01:11, 14/11/2012

Nuôi tôm trên bạt: Nguy cơ tiềm ẩn

Mang lại hiệu quả cao nhưng phương thức nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt của một số hộ dân ở xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Mang lại hiệu quả cao nhưng phương thức nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt của một số hộ dân ở xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Lợi nhuận cao

Xã Vạn Thọ tập trung rất đông các hộ dân nuôi tôm trên bạt
Xã Vạn Thọ tập trung rất đông các hộ dân nuôi tôm trên bạt

Hiện trên địa bàn xã Vạn Thọ có 16 hộ nuôi tôm trên bạt (diện tích hơn 9ha) và phần lớn các hộ này ở các thôn Tuần Lễ, Ninh Mã. Một số hộ nuôi tôm ở đây cho biết, phương thức nuôi này tuy vốn đầu tư lớn (gấp 3 lần so với nuôi tôm trên cát) nhưng bù lại tôm nuôi ít bị dịch bệnh nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đào Viết Hùng, người nuôi tôm ở thôn Tuần Lễ, nói: “Nuôi tôm trên hồ đất đầu tư ít nhưng tỉ lệ thiệt hại do tôm bệnh cao (10 hộ nuôi có đến 9 hộ bị lỗ do tôm chết). Ngược lại, nuôi bằng hồ trải bạt đầu tư rất cao song tôm ít bị bệnh dịch nên chỉ cần 1 - 2 vụ là có thể thu về lợi nhuận”. Theo ông Hùng, với 2 hồ nuôi có diện tích khoảng 5.500m2, gia đình ông đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bù lại 1 năm có 2 vụ, mỗi hồ có thể thả nuôi từ 25 - 40 nghìn con tôm/vụ. Với giá tôm nuôi như hiện nay (từ 86 - 100 nghìn đồng/kg), sau khi trừ chi phí thức ăn, điện, nhân công... gia đình ông thu về lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Lợi nhuận lớn từ việc nuôi tôm trên bạt đã khiến một số hộ dân ở thôn Tuần Lễ bất chấp quy định của Nhà nước, trong đó có việc sử dụng đất không đúng mục đích theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Nằm ở phía Đông đường Cổ Mã - Đầm Môn là diện tích hồ nuôi tôm trên bạt rộng lớn của 3 hộ dân: Võ Đức Kỷ, Đỗ Kim Hùng, Đặng Xem. Trước đây, diện tích đất của các hộ này là đất trồng cây lâu năm, nhưng khi thấy việc nuôi tôm trên bạt đem lại thu nhập cao, các hộ đã tự ý chuyển đổi thành đất nuôi trồng thủy sản mà không được cấp có thẩm quyền cho phép. 

Một người nuôi tôm đang vớt các chất thải từ hồ nuôi vứt thẳng ra ngoài môi trường
Một người nuôi tôm đang vớt các chất thải từ hồ nuôi vứt thẳng ra ngoài môi trường

Được biết trước đây, hầu hết các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Vạn Thọ đều sử dụng phương pháp nuôi truyền thống trên hồ đất. Trong quá trình nuôi, do tác động của môi trường như nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn, các chất thải của tôm lắng đọng gây ô nhiễm hồ nuôi... dẫn đến tôm bị bệnh, chết hàng loạt. Hậu quả là một số hộ nuôi tôm bị thua lỗ nặng phải bỏ đìa, bán đìa nhưng vẫn chưa đủ để trả nợ. Tuy nhiên, sau một thời gian rộ lên mô hình nuôi tôm trên bạt được coi là mang lại lợi nhuận cao ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh..., năm 2009, các hộ nuôi tôm ở đây đã chuyển sang cách thức nuôi này.

Hệ thống xử lý chất thải của tôm được nối thẳng ra bên ngoài
Hệ thống xử lý chất thải của tôm được nối thẳng ra bên ngoài

Nguy cơ lâu dài

Một trong những ưu điểm của cách thức nuôi tôm trên bạt là trong quá trình nuôi, các loại chất thải, thức ăn dư của tôm được lắng đọng dưới đáy hồ, người nuôi tôm có thể dễ dàng dùng phương tiện hút ra ngoài làm cho hồ nuôi luôn sạch sẽ. Vì vậy, tỉ lệ tôm chết do dịch bệnh thấp hơn so với nuôi tôm bằng hồ đất từ 50 - 60%. Rủi ro thấp, giá tôm cao, lợi nhuận thu về ổn định sau mỗi mùa vụ (từ 300 - 400 triệu đồng/vụ) là điều khiến nhiều người dân xã Vạn Thọ đua nhau nuôi tôm trên bạt. Tuy nhiên, phương thức sản xuất này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và cạn kiệt nguồn nước ngầm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tôm nuôi lớn nhanh, đạt sản lượng cao, nguồn nước nuôi tôm chủ yếu lấy từ nước ngầm thông qua hệ thống giếng khoan. Tuy không biết chính xác khối lượng nước sử dụng cho mỗi hồ là bao nhiêu, nhưng qua cách hoạt động hết công suất của các giàn máy bơm nước, số tiền điện tiêu thụ (từ 10 - 12 triệu đồng/tháng) như gia đình ông Hùng thì có thể thấy lượng nước được sử dụng lớn đến mức nào. Một hộ dân sinh sống ở thôn Tuần Lễ (đề nghị không nêu tên) bức xúc: “Chúng tôi rất lo nếu tình trạng này kéo dài thì 5, 10 năm nữa, cả khu vực này sẽ không còn nước để sinh hoạt. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng sử dụng các giếng khoan nước ngầm vẫn tiếp diễn”. Phản ánh của những người dân ở đây không phải là không có cơ sở. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phước Đức - Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay tại Khánh Hòa cũng có một số đơn vị có nhu cầu lập dự án nuôi tôm trên bạt tại bãi cát ven biển khu vực huyện Vạn Ninh. Tuy nhiên, từ thực tế ở nhiều địa phương, sau một thời gian đổ xô nuôi tôm trên bạt, phương thức này đã dần bộc lộ những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm cũng như môi trường sống của người dân”. Theo ông Đức, với lượng nước sử dụng quá lớn từ các giếng khoan, nguy cơ đầu tiên dễ nhận ra là làm cạn kiệt nhanh nguồn nước ngầm, tăng hiện tượng sụt lún địa tầng gây xói mòn đất cát ven biển, từ đó có thể dẫn đến khô kiệt bề mặt, làm mất cân bằng áp lực khiến cho nước mặn từ biển ngấm sâu vào đất gây hiện tượng xâm nhập mặn. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt của người dân. 

1
 

Ngoài ra, người dân xung quanh khu vực nuôi tôm trên bạt còn phải hứng chịu sự ô nhiễm do nước thải, rác thải trực tiếp từ ao tôm ra môi trường. Theo quy định, các hộ nuôi tôm trên bạt bắt buộc phải có hồ lắng và xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường. Tuy nhiên, qua những gì chúng tôi quan sát, một số hộ nuôi tôm tại khu vực này đã phớt lờ các quy định bằng cách nối thẳng các ống nước thải từ hồ nuôi tôm ra con kênh trong khu vực, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tại khu vực trồng cây ngập mặn gần các hồ nuôi tôm trên bạt, rác thải (bao nilon, bao bì đựng thức ăn…) từ các hồ nuôi tôm vứt bừa bãi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân địa phương.

Kiên quyết xử lý các hộ nuôi trái quy định

Ông Nguyễn Văn Sáu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vạn Thọ cho biết: “Chủ trương của huyện và xã là không đồng tình với việc nuôi tôm trên bạt. Đối với những hộ nuôi tôm trên bạt vi phạm quy định, UBND huyện đã có biện pháp xử lý; còn đối với các hộ trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản thì xã yêu cầu phải chấp hành đúng các quy trình nuôi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước, kiên quyết không để phát sinh thêm hộ nuôi tôm trên bạt”. Theo ông Sáu, trước đây, tại khu vực nuôi tôm của xã có khoảng 50 giếng khoan nhưng sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã đã buộc các hộ nuôi tôm này tự tháo dỡ, ngừng sử dụng các giếng này và đến nay chỉ còn 10 giếng hoạt động. “Người dân địa phương cũng có những phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước từ các hồ nuôi tôm trên bạt. Tuy nhiên, xã không phải là cơ quan chuyên môn về vấn đề này nên không thể kết luận”, ông Sáu giãi bày.

Giải quyết thực trạng này, UBND huyện Vạn Ninh đã có văn bản số 87/TB-UBND ngày 20-8-2012 về khai thác cát, cải tạo đìa tôm tại xã Vạn Thọ Trong đó, nêu rõ huyện đã kiên quyết xử lý các hộ nuôi tôm trên bạt trái quy định (không thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương) với hướng giải quyết là gia hạn 1 năm để các hộ thu hồi một phần vốn đầu tư và tự tháo dỡ hồ tôm. Còn đối với các hộ nuôi tôm trên bạt nằm trong quy hoạch, huyện yêu cầu phải chấp hành đúng các quy trình nuôi từ việc lấy cát (có đóng thuế cho Nhà nước), cải tạo hồ tôm, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường...

Cách giải quyết, xử lý vấn đề nuôi tôm trên bạt của huyện Vạn Ninh đã nhận được sự đồng tình của người dân; sự đồng ý của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Từ thực tế trên, có thể thấy nuôi tôm trên bạt là phương thức sản xuất chưa bảo đảm tính bền vững, tuy mang lại lợi ích kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài có thể gây ra những tác hại to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

AN NHIÊN - MAI HOÀNG

Ông Lê Phước Đức - Phó Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Do những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản, Sở không có chủ trương phát triển phương thức nuôi tôm trên cát bằng hình thức lót bạt”.