08:11, 18/11/2012

Những “người lái đò” năm cũ

Bục giảng đã bao năm vắng bóng của thầy. Trang giáo án ngày ấy đã nhòe mực cùng với thời gian nhưng bảng đen, phấn trắng với những hồn nhiên của tuổi học trò mãi mãi là những ký ức không thể nào quên...

Bục giảng đã bao năm vắng bóng của thầy. Trang giáo án ngày ấy đã nhòe mực cùng với thời gian nhưng bảng đen, phấn trắng với những hồn nhiên của tuổi học trò mãi mãi là những ký ức không thể nào quên của những người thầy, người cô đã suốt cả đời gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Kỷ ức còn mãi

Gặp lại thầy Nguyễn Văn Đương, nguyên giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khi thầy đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thầy vẫn thế, vẫn cách nói chuyện vui, hóm hỉnh chỉ khác là gương mặt đã hằn nhiều nếp nhăn và mái tóc bạc trắng.

k
Vẽ tranh là niềm đam mê của thầy Đương.

Thầy chia sẻ: “Mới đó mà đã 12 năm trôi qua từ ngày tôi giã từ mái trường bao năm gắn bó. Học trò vốn hồn nhiên, tinh nghịch nên mỗi ngày qua đi trong cuộc đời dạy học là một trải nghiệm mới mẻ, đầy ắp những kỷ niệm vui, buồn. Nhớ nhất là những ngày thầy trò cùng miệt mài sáng tác cho tập san tiếng Anh của lớp và những tác phẩm này trở thành kỷ vật vô giá”.

“Tôi không thể nào quên được cảm xúc khi ca khúc đầu tay ‘Ngày hội đến trường’ viết nhân ngày 20-11 được cô Hiệu trưởng và các em nhỏ đón nhận và yêu thích. Vui với nghề ‘gõ đầu trẻ’, những năm tháng bên các em cũng là nguồn cảm hứng cho các sáng tác như “Mai em đến trường” (giải khuyến khích cuộc thi “Chào thế kỷ mới” do Thành đoàn tổ chức), ‘Mèo con chăm chỉ’…

Không đến lớp nữa, cuộc sống bỗng trở nên trống trải. Thấm thoát đã 5 năm, bây giờ, tôi đã quen với cuộc sống hiện tại. Thỉnh thoảng, tôi quay trở lại thăm trường, gặp gỡ đồng nghiệp cũ. Về hưu, tôi có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân và gia đình, vẫn tiếp tục sáng tác nhạc, tham gia dàn dựng chương trình văn nghệ cho các trường phổ thông” - Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, nguyên giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Phước Tiến tâm sự.

“Hụt hẫng” đó là cảm giác của nhiều giáo viên khi nhận quyết định về hưu mặc dù họ đã chuẩn bị tâm lý từ rất lâu. Cô Ngô Thị Thúy Liên, nguyên giáo viên lịch sử, Trường THCS Thái Nguyên trải lòng: “Dẫu biết rằng tre già măng mọc là quy luật của tự nhiên, tôi đã làm việc, cống hiến chừng ấy năm và đến lúc được nghỉ ngơi, nhưng sao nghe trong lòng vẫn buồn buồn khi đối diện với sự thật rằng từ đây mình sẽ mãi rời xa bục giảng. Những tháng đầu khi mới nghỉ hưu, tôi thường nằm mơ thấy mình vẫn còn đi dạy, vẫn sinh hoạt với các em, các đồng nghiệp. Nhớ ngày xưa, nhất là vào những giờ sinh hoạt lớp, học trò trách sao mình nghiêm khắc nhưng khi ra đời chúng nhận thấy đó là những lời dạy dỗ rất chân tình”.


 

k
Cô Nga (bên phải) tại buổi Họp mặt cựu giáo chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Còn đó những trăn trở với nghề

Tuy không còn đứng trên bục giảng, nhưng những cựu giáo viên vẫn luôn suy tư, trăn trở với nghề. Thầy Đương chia sẻ: “Dù đã có nhiều cải thiện trong việc dạy ngoại ngữ nhưng kỹ năng giao tiếp vẫn là một hạn chế lớn của người học. Theo tôi, cần tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với người bản xứ để các em có dịp nâng cao vốn từ và phản xạ giao tiếp.
Ngoài ra, tâm huyết của tôi từ trước khi nghỉ hưu cho đến bây giờ là dịch các truyện ngắn hay của Việt Nam ra tiếng Anh với mong muốn rằng kho tàng văn chương Việt Nam sẽ được thế giới biết đến. Tâm niệm này tôi ấp ủ từ lâu đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được bởi chưa liên hệ được với đơn vị nào hỗ trợ xuất bản. Mong rằng các thế hệ sau có thể giúp tôi hoàn thành ý nguyện này.”

Thầy Nguyễn Như Hải, nguyên Hiệu trưởng, giáo viên văn Trường THCS Ninh An, Ninh Hòa, bộc bạch: “Việc học và giảng dạy bây giờ thuận lợi hơn trước, đặc biệt là tài liệu nghiên cứu, tham khảo. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục hiện nay là điều xã hội trăn trở. Dạy học không chỉ truyền đạt cho các em kiến thức, để sau này có nghề nghiệp vững vàng mà còn giúp các em trở thành những người sống nhân nghĩa. Tôi rất đau lòng mỗi khi nghe tin về các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, những biểu hiện xuống cấp về đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên mà theo tôi ngành giáo dục mà trực tiếp là những người thầy, người cô phải nhận một phần trách nhiệm”.


 

k
Làm thơ, chăm sóc cây cảnh là niềm vui tuổi già của thầy Hải.

Thầy Nguyễn Huy Thông, Nhà giáo Ưu tú, Thạc sĩ, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư Phạm Trung Ương - Nha Trang, vẫn còn nhớ một trường hợp sinh viên trong giai đoạn thực tập tốt nghiệp vi phạm kỷ luật vì lấy cắp xe của bạn. Qua tìm hiểu, thầy biết được gia đình sinh viên này đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất, kinh tế túng quẫn. Nhận thấy đây là hành động nông nỗi, nhất thời do hoàn cảnh, thầy đã khuyên nhủ để em nhận ra hành vi sai trái và quyết định em vẫn được dự thi tốt nghiệp năm đó. Hiện nay, em có công việc ổn định và gia đình riêng hạnh phúc.

“Tôi muốn nhắn nhủ rằng là người thầy phải luôn linh hoạt, trong ứng xử, có những cách giải quyết hợp tình, hợp lý để đạt được mục đích cuối cùng là giúp học trò trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Giáo dục đạo đức cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo thành nền tảng vững chắc cho các em vào đời. Bản thân người làm thầy phải là tấm gương sáng về lối sống, nhân cách. Ngoài ra, tôi hy vọng rằng các em tham gia nhiều hơn trong các hoạt động xã hội bởi vì khi ‘tắm mình’ trong các hoạt động xã hội, các em sẽ nhận biết được thời cuộc, tình hình thực tế một cách sống động nhất, từ đó giúp cho công tác giáo dục thế hệ trẻ có chiều sâu, đạt hiệu quả cao”- thầy Thông chia sẻ.

k
Thầy Thông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục tỉnh Khánh Hòa.

Tạm biệt thầy cô để lao vào vòng xoáy mưu sinh, tôi vẫn nghe đâu đây vang vọng câu hát “Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh. Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi…”. Dòng đời vẫn chảy trôi nhưng tấm lòng của những “người chèo đò” năm nào vẫn còn nguyên vẹn. Xin gửi tấm lòng tri ân và kính chúc thầy cô một cuộc sống vui khỏe, hạnh phúc, an nhàn, thanh thản ở tuổi già và mãi mãi là tấm gương sáng, là những cây cao bóng cả tỏa bóng mát cho đời.

N.T