), Tây Ban Nha (9 tư liệu), Ý (11 tư liệu) và Hà Lan (2 tư liệu).  Đó là các tập bách khoa toàn thư, các công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý thế giới của các học giả châu Âu; các tập nhật ký hải hành của thủy thủ, các hồi ký, ghi chép của các nhà thám hiểm, nhà hàng hải, nhà buôn...


Tấm bản đồ năm 1837 khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina (là tên gọi Việt Nam ngày nay).
Tấm bản đồ năm 1837 khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina (là tên gọi Việt Nam ngày nay).

 

Trong những tư liệu này có những phần liên quan đến biển Đông và các hòn đảo trong vùng biển này (bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Hiện chúng đang được lưu trữ trong một số thư viện như: Thư viện Zuppa Buchbinderei ở München, Thư viện ĐH Freie ở Berlin và Thư viện Bayerische Staats ở München (Đức); Thư viện Đại học (ĐH) Gent (Bỉ), Thư viện của Tu viện Santa Maria al Monte ở Torino (Ý); Thư viện Công cộng ở New York, Thư viện Astor ở New York, Thư viện ĐH California, Thư viện ĐH Havard, Thư viện ĐH Princeton, Thư viện ĐH Columbia (Hoa Kỳ).

Cũng trong đề tài này, Viện đã sưu tầm được 56 tấm bản đồ do người phương Tây vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX, liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải do người phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến hàng hải, giao thương, truyền giáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó ghi nhận lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong lịch sử.

Việt kiều nặng lòng với biển, đảo quê hương

Sau hội thảo, chúng tôi liên hệ với TS Trần Đức Anh Sơn. Tuy rất bận nhưng TS vẫn dành thời gian để nói về một Việt kiều “đặc biệt”, là người khá thân thiết với Viện PTKTXH TP. Đà Nẵng. Đó là  anh Trần Thắng (quê Quảng Ngãi), là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh, hiện đang sinh sống tại Connecticut (Mỹ). Nói anh “đặc biệt” là vì anh đã bỏ tiền riêng và cả vay mượn thêm để mua bằng được 85 tấm bản đồ từ phương Tây có liên quan đến chủ quyền của 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Việc làm của anh được thôi thúc từ sự kiện TS Mai Hồng (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành năm 1904, có chi tiết điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam, không hề có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Xisha qundao và Nansha qundao). Sau đó, với lòng yêu nước của mình, anh Trần Thắng đã bắt tay vào tìm kiếm và thu thập những bản đồ tương tự ở hải ngoại. Đến hết tháng 10-2012, anh đã thu thập được 85 tấm bản đồ, chủ yếu xuất bản ở các nước phương Tây từ năm 1626 đến năm 1980, chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc.


Bản đồ cổ Vương quốc Trung Hoa (The Kingdom of China) năm 1626, trong đó cho thấy biên giới Trung Hoa đến đảo Hải Nam.
Bản đồ cổ Vương quốc Trung Hoa (The Kingdom of China) năm 1626, trong đó cho thấy biên giới Trung Hoa đến đảo Hải Nam.

 

Ngay khi có những tấm bản đồ này trong tay, để một lần nữa khẳng định với bạn bè thế giới rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam , anh Trần Thắng đã mở một mục trên trang web của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ để giới thiệu những tấm bản đồ này.

Trong Lời giới thiệu, anh viết: “Là người Việt Nam, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ để bảo vệ đất nước của chúng ta...”, “... tôi muốn chia sẻ với các bạn về bộ sưu tập những bản đồ của tôi trong thời gian 1626 - 1980 đã được công bố tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Scotland, Ấn Độ, trong đó 70 bản đồ chỉ ra rằng ranh giới của miền Nam Trung Quốc là Hải Nam, và 10 bản đồ chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.


Một tấm bản đồ của Trung Quốc vẽ năm 1860 cũng không có Trường Sa và Hoàng Sa.
Một tấm bản đồ của Trung Quốc vẽ năm 1860 cũng không có Trường Sa và Hoàng Sa.

 

TS Trần Đức Anh Sơn cho biết, tuy anh Trần Thắng còn trẻ nhưng những gì anh đóng góp

cho đất nước là rất đáng ghi nhận. Ngoài những bản đồ đã mua được, anh Thắng còn đang tìm cách để mua cuốn atlas (tập bản đồ) Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China, bản in năm 1919, với giá khoảng 5.000 đôla. Đây là cuốn sách được in với số lượng rất ít, có giá trị sử liệu cao.

Viện PTKTXH TP. Đà Nẵng đã có ý định mở một cuộc triển lãm về những tư liệu và bản đồ này trong hội thảo về văn hóa biển, đảo tại Khánh Hòa vừa qua, nhưng tiếc là chưa tổ chức được. “Anh Thắng muốn chuyển qua đường bưu điện nhưng chúng tôi không yên tâm, sợ thất lạc nên những tấm bản đồ quý này sẽ về Việt Nam theo đường xách tay trong nay mai”, Phó Viện trưởng Viện  PTKTXH TP. Đà Nẵng, T.S Trần Đức Anh Sơn nói.

HIỀN LÊ